Tuyên Quang: Chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 08/04/2023 11:19 AM (GMT+7)
Là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao nên những năm qua, Tuyên Quang luôn chú trọng tới các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Tập trung phát triển mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững

Từng là hộ nghèo bền vững đến thiếu ăn thiếu mặc ở xã Năng Khả (huyện Na Hang) nhưng từ 2 năm trở lại đây, gia đình chị Hoàng Thị Thuần (dân tộc Tày, 45 tuổi) đã thoát khỏi cảnh nghèo.

Chị Thuần tâm sự, năm 2017, gia đình chị được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng thông qua tổ vay vốn của thôn với số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên gia đình chị đã đầu tư phát triển mô hình nuôi gà đẻ, nuôi lợn thịt, biết áp dụng kiến thức phòng bệnh cho vật nuôi hiệu quả. Mô hình chăn nuôi của chị phát triển tốt, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, từ đó vươn lên thoát nghèo.

giảm nghèo

Huyện Lâm Bình trao dê giống cho người nghèo ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh: NN

Cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình tổ chức trao 70 con dê sinh sản giống địa phương cho 20 hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở các xã Bình An, Thổ Bình tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo. Đây đều là con dê giống được mua từ chính các hộ trong thôn bản để trao lại cho người nghèo. Với cách làm này, địa phương có thể tăng cường giám sát, các hộ bán giống cũng có thể hỗ trợ chia sẻ thêm kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ nghèo. 

Ông Đặng Phúc Tiến (thôn Tân Hoa, xã Bình An) là một trong số các gia đình được hỗ trợ 4 con dê sinh sản để chăn nuôi. Sau khi nhận dê, ông Tiến đã được cán bộ thu ý của huyện căn dặn, hướng dẫn nhận biết các bệnh thường gặp ở đàn dê và cách chăm sóc, bảo vệ vật nuôi vào thời gian giao chuyển mùa, nhất là vào mùa Đông. 

"Sau 2 năm chăn nuôi, nhân giống, đến nay nhà tôi đã có đàn dê hơn 10 con. Đàn dê phát triển khỏe mạnh, giúp gia đình tôi sớm vươn lên thoát nghèo. Thu nhập mỗi tháng cũng được 3-4 triệu đồng", ông Tiến nói.

Không chỉ hỗ trợ người dân tự tạo việc làm thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn vay, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hay học nghề, tặng giống bò, dê..., tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm cung cấp, tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và cả ở nước ngoài qua đó tạo việc làm cho nhiều lao động hơn.

Đặc biệt, việc hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm được ưu tiên cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các hộ gia đình thiếu đất sản xuất, lao động phải chuyển đổi ngành nghề, lao động thuộc diện di dân tái định cư. Đây là cách nhằm tạo cơ hội cho người lao động có cơ hội tìm việc làm, đi làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp trong tỉnh, trong nước, góp phần nâng cao thu nhập và hạn chế phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với phương án, dự án vay vốn khả thi, sử dụng nhiều lao động và cho vay đối với đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, lao động là người dân tộc thiểu số.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025.

Tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%

Theo kết quả rà soát năm 2022, toàn tỉnh còn 40.522 hộ nghèo, chiếm 18,90%. Mục tiêu hết năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%. Phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra (giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%).

Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với tỷ lệ 37,32%; 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng số hộ nghèo.

Ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, để thực hiện mục tiêu này, tỉnh triển khai thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền về giảm nghèo; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của tỉnh về giảm nghèo bền vững; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh, dịch vụ, tạo nhiều việc làm để tăng thu nhập cho người dân; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu hoàn thành việc thực hiện xóa 3.820 nhà ở tạm, dột nát cho 100% hộ nghèo…

giảm nghèo

Rất nhiều các mô hình giảm nghèo có hiệu quả đã được xây dựng tại Tuyên Quang. Ảnh: N.T

Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 19.310 hộ đầu năm 2022 xuống còn 8.571 hộ vào cuối năm 2025 đối với số hộ nghèo thiếu vốn và giảm từ 9.992 hộ đầu năm 2022 xuống còn 3.527 hộ vào cuối năm 2025 đối với hộ nghèo do thiếu phương tiện sản xuất.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giảm nghèo; truyền thông, vận động để làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và các hộ nghèo về ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; biểu dương, khen thưởng các hộ nghèo có nhiều nỗ lực điển hình trong vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem