Vị trí hố sâu gần 50m dưới sông Tiền cách cầu Mỹ Thuận 1,2km: Sau 4 năm đã sâu thêm 3,8m

Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 24/12/2022 12:45 PM (GMT+7)
Quá trình khảo sát, đo đạc trong mùa khô 2022, một đơn vị đã phát hiện cách cầu Mỹ Thuận 1,2km về phía thượng nguồn sông Tiền đang có một hố sâu gần 50m.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin Dự án quản lý cát bền vững (IKI SMP; dự án do WWF Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT thực hiện) trong quá trình khảo sát, đo đạc trên sông Tiền mới đây (tháng 6/2022) đã phát hiện một hố sâu gần 50m (chính xác là 46,8m) cách cầu Mỹ Thuận 1,2 km về phía thượng nguồn, theo nguồn tin của Dân Việt, năm 2018, tức cách nay 4 năm, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng đã phát hiện điểm này có độ sâu khoảng 43m. 

Vị trí hố sâu gần 50m dưới sông Tiền cách cầu Mỹ Thuận 1,2km - Ảnh 1.

Hố sâu được cập nhật trên bản đồ về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ năm 2018. Ảnh chụp từ bản đồ về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL

Vị trí hố sâu gần 50m dưới sông Tiền cách cầu Mỹ Thuận 1,2km - Ảnh 2.

Số liệu đo của Dự án quản lý cát bền vững (IKI SMP; dự án do WWF Việt Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NNPTNT thực hiện) do vào tháng 6/2022. Ảnh: Huỳnh Xây

Hố sâu được cập nhật trên bản đồ về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ năm 2018. Như vậy, có thể thấy, hố sâu này đã sâu thêm khoảng 3,8m sau 4 năm. 

Đặc biệt, vị trí hố sâu này cách cầu Mỹ Thuận 1,2km nhưng gần cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng.

Hiện phía Dự án quản lý cát bền vững (IKI SMP) chưa có thông tin về nguyên nhân tạo ra hố sâu này. Ông Hà Huy Anh đến từ Dự án quản lý cát bền vững (IKI SMP) cho hay: "Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu xem nguyên nhân từ đâu".

Vị trí hố sâu gần 50m dưới sông Tiền cách cầu Mỹ Thuận 1,2km - Ảnh 3.

Phạm vi hố sâu được cập nhật trên bản đồ về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ năm 2018. Ảnh chụp từ bản đồ về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL

Vị trí hố sâu gần 50m dưới sông Tiền cách cầu Mỹ Thuận 1,2km - Ảnh 4.

Vị trí hố sâu cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu và cầu Mỹ Thuận 2 đang được xây dựng. Ảnh chụp từ bản đồ về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL

Ông Hà Huy Anh nói: "Ở biển, từ phía bờ, phải đi rất xa ra ngoài mới có độ sâu gần 50m, nhưng ở trên sông lại phát hiện hố sâu này. Ngoài điểm này, chúng tôi còn phát hiện rất nhiều hố sâu tương tự như thế này ở ĐBSCL".

Theo ông Hà Huy Anh, khi khảo sát ở các điểm trên sông Tiền, phía dự án không tìm thấy đụn cát ở đáy đạt tiêu chuẩn để nghiên cứu tại khu vực Mỹ Thuận. Tại đây, chỉ có sóng cát ngắn và thấp. Đồng thời, qua phân tích trầm tích bề mặt đáy sông khi lấy 34 mẫu tại Mỹ Thuận, thì có 8 mẫu hoàn toàn không có cát.

Theo WWF Việt Nam, hiện nay ĐBSCL có 665 điểm sạt lở với tổng chiều dài 656 km. Đặc biệt, có 181 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 172 km.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem