Vì sao cá chép cúng ông Công, ông Táo sau khi phóng sinh dễ bị chết?

Bình Minh Thứ sáu, ngày 02/02/2024 09:31 AM (GMT+7)
Hôm nay, ngày 2/2 (tức ngày 23/12 tháng chạp 2023 - Tết ông Công ông Táo), ngoài làm mâm cơm cúng, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép sống cúng cùng các đồ lễ, sau đó những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân sau khi phóng sinh cá rất dễ bị chết.
Bình luận 0

Theo phong tục văn hóa cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp hàng năm, mọi gia đình sẽ làm mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo. Họ tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo lên Ngọc Hoàng những việc đã làm và chưa làm được trong năm vừa qua. Sau đó, đến đêm giao thừa, các Táo mới trở lại trần gian tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Vì vậy, vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép sống, thường loại nhỏ và khỏe, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... nghĩa là để đưa ông Táo về trời.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cá chép gắn liền với môi trường sông nước, phù hợp bối cảnh sống truyền thống của chúng ta là những vùng sông nước hoặc nghề làm lúa nước. Do vậy những loài vật sống dưới nước được ưu tiên hơn những loài vật sống trên cạn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cá chép cúng ông Công ông Táo vừa được phóng sinh xuống mặt hồ đã chết hàng loạt.

Theo một số người dân, cá chết nhiều thế này là do ô nhiễm môi trường, cá chưa thích nghi với môi trường mới nên nhiều con cá nhỏ "thoi thóp". Một phần nguyên nhân khiến cá bị ngạt thở bởi người dân đổ cả tàn tro, chân hương... xuống mặt hồ.

Vì sao cá chép cúng ông Công, ông Táo sau khi phóng sinh dễ bị chết?- Ảnh 1.

Hình ảnh người dân nô nức thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời sáng ngày 14/1/2023 tại hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với Dân Việt, ông Kim Văn Tiêu, chuyên gia thủy sản, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyên nông Quốc gia nói, nguyên nhân khiến cá chép vàng sau khi cúng, rồi đem phóng sinh ở sông, ao, hồ... bị chết một phần đến từ việc trong quá trình đánh bắt bị sây sát. Trong quá trình vận chuyển, cá bị "nhốt" quá lâu, qua đêm cá bị nổi đầu dẫn đến cá yếu, sức đề kháng giảm.

Ông Tiêu cho hay, khi thả cá phải nhẹ nhàng, từ từ để tránh va chạm mạnh để cá thích nghi với môi trường nước, nếu thả mạnh tay rất dễ khiến cá bị nhiệt vảy, dẫn đến chết.

Sau khi thả cá xong nên lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi. Không phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm, không thả cá ồ ạt, quăng, ném hay vứt cả núi nilon xuống hồ nước.

Trong trường hợp thấy cá bị gãy vây, sây sát, đỏ người cần tắm qua nước muối ở nồng độ 2% trong khoảng 10 - 15 phút sẽ hạn chế được tình trạng cá chết khi phóng sinh.

Là người có kinh nghiệm hàng chục năm nuôi cá, anh Đinh Văn Linh, Giám đốc HTX dịch vụ thủy sản Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) cho biết, nguyên nhân cá chép khi phóng sinh yếu dẫn đến chết là do khi đến tay người tiêu dùng, con cá đã phải trải qua rất nhiều đầu mối bán cũng như khâu vận chuyển. Nếu quá trình vận chuyển không đúng kỹ thuật, cá bị trầy xước, yếu nhược nên khi phóng sinh dễ chết.

Theo anh Linh, điều kiện thời tiết năm nay rét đậm rét hại cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Cá chép chịu được điều kiện thời tiết lạnh, tuy nhiên nếu nhiệt độ giảm sâu, rét đậm rét hại thì cá chép không chịu được. Với nhiệt độ dưới 15 độ C, cá chép yếu và gần như rơi vào trạng thái ngủ đông.

Một nguyên nhân nữa theo anh Linh, do con giống cá chép. Ngày nay, nhiều người thường chọn giống cá chép vàng, cá chép đỏ (thay cho cá chép trắng) để thả phóng sinh. Cá chép vàng, cá chép đỏ thường lá giống cá lai tạo, không phải giống cá bản địa do đó sức chịu đựng của chúng cũng kém hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem