Lần đầu tiên tại TP.HCM, lãnh đạo các trường học tham gia tập huấn kỹ năng truyền thông, xử lý khủng hoảng

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 04/05/2023 16:51 PM (GMT+7)
Hiệu trưởng, hiệu phó các trường tại TP.HCM được tập huấn kỹ năng làm truyền thông như viết tin, xử lý khủng hoảng…
Bình luận 0

Ngày 4/5, Sở GDĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Báo chí TP.HCM, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức khoá tập huấn kỹ năng truyền thông trường học. 

Theo thông tin từ Sở GDĐT TP.HCM, chương trình tập huấn về công tác truyền thông giáo dục được tổ chức thành 14 lớp khác nhau. Đối tượng tham dự bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông, lãnh đạo Phòng GDĐT của 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đây là chương trình lần đầu tiên Sở GDĐT TP.HCM tổ chức, dự kiến kéo dài từ nay đến hết tháng 8/2023.

TP.HCM: Khi nhà giáo đi học... làm báo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho rằng, lãnh đạo các trường cần phải thay đổi góc nhìn báo chí, xem báo chí là kênh thông tin, đồng hành cùng sự phát triển trường. Ảnh: MQ

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ, công tác truyền thông trong nhà trường là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm năm học của ngành giáo dục. 

Mặc dù đây là công tác rất quan trọng, hiện được các cơ sở giáo dục quan tâm nhưng trên thực tế vẫn thường xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn. Hiệu trưởng các trường là người chịu trách nhiệm chính, nhưng khi xảy ra sự việc, nhiều người lại có tư tưởng muốn cho êm chuyện, không muốn thông tin ra ngoài, không muốn phụ huynh học sinh biết... Ông Hiếu cho rằng, đây là một việc sai lầm. 

Các trường cần phải thay đổi góc nhìn báo chí, xem báo chí là kênh thông tin, đồng hành cùng sự phát triển trường.

“Trách nhiệm của mỗi nhà trường là phải giúp phụ huynh nắm đúng thực tế về hoạt động dạy và học của con em mình tại trường. Chúng ta phải làm sao quản lý được truyền thông, quản lý được vấn đề chứ không thể bưng bít thông tin. Khi chúng ta biết cách nói, biết xử lý, quản lý thông tin thì báo chí chính là một kênh rất quan trọng trong việc tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tích cực cũng như xóa bỏ những nghi kị, những cái nhìn không thiện cảm với ngành giáo dục”, ông Hiếu nói.

TP.HCM: Khi nhà giáo đi học... làm báo - Ảnh 3.

Các nhà giáo tại TP.HCM đi học làm báo. Ảnh: MQ

Ông Hiếu cho biết thêm, chương trình tập huấn sẽ giúp các hiệu trưởng, nhà trường có thêm kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm trong việc quản lý và xử lý truyền thông. Song song đó là tổ chức các hoạt động học tập, giảng dạy trong nhà trường, tuyên truyền và lan tỏa các giá trị tốt đẹp đến phụ huynh và xã hội tốt hơn.

Theo ghi nhận, tại buổi tập huấn, các thầy cô được trang bị kỹ năng viết tin, bài, quảng bá thương hiệu nhà trường qua website, cổng thông tin nhà trường, fanpage cá nhân; kỹ năng phát ngôn trong khủng hoảng truyền thông và nguyên tắc quan hệ với báo chí… 

TP.HCM: Khi nhà giáo đi học... làm báo - Ảnh 4.

Th.S Nguyễn Thị Bích Ngọc (bìa trái), Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Quốc tế -(ĐHQG TP.HCM) tại buổi tập huấn. Ảnh: MQ

Th.S Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, hầu hết đại diện các trường đều e ngại, lúng túng khi xảy ra sự cố trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là sợ sự việc bị đưa lên mặt báo. Tuy nhiên, nếu biết cách ứng xử, xử lý thì vẫn có thể biến nguy thành cơ, là cơ hội để phụ huynh, xã hội có thêm cái nhìn thấu hiểu, chia sẻ hơn về các hoạt động giáo dục của trường.

Trong khi đó, cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) hy vọng, chương trình tập huấn sẽ giúp quản lý các trường học có cách làm mới trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh thông tin về thế mạnh của trường để động viên đội ngũ, học sinh; giúp cho việc dạy và học cũng như các hoạt động giáo dục của trường được sự đồng thuận cao của đội ngũ, phụ huynh, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem