Vì sao chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở Lập Thạch của Vĩnh Phúc còn khó khăn?

Thứ ba, ngày 26/07/2022 07:00 AM (GMT+7)
Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, hoặc nuôi trồng thủy sản đã và đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, tạo bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập. Tuy vậy, tại huyện miền núi Lập Thạch (Vĩnh Phúc), quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Nhìn mô hình nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 10 ha tại các xứ đồng Bưng Bống của anh Khương Văn Hưng, xã Tiên Lữ, ít ai biết được rằng, chỉ 2 năm về trước, đây vẫn còn là một khu đồng bị bỏ hoang, không canh tác được do ô nhiễm và bị bèo xâm lấn.

Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, năm 2020, anh Hưng thuê lại ruộng bỏ hoang của bà con, đồng thời bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nạo vét cải tạo lại toàn bộ diện tích, phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 2 ha nuôi chuyên canh cá, phần còn lại là diện tích 1 lúa, 1 cá.

Năm 2021, mặc dù đang trong quá trình đào đắp cải tạo, song anh Hưng cũng đã nuôi thử nghiệm lứa cá đầu tiên; chỉ trong vòng 3 tháng, cho thu về 100 triệu đồng. Bước sang năm 2022, anh tiếp tục tăng sản lượng nuôi trồng. Mặc dù mới ở giai đoạn đầu, song anh Hưng khá tự tin với hiệu quả kinh tế mà mô hình đưa lại.

Vì sao chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở Lập Thạch của Vĩnh Phúc còn khó khăn? - Ảnh 1.

Xã Thái Hòa (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) tích cực chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Ảnh: Chu Kiều

 

“Với diện tích cùng hướng đi như hiện nay, đến khi sản xuất đi vào ổn định, giá cả thị trường đảm bảo, tôi có thể thu lãi 500 -700 triệu đồng, thậm chí đạt 1 tỷ đồng/năm từ nuôi trồng thủy sản, vượt xa so với giá trị kinh tế mà cây lúa đem lại trên cùng một diện tích” - anh Hưng chia sẻ.

Cùng với xã Tiên Lữ, được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng thủy sản 1 lúa; 1 cá đã và đang được triển khai tại xã Đồng Ích với quy mô 30 ha và xã Thái Hòa với quy mô 5ha.

Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lập Thạch cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện nay có khá nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ô nhiễm, không canh tác được. Các xã, thị trấn mong muốn thông qua chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc các cây trồng khác phù hợp hơn sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển.

Do đó, Nghị quyết số 20/2020 của HĐND tỉnh về Chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 -2025 được ban hành với nhiều hỗ trợ trong công tác chuyển đổi rất thiết thực, phù hợp”.

Dù hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi đã dần được chứng minh, song, trong quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều rào cản. Theo ông Thái, diện tích trồng lúa được giao cho các hộ gia đình có quy mô nhỏ, manh mún, việc dồn thửa đổi ruộng còn khó khăn, hạn chế nên việc thống nhất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm khác hoặc trồng cây ăn quả có quy mô 5ha/vùng hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có quy mô 10 ha/vùng liên quan đến rất nhiều hộ dân (từ 100 -200 hộ); nếu không có định hướng và cơ quan chủ trì rất khó thực hiện.

Trong khi đó, UBND các xã, thị trấn chưa có định hướng, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc bàn bạc, lấy ý kiến của người dân về vùng chuyển đổi, đối tượng chuyển đổi, các quy định thống nhất khi thực hiện chuyển đổi tại các địa phương chưa được triển khai. Việc thực hiện chuyển đổi diễn ra tự phát theo phong trào, quy mô nhỏ lẻ, phân tán không thành vùng tập trung.

Mặt khác, Nghị định 62/2019 của Chính phủ quy định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản nhưng lại không cho phép làm biến dạng mặt bằng. Như vậy, ở những vùng đất bị chất thải khác hoặc chất thải chăn nuôi làm ô nhiễm gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi.

Cụ thể, về trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, Nghị định chỉ cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 ml, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại. Để tạo được mặt bằng nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích so với quy định trên là rất ít.

Với những khó khăn đó, đến nay, trên địa bàn huyện chưa triển khai được nội dung hỗ trợ người sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, cây hàng năm khác thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản.

Trước thực tế đó, Phòng NNPTNT huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện dồn thửa đổi ruộng để hình thành các thửa vùng có diện tích lớn, thuận lợi cho ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; xem xét có hướng dẫn cụ thể về hạn mức của từng hộ thực hiện chuyển đổi là bao nhiêu diện tích và quy định diện tích bao nhiêu để đảm bảo đủ điều kiện được chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác và tăng hạng mức đào đắp chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, huyện cũng đề nghị tỉnh, các sở, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, hàng năm sớm cấp kinh khí để huyện chủ động triển khai thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến thời vụ; ưu tiên hỗ trợ về công tác giống, và các các ứng dụng công nghệ cao cho các vùng sản xuất được lựa chọn.

Nguyễn Hường (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem