Chủ căn nhà có hàng rào cây ô rô "cực chất" ở Hà Nội tiết lộ bí quyết 30 năm chăm sóc cây

Mai Dung -Vân Anh Thứ sáu, ngày 13/05/2022 13:56 PM (GMT+7)
Nhiều người dân ngỡ ngàng khi nhìn thấy hàng rào có hình cổng làng theo kiểu truyền thống cổ đặc trưng của làng quê Việt Nam được kết từ những cây ô rô trông rất lạ, thích mắt của ông Trịnh Văn Kỳ (thôn Yên Trường, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Bình luận 0

Dành 30 năm để hoàn thành "tác phẩm để đời"

Đầu những năm 1990 khi loại cây mang tên ô rô chưa được trồng phổ biến thì  loài cây "quý hiếm" này được ông Kỳphát hiện trồng ở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.

"Thời bấy giờ tôi chưa thấy loài cây ô rô trồng ở đâu cả, loài cây không thuộc loại thân leo nhưng lại kết nối chặt chẽ giữa các nhánh nhỏ với nhau tạo nên bức tường thành vững chắc, đến nỗi lắc cũng không đổ khiến tôi thích thú và sau đó tôi ấp ủ ước muốn trồng được loài cây này", ông Trịnh Nhân Kỳ chia sẻ.

Năm 1992, ông Kỳ xin được giống và bắt đầu trồng cây ô rô cạnh chiếc ao rộng gần 100 mét vuông - nơi mà lũ trẻ trong xóm làng tụ tập vui đùa và bơi lội mỗi khi mùa hè ập đến.

Trầm trồ trước căn nhà có hàng rào, cổng chùa làm bằng cây ô rô "cực chất" ở Hà Nội - Ảnh 1.

Hàng rào bằng cây ô rô được trồng cạnh chiếc ao rộng gần 100 mét vuông- nơi mà lũ trẻ con trong xóm làng tụ tập vui đùa và bơi lội mỗi khi mùa hè ập đến. Ảnh: Mai Dung

Ông Kỳ cho biết, ban đầu khi trồng ô rô ông chỉ định trồng tạo rào chắn ngăn cho các con của ông không chơi đùa cạnh bờ ao, tránh những tai nạn không mong muốn. Tuy nhiên, trải qua 8 năm kể từ khi mới trồng tỉa, ông cũng có một hệ thống hàng rào tạm ưng ý. 

Tiếp sau đó ông Kỳ nảy ra ý tưởng làm một chiếc cổng mô phỏng cổng làng vừa làm đẹp cho ngôi nhà, vừa tạo điểm nhấn cho khách du lịch mỗi khi đi qua mảnh đất làng xã Yên Trường- nơi vốn nổi tiếng với cái tên "làng cổ".

"Đây là loài cây khó sống nên phải chăm sóc rất khéo mới sống và lên đều nhánh. Ban đầu, để cây sống tôi đã phải trồng đi trồng lại vài ba lần, số cây chết cũng kha khá", ông Kỳ chia sẻ.

Để thúc đốc quá trình phát triển của cây, ông Kỳ tích cực chăm sóc, uốn nắn, cắt tỉa và chăm bón bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài và dễ dàng tạo hình như ông mong muốn. 

Thế rồi 8 năm, 10 năm, 12 năm, bờ rào ô rô dần thành hình thành dạng. Màu xanh ô rô đã phủ hết, các chi cành lá đã được cắt tỉa nhiều lần dần trở nên cứng cáp. Từ đằng xa nhìn lại đã thấy ấn tượng bờ rào xanh trước ngôi nhà ngói thuần Việt. Cho đến nay, sau 30 năm dành tâm sức, ý tứ cho cổng nhà, chính ông Kỳ cũng không biết đã bỏ ra bao nhiêu ngày công, cắt mòn biết bao nhiêu cái kéo để thực hiện tác phẩm để đời.

Trầm trồ trước căn nhà có hàng rào, cổng chùa làm bằng cây ô rô "cực chất" ở Hà Nội - Ảnh 3.

Hàng cây xanh mướt với tạo hình cổng đình kiên cố khiến cho mỗi người khi đi qua mảnh đất thôn Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đều phải ngỡ ngàng. Ảnh: Vân Anh

Việc tỉa tót lại cho hàng cây mọc đúng khuôn khổ được ông Kỳ chia làm 2 mùa. Vào mùa khô, cây phát triển chậm hơn nên chỉ cần 10 ngày cắt tỉa một lần. Mùa mưa nhành lá đua nhau phát triển, vài ngày ông đã phải cắt tỉa lại.

"Trồng cây ô rô thì rõ ràng không khó nhưng chăm sóc, rồi cắt đi tỉa lại làm sao cho thân cây to ra, cứng ra đủ sức làm một bờ rào vững chãi thì rõ ràng phải mất công và mất thời gian. Tôi cũng đã hướng dẫn nhiều người nhưng họ không thể kiên nhẫn nên phá bỏ", ông Kỳ chia sẻ.

Ông Kỳ kể rằng, từ khi cái cổng và bờ rào nhà ông "nổi tiếng", nhiều người ở thôn Yên Trường cũng đã phá bỏ hàng rào tường gạch để trồng cây ô rô. Thế nhưng, không ai thành công vì họ không đủ kiên nhẫn để tạo uốn cho một loài cây thay thế gạch vữa.

Trầm trồ trước căn nhà có hàng rào, cổng chùa làm bằng cây ô rô "cực chất" ở Hà Nội - Ảnh 4.

Bằng bàn tay khéo léo cộng với sự cần mẫn không quản ngày tháng chăm sóc, ông Kỳ đã uốn nắn loại cây ô rô này với mô phỏng cổng chùa vô cùng đẹp mắt.

Gia đình nhà ông Kỳ có vị trí đắc địa, nhà hướng ra ao hồ tự nhiên nên dãy hàng rào ô rô của ông càng nổi bật giữa trốn người ra người vào này. Chính ông Kỳ cũng không hình dung được tác phẩm của mình đến giờ lại được người khác yêu thích đến thế.

Nơi giới trẻ thăm quan thưởng thức, người già lưu lại "dấu xưa"

Mỗi du khách khi đặt chân trên ngôi làng cổ kính Yên Trường không chỉ được ngắm những bức tường đá ong lâu đời hay những chiếc giếng cổ đã phủ đầy rong rêu, mà bức tường ô rô xanh mướt với tạo hình độc lạ của ông Trịnh Nhân Kỳ cũng sẽ khiến cũng đâu đó để lại dấu ấn cho mỗi người khi đi qua nơi đây.

Từ khi tác phẩm của mình được nhiều người biết đến, ông Kỳ tự nhận thấy cần phải cắt tỉa cẩn thận hơn, bởi giờ đây "món quà tinh thần" này của ông đã trở thành tài sản chung của làng: "Giờ tôi mới hiểu hết giá trị của hàng rào và cổng cây đó. Nhiều vị khách nói với tôi rằng đây là giá trị văn hóa nông thôn, cố gắng gìn giữ".

Trầm trồ trước căn nhà có hàng rào, cổng chùa làm bằng cây ô rô "cực chất" ở Hà Nội - Ảnh 5.

Để hoàn thành tác phẩm để đời này, chính ông Kỳ cũng không biết đã bỏ ra bao nhiêu ngày công, cắt mòn biết bao nhiêu cái kéo trong cả 1/3 quãng đời của ông. Ảnh: Mai Dung

Ông Dương Văn Toàn, người dân ở thôn Yên Trường cho hay, cứ chiều chiều khi mặt trời đã dịu đi cái nắng gay gắt của mùa hè nóng bức, lũ trẻ con trong làng lại kéo nhau đến nhà ông Kỳ để tắm ao. Phía dưới là lũ trẻ đang đùa nghịch tập bơi, trên bờ là những người cao tuổi ngồi lại cùng nhau vừa tâm tình thủ thỉ, vừa ngắm nhìn hàng cây ô rô được họ coi là đã quá quen thuộc.

"Đến nay, ai ở trong thôn Yên Trường đều biết hàng rào bằng cây ô rô của ông Kỳ và mong muốn giữ gìn. Có lẽ vậy mà hàng rào ô rô này đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Hàng ngày, ra hồ ngắm hàng rào cây, xem ông Kỳ cắt tỉa cây, tôi cũng thấy thư thái lắm, lâu lâu lại thấy vài cặp đôi yêu nhau đứng cạnh để chụp ảnh, làng xóm nhộn nhịp hẳn ra", ông Toàn bộc bạch.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem