Trà shan tuyết Pà Cò hảo hạng, uống một lần nghiện cả đời

Thuần Việt Thứ bảy, ngày 29/06/2019 06:10 AM (GMT+7)
Xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từng biết đến là thủ phủ ma túy của miền Tây Bắc. Nhưng chuyện cái chết trắng đã qua từ lâu, giờ đây bà con người Mông nơi đây đã và đang khai thác mạnh cây trà shan tuyết.
Bình luận 0

Những gốc chè ở đất Pà Cò này, ngày trước là của người Thái Bao La nuôi dưỡng, đến khi họ không ở nữa mới truyền lại cho người Mông giữ. Người ta từng ghi nhận, cách đây hơn 100 năm, Lefevre Pontalis, một nhà thám hiểm người Pháp đã tiến hành một cuộc khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà ở miền núi phía Bắc Việt Nam từ Hà Nội qua Chợ Bờ (Hoà Bình), Mộc Châu, Lai Châu, Mường Tè rồi sang Trung Quốc. Biết đâu đấy, thứ chè tuyết đặc sản Pà Cò kia chẳng đã theo chân những thương nhân đến những vùng, miền xa xôi.

img

Xưởng sản xuất trà cổ thụ vừa được khánh thành tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. 

Hiện nay những gốc trà cổ thụ ở Pà Cò vẫn còn, bà con người Mông đã biết khai thác lợi thế từ nguồn trà quý này. Theo ông Khà A Gia, một người sống lâu đời trên đất Pà Cò, cây trà cổ thụ uống rất thơm và có hương vị đặc trưng mà ít nơi có được. Ai đã uống một lần là nghiện cả đời.

Hiện xã Pà Cò có khoảng 115 ha diện tích cây chè cùng khoảng 1.250 gốc chè cổ thụ, trong đó 85% đang cho thu hoạch ổn định với sản lượng ước đạt 160 tấn/năm. Theo quy hoạch, sản lượng chè của Pà Cò đến năm 2020 ước đạ 300 tấn/năm búp tươi.

img

Lần đầu tiên trà Pà Cò được đầu tư trang thiết bị hiện đại để chế biến.

Để khai thác hết tiềm năng của cây trà, tháng 9.2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình hỗ trợ xây dựng xưởng chế biến chè Shan tuyết xã Pà Cò huyện Mai Châu với tổng dự toán dự án 4,5 tỷ đồng.

Nhà xưởng có công suất thiết kế khoảng 5 tấn búp tươi/ngày, đã hoàn thành xây dựng và được tỉnh nghiệm thu đầu năm 2019 và ngày 28/5 nghiệm thu phần thiết bị đầu tư vào nhà xưởng: Máy sào, máy vò chè, máy sàng tơi, máy sấy vỉ, lò đốt…

img

Trà shan tuyết cổ thụ thường mọc trên đỉnh núi cao trên 1000m so với mực nước biển. 

Hiện nay, UBND huyện Mai Châu cũng như xã Pà Cò xác định cây chè là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chỉ đáp ứng từ 30 – 50% công suất, do đó, cần thiết phải mở rộng diện tích trồng mới trong thời gian tới.

Xưởng sản xuất trà shan tuyết vừa được khánh thành tại xã Pà Cò. Đây là cơ hội để bà con người Mông đưa hương trà bay xa. Theo ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, việc đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè, nhằm tăng cường liên kết sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm. Giải quyết khâu đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu chè thương phẩm, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè của bà con nhân dân đem lại thu nhập cao hơn cho người trồng chè tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem