Vạn An Thạnh - bảo tàng văn hóa biển hơn 240 năm trên đảo Phú Quý

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 28/09/2022 13:24 PM (GMT+7)
Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781), trải qua hơn 240 năm hiện vẫn uy nghi cạnh bờ biển thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Vạn An Thạnh được xem là một trong những Bảo tàng văn hóa biển thờ và lưu giữ nhiều bộ xương cá voi nhất Việt Nam.
Bình luận 0

Vạn An Thạnh hơn 240 tuổi trên đảo Phú Quý 

Biết chúng tôi từ đất liền ra thăm, qua điện thoại bác Trần Trọng - Trưởng Ban quản lý Vạn An Thạnh dặn ráng đứng chờ, để ông từ trên rẫy chạy về mở cửa cho chúng tôi tận mắt chứng kiến bộ xương cá Nhà Táng thuộc vào nhóm lớn nhất Việt Nam.

Dẫn chúng tôi tham quan, bác Trần Trọng cho biết, tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân trên đảo. Nơi đây thờ Ông Nam Hải, thờ Thành hoàng bổn xứ và chư vị Tiền hiền đã có công khai mở, kiến tạo xóm làng thuở xưa. Vạn An Thạnh là một trong những công trình có niên đại sớm nhất so với các công trình khác trên đảo Phú Quý.

Theo lời bác Trần Trọng, người dân trên đảo gọi cá voi là Ông Nam Hải và xem như vị thần độ mạng bởi trong những chuyến ra khơi, trong tâm trí ngư dân luôn nghĩ đến và đặt trọn vẹn niềm tin vào Ông Nam Hải để có được hành trình đi, về an toàn.

Vạn An Thạnh, Bảo tàng văn hóa biển có tuổi đời hơn 240 năm trên đảo Phú Quý  - Ảnh 1.

Bác Trần Trọng - Trưởng Ban quản lý Vạn An Thạnh bên trong chánh điện. Ảnh: Bùi Phụ

"Mỗi khi có ai phát hiện Ông Nam Hải vào bờ lụy (chết) thì báo tin để người dân trên đảo cùng đứng ra tổ chức tang lễ, an táng. Người phát hiện Ông Nam Hải lụy đầu tiên, sẽ là người đứng chủ tang, chịu tang trong 3 năm như con trai cả trong gia đình có cha mẹ qua đời. Đây là nét văn hóa dân gian linh thiêng từ bao đời nay, được minh chứng, thể hiện qua các đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng và lệnh cho nhân dân ba làng Mỹ Khê, Hội An và Triều Dương phải cùng nhau hương khói, phụng thờ…", bác Trần Trọng chia sẻ.

Theo phong tục tín ngưỡng dân gian trên đảo Phú Quý, sau ba năm Ông Nam Hải đã phân hủy hết phần thịt, bộ xương sẽ được nhập làng, đưa vào thờ. Hiện tại, trong Vạn An Thạnh đang thờ và lưu giữ hơn 70 bộ xương cốt Ông Nam Hải.

Đáng chú ý nhất là nơi trưng bày bộ xương cá Nhà Táng (thuộc họ cá voi) có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn).

Vạn An Thạnh Nơi sinh hoạt truyền thống của người dân đảo Phú Quý

Vạn An Thạnh, Bảo tàng văn hóa biển có tuổi đời hơn 240 năm trên đảo Phú Quý  - Ảnh 2.

Bác Trần Trọng - Trưởng Ban quản lý Vạn An Thạnh bên bộ xương cá Nhà Táng. Ảnh: Bùi Phụ

Theo sử sách ghi lại, năm 1841, một Ông Nam Hải to lớn bị lụy trên bờ biển phía trước Vạn An Thạnh, được bà con trên đảo Phú Quý tổ chức an táng. Ông Nam Hải này to lớn, nặng nhất nên bà con lấy ngày 15/10 Âm lịch hàng năm (ngày phát hiện Ông lụy), làm ngày giỗ, lễ tế, họp mặt hàng năm của bà con trên đảo.

Cũng theo bác Trần Trọng, bên cạnh các hoạt động nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng ngư nghiệp, Vạn An Thạnh còn là nơi tổ chức những buổi sinh hoạt quan trọng của làng, xã như: hội họp, đua thuyền, tổ chức hát bội để phục vụ bà con nhân dân hàng tháng, hàng năm.

Mỗi dịp lễ hội, người dân xứ đảo có đi làm ăn ở xa cũng tranh thủ quay về Vạn An Thạnh để dâng nén hương tạ ơn Ông Nam Hải. Sau đó sau gặp gỡ trao đổi việc làm ăn trong năm qua và xem hát bội.

Vạn An Thạnh, Bảo tàng văn hóa biển có tuổi đời hơn 240 năm trên đảo Phú Quý  - Ảnh 3.

Một góc Vạn An Thạnh. Ảnh: Bùi Phụ

Anh Nguyễn Thành nhà ở TP. Phan Thiết cho biết, anh sinh ra ở đảo sau đó đi học và làm việc ở đất liền nhưng gần 20 năm qua, năm nào anh cũng đưa vợ con về Vạn An Thạnh thắp hương tạ ơn Ông Nam Hải. "Mỗi lần về, tôi đều cố gắng đóng góp ít nhiều tài chính để các bác trong Ban quản lý có kinh phí tu bổ, mua sắm lễ vật cúng tế đầm ấm hơn. Nhờ ơn Ông Nam Hải, mà nhiều năm qua, năm sau tôi làm ăn khấm khá hơn năm trước…", anh Nguyễn Thành tiết lộ!

Theo ghi nhận của chúng tôi, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Vạn An Thạnh ngày nay vẫn đứng uy nghi, sừng sững trước biển cả mênh mông. Nơi đây cũng mang đậm dấu ấn đoàn kết của những ngư dân từng một thời hướng biển đi tìm kế sinh nhai.

Clip: Vạn An Thạnh, điểm du lịch tâm linh truyền thống tại Phú Quý. Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường

Theo các vị lớn tuổi trên đảo Phú Quý, thuở ban đầu, Vạn An Thạnh chỉ là một bộ khung gỗ lợp tranh vách lá. Dần dần, cùng với sự quan tâm đầu tư của bà con, nhà nước cụ thể là cách đây gần chục năm, UBND tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 8 tỷ để xây dựng một nhà trưng bày xương cá Nhà Táng. Thêm vào đó là sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân nên Vạn An Thạnh khang trang, kiên cố, cảnh quan xung quanh thoáng mát, sạch đẹp như hôm nay.

Công trình kiến trúc Vạn An Thạnh hiện nay gồm chính điện để thờ Ông Nam Hải cùng các Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công xây dựng đảo. Phía trước và sau là những cái sân rộng lớn để bà con vui chơi những ngày lễ hội và xem hát bội…

Vạn An Thạnh, Bảo tàng văn hóa biển có tuổi đời hơn 240 năm trên đảo Phú Quý  - Ảnh 4.

Các em nhỏ ở thôn Triều Dương đang chơi trong sân Vạn An Thạnh. Ảnh: Bùi Phụ

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, ngoài những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người dân đảo Phú Quý, Vạn An Thạnh hiện là một Bảo tàng văn hóa biển tồn tại trên 240 tuổi. Nơi đây có nhiều sưu tập những chủng loại cá voi và rùa da. Có thể xếp vào hạng các Bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới.

Trong những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu về Hải dương học, những đoàn khách du lịch nước ngoài đến đảo đã rất thích thú về việc bảo quản, giữ gìn di vật trong Vạn An Thạnh. Chính vì vậy, Vạn An Thạnh như một chứng nhân bao đời của lịch sử vùng biển đảo Việt Nam. Những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và văn học dân gian sẽ được kế thừa tiếp tục phát triển những điểm tốt, sẵn sàng chuyển giao điểm tốt cho thế hệ mai sau.

Vạn An Thạnh hiện là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách khi đến thăm đảo Phú Quý.

Vạn An Thạnh, Bảo tàng văn hóa biển có tuổi đời hơn 240 năm trên đảo Phú Quý  - Ảnh 5.

Bên trong nhà trưng bày bộ xương cá Nhà Táng trong Vạn An Thạnh. Ảnh: Bùi Phụ

Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia, tại Quyết định số 51/QĐ/BT ngày 12/01/1996.

Tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân đảo Phú Quý.

Nếu như ở các vùng nông nghiệp có tên Đình là thiết chế văn hóa truyền thống của làng, thì các vùng ngư nghiệp ven biển và hải đảo có tên là Vạn. Đình hay Vạn đều thờ Thành Hoàng bổn xứ và Tiền hiền, Hậu hiền. Tuy nhiên Vạn là một loại hình mang đậm sắc thái tín ngưỡng ngư nghiệp, Thần Thành Hoàng trong Vạn là phần thờ phụ còn chính thống vẫn là Thần Nam Hải.

Đảo Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một đảo nhỏ, với diện tích 16 km² có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời. Với hơn 30 di tích lịch sử - văn hóa đủ mọi loại hình và niên đại trải đều trên đảo.

Huyện đảo Phú Quý cách đất liền TP. Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 120 km về hướng Đông Nam gồm 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với khoảng 30.000 dân sinh sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem