Tuyên truyền để học sinh sinh viên tránh xa tệ nạn mại dâm

PV Thứ năm, ngày 26/12/2019 17:56 PM (GMT+7)
Số lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động này rất ít, chiếm 0,3 % trên tổng số vụ việc vi phạm.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy công tác giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội trong nhà trường năm học 2019-2020”.

Rất ít học sinh, sinh viên liên quan đến mại dâm

Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong thời gian gần đây xuất hiện nhóm đối tượng được coi là “có học và sang trọng”, đều là những người mẫu, hoa hậu và có cả sinh viên tham gia đường dây bán dâm, mới bị phát giác, được dư luận và báo chí quan tâm và đưa tin.

img

Nhiều nhà trường học đã tổ chức chương trình phòng chống mại dâm cho học sinh. Ảnh minh hoạ

Theo kết quả báo cáo số lượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm của Bộ Công an thì số lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động này rất ít, chiếm 0,3 % trên tổng số vụ việc vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Linh, mỗi hiện tượng vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn mại dâm sẽ tạo ra những sự nhìn nhận sai lệch của xã hội về những nỗ lực, cố gắng mà ngành giáo dục từng bước thực hiện thời gian qua. Việc đó còn gây ra những hệ lụy liên quan đến chính bản thân những sinh viên tham gia tệ nạn đó và gia đình của các em ở ngay trong hiện nay và tương lai sau này.

Không chỉ mại dâm ngoài trường học, theo TS Nguyễn An, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội, mại dâm cũng đã nhen nhóm và xuất hiện trong chính các trường học mà bản thân học sinh cũng không nhận thức được. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã yêu cầu các Sở GD&ĐT, các nhà trường triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Tuyên truyền phòng chống mại dâm trong nhà trường

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT, các nhà trường quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, quy định về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh sinh viên; bảo đảm tốt nhất và an toàn về thể chất và tinh thần cho tất cả các thành viên trong nhà trường.

Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định, nội quy của nhà trường. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh sinh viên cán bộ, giáo viên trong việc lồng ghép, tích hợp công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Cần phối hợp đồng bộ giữa ngành Giáo dục và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan; giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều tra, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trường học.

Các cơ sở giáo dục tổ chức ký cam kết giữa Đại điện sinh viên- Nhà trường-Cơ quan công an (ban đại diện cha mẹ học sinh đối với khối phổ thông) không vi phạm pháp luật và tích cực tham gia công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý các nhà trường rà soát, điều chỉnh sửa đổi các nội quy, quy định của địa phương, nhà trường phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhằm bảo đảm các quy định được thực hiện đầy đủ và hạn chế tối đa lỗ hổng trong quản lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem