Chỉ trồng cau vú bò thôi, ông nông dân Tiền Giang nhẹ công chăm sóc, vẫn thu tiền tỷ

Trần Đáng Thứ tư, ngày 13/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Gom từng trái cau vú bò Bà Điểm về nhân giống trồng, giờ ông Sáu Tần (Nguyễn Ngọc Tần, Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang) đã có vườn cau quý. Nhờ trồng cau vú bò Bà Điểm, ông Sáu Tần trở thành tỷ phú.
Bình luận 0

Hiện, ông Sáu Tần trồng cau vú bò Bà Điểm với 1.200 cây. Vườn cau tơ này đã cho trái 2 năm nay.

Trồng loại cây gầy tong teo, cao chót vót lấy trái, ông nông dân sông Tiền thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Sáu Tần (Nguyễn Ngọc Tần, Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) và khu vườn trồng cau vú bò Bà Điểm. Ảnh: Trần Đáng

Trồng cau vú bò Bà Điểm dễ như chơi

Khi giá cau ở TP.HCM tuột dần, cũng là lúc chúng tôi vác ba lô về thăm vườn cau ông Sáu Tần ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Nhìn vườn cau được trồng đều, thẳng tắp, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun sương mù mịt chẳng ai còn tâm trí nghĩ về giá cau.

Như thường lệ, ông Sáu Tần vẫn lui cui ngoài vườn. Vừa đi ông vừa ngó nghiêng những buồng cau trỉu quả tròn lẳn.

Nghe phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN nói giá cau tuột còn 23.000 đồng/kg, ông Sáu Tần không nói gì chỉ cười vui. Với ông Sáu Tần việc giá cau lên xuống như thủy triều vậy. Điều ông quan tâm là vườn cau có xanh tốt, cho trái đạt năng suất hay không.

Theo ông Sáu Tần, ông trồng vườn cau vú bò Bà Điểm từ 6 năm trước. Tuy nhiên, ông mê trồng cau từ khi thanh niên.

6 năm trước sau khi nghe bà chủ vựa thu mua cau ở Giồng Trôm (Bến Tre) chỉ cho giống cau vú bò Bà Điểm với chất lượng và năng suất thượng thừa và hứa mua hết cau trái, ông Sáu Tần hăng hái chạy về Bà Điểm (Hóc Môn, TP.HCM) mua cây cau giống.

Trồng loại cây gầy tong teo, cao chót vót lấy trái, ông nông dân sông Tiền thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Những buồng cau vú bò Bà Điểm trỉu quả trong vườn trồng cau của ông Sáu Tần ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trần Đáng

Ông Sáu thổ lộ, cau vú bò Bà Điểm ruột to, trắng, vỏ mềm. Cau Bà Điểm có mùi thơm ngọt, đặc biệt không quá chát, ăn nhiều cũng không say. Đặc biệt, cau Bà Điểm cho năng suất rất tốt.

Thời điểm ấy, "Mười tám thôn vườn trầu" Bà Điểm người trồng cau chỉ còn đếm trên ngón tay. Vì thế, muốn mua cau giống ông Sáu Tần phải mua vét từng trái rồi mang về làm giống. Giá cau giống lúc bấy giờ là 15.000 đồng/kg.

"Tôi phải đi gom trái về nhân giống suốt 3 năm mới đủ trồng giáp vườn", ông Sáu Tần bộc bạch.

Thời điểm ấy, thanh long rất được giá. Tuy nhiên, ông Sáu Tần vẫn phá vườn thanh long lên ụ trồng cau xen vào.

Theo ông Sáu Tần, trồng cau không khó. Cây cau sống khỏe, cho trái dù có chăm sóc, phân thuốc hay không.

Kỹ thuật trồng cau của ông Sáu Tần là cây cách cây 1,3-1,5m, hàng cách hàng 4-5m để cây tiếp nhận ánh nắng.

Cây cau là cây cần nước nên ông Sáu Tần lắp đặt hệ thống tưới phun sương tắm tưới cho cau. Để đất tơi xốp, mùn nhiều, ông Sáu Tần trồng đậu phủ khắp vườn. 

Ông chủ yếu dùng phân chuồng, phân hữu cơ bón vườn cau. Ông hạn chế bón phân hóa học vì bón nhiều cây sẽ rụng bông. Ông Sáu Tần tính, tất cả chi phí, công cán cho vườn cao chỉ chiếm 10% doanh thu.

"Trồng khoảng 4 năm cau cho trái. Tuy nhiên, phải 6 năm trồng, cay cao mới cho trái đạt năng suất tốt", ông Sáu Tần chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Trồng loại cây gầy tong teo, cao chót vót lấy trái, ông nông dân sông Tiền thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Ông Sáu Tần (Nguyễn Ngọc Tần, Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang) lựa giống bán cho bà con nông dân trồng cau Bà Điểm. Ảnh: Trần Đáng

Hiện, trong vườn cau vú bò Bà Điểm của ông Sáu Tần cho 2 loại trái khác nhau là tròn và dài. Hai loại cây cho trái năng suất như nhau 40-50kg/cây/năm. Tuy nhiên, cau trái dài cho 20-25 trái/kg. Trong khi, cau trái tròn cho 15-20 trái/kg.

Trồng loại cây gầy tong teo, cao chót vót lấy trái, ông nông dân sông Tiền thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Tiểu thương mua cau tại nhà vườn trồng cau Bà Điểm rồi đưa ra chợ bán. Ảnh:Trần Đáng

Để phân biệt 2 loại cau này, trong vườn cau, ông Sáu Tần buột 2 dây quanh thân cau là cau trái tròn, và 1 dây là cau trái dài.

Thu tiền tỷ nhờ trồng giống cau đẹp nhất làng cau

Theo ông Sáu Tần, hiện ông vừa bán giống vừa bán cau tươi. Khách hàng mua giống cau của ông giờ ở khắp các vùng miền.

"Giống cau tôi làm ra không đủ bán", ông Sáu Tần thổ lộ.

Năm nay, ông Sáu Tần dự định làm 30.000 cây giống cau Bà Điểm. Trong đó, 20.000 cây giống đã được bà con nông dân đặt trước. Giá cau giống trái dài là 20.000 đồng/cây. Nếu đặt số lượng 1.000 cây giống sẽ giảm giá 2.000 đồng/cây. Giá cau giống trái tròn là 25.000 đồng cây.

Ông Sáu Tấn cho biết, trong năm mùa cau xuất khẩu từ tháng 5 đến tháng 11. Cau xuất khẩu trái phải hơi non. Thương lái đến vườn cắt trái 3 lần/tháng. Thời gian còn lại cau chỉ bán thị trường nội địa nên nửa tháng thương lái đến cắt một lần.

Ông Sáu Tần kể, có thương lái hỏi mua mão cả vườn rồi tự chăm, phân thuốc. giá mỗi cây cau là 500.000 đồng/năm.

"Bán "cau non" kiểu này rất khỏe. Mỗi năm ngồi chơi thu 600 triệu đồng. Nhưng tôi không bán sợ hư cây, hư vườn hết", ông Sàu Tần thổ lộ.

Ông Sáu Tần kể, năm ngoái, ông thu nhập gần 500 triệu đồng từ vườn cau.  Năm nay, ông tính thu nhập sẽ tăng gấp đôi vì thu hoạch trái nhiều hơn năm ngoái.

"Năm nay, nếu thu nhập 1 tỷ không nổi thì 800-900 triệu khỏe re. Năm tới, nếu giá như năm nay thu nhập sẽ ngoài tỷ đồng", tính xong, ông Sáu Tần cười khà khà.

Trồng loại cây gầy tong teo, cao chót vót lấy trái, ông nông dân sông Tiền thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 6.

Khu vườn trồng cau Bà Điểm được lắp hệ thống tưới phun sương. Ảnh: Trần Đáng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem