Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khảo sát dự án phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn tại Đắk Lắk

Thư Anh Thứ năm, ngày 29/02/2024 15:43 PM (GMT+7)
Sau một thời gian triển khai, mô hình điểm "Nông dân phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" tại Đắk Lắk đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.
Bình luận 0

Sáng 29/2, tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã khảo sát thực tế triển khai, thực hiện Dự án "Hỗ trợ mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" giai đoạn 1.

Dự án "Hỗ trợ mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" được Trung tâm Môi trường nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk triển khai tại thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk từ tháng 11/2023, với sự tham gia của 600 hộ là hội viên nông dân ở 5 thôn gồm thôn 6A, 6B, 7, 9 và 14.

Tham gia dự án, các hộ tham gia được cấp 600 thùng ủ rác hữu cơ 120 lít, 55 thùng rác 240 lít, 10 xe gom rác 500 lít và 1.200 gói chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ.

Đồng thời, được chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, kỹ thuật lên men xử lý chất thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn thành lập các tổ thu gom rác, quy chế hoạt động và thu chi tài chính...

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khảo sát dự án phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn tại Đắk Lắk- Ảnh 1.

Thành phẩm phân bón từ rác thải hữu cơ được người dân sử dụng bón cho các loại cây trồng nhằm tiết giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Thư Anh

Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hội Nông dân các cấp cùng chính quyền địa phương còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện phân loại rác thải, hướng dẫn cách pha chế chế phẩm sinh học và ủ rác thải hữu cơ để tạo ra phân bón chất lượng cho các loại cây trồng; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, rút kinh nghiệm.

Vào khu vườn của gia đình ông Phạm Hữu Sáng ở thôn 6A (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar), cây nào, cây nấy đều tươi tốt. Gia đình ông đang sử dụng phân hữu cơ đã ủ vi sinh để bón các loại cây trồng trong vườn.

Theo ông Sáng, trước đây mọi rác thải sinh hoạt, gia đình ông đều đổ vào thùng nhựa, bao tải để công nhân môi trường thu gom. Thế nhưng, sau khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các thành viên trong gia đình đã hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải.

Ông Sáng chia sẻ: "Đối với các loại rác thải có thể tái chế tôi để riêng, còn rác hữu cơ được đem đi xử lý ngay. Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy đến 60%; hạn chế được mùi hôi thối phát sinh từ rác thải hữu cơ và có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng, tiết kiệm tiền mua phân bón".

Tham quan, kiểm tra thực tế triển khai mô hình cho thấy, các hộ tham gia đã triển khai đào hố chứa rác, thực hiện phân loại rác, sử dụng thùng chứa rác hữu cơ và chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón. Hội viên nông dân thay đổi tích cực trong nhận thức, nâng cao ý thức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án có phát sinh việc đối ứng giá đỡ, kệ, xô. Do đó, ở một số hộ tham gia xây dựng mô hình chưa kịp thời đối ứng giá đỡ, kệ kê thùng ủ rác hữu cơ (hiện đang sử dụng gạch, đá, ván lót… để kê thùng). Một số hộ nông dân chưa thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật ủ rác hữu cơ đã được tập huấn, hướng dẫn. Trong 5 thôn triển khai thực hiện dự án, hiện có 1 thôn (thôn 7) chưa có xe thu gom rác vô cơ, vì vậy, hiệu quả của thùng rác vô cơ chưa đạt yêu cầu.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khảo sát dự án phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn tại Đắk Lắk- Ảnh 2.

Tham gia Dự án "Hỗ trợ mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn", các hội viên nông dân được cấp thùng ủ rác hữu cơ và nhiều trang thiết bị hỗ trợ khác. Ảnh: Thư Anh

Đại diện đơn vị hỗ trợ triển khai dự án, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá, quá trình triển khai Dự án "Hỗ trợ mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã được Hội Nông dân tỉnh và địa phương quan tâm triển khai quyết liệt, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khảo sát dự án phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn tại Đắk Lắk- Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá quá trình triển khai mô hình điểm "Nông dân phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thư Anh

Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, địa phương nơi triển khai mô hình tiếp tục nghiên cứu các dịch vụ, vận động xã hội hóa hỗ trợ thêm thùng đựng rác, xây hố rác và xe vận chuyển, thu gom rác nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ trên địa bàn;

Tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ, hội viên nông dân áp dụng đúng kiến thức trong thu gom, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình… 

Đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, khảo sát địa điểm để nhân rộng mô hình thu gom, xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem