Sài Gòn 1969 và 1975 qua sự thâm nhập táo bạo của nữ nhà văn -nhà báo

Monika Warnenska (Ba Lan) - Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan Thứ hai, ngày 01/05/2023 06:34 AM (GMT+7)
"Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi" - người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Ba Lan Monika Warnenska.
Bình luận 0
gop/Sài Gòn 1969 và 1975 - Ảnh 1.

LỜI TÒA SOẠN: Có một người phụ nữ Ba Lan từng tuyên bố: "Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của tôi". Người phụ nữ đó chính là nhà văn, nhà báo Ba Lan, bà Monika Warnenska (sinh năm 1922, mất năm 2010). Mùa xuân năm 1962 bà sang Việt Nam lần đầu tiên, khi đó đất nước đang bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc; và kết quả của chuyến đi này là tác phẩm Cầu trên sông Bến Hải. Sau chuyến đi năm đó bà có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, qua lại Việt Nam rất nhiều lần, thời chiến cũng như thời bình. 

Bà táo bạo tới độ, có lần từ rừng sâu bà đi cùng các chiến sĩ quân giải phóng thâm nhập vào tận cửa ngõ Sài Gòn. Chưa hết, năm 1969 bà đổi họ tên Ba Lan, mang danh một nhà báo Pháp, thâm nhập vào tận đô thành Sài Gòn để săn tin, viết bài. Năm 1975 bà lại đến Sài Gòn khi thành phố này vừa được giải phóng. Báo NTNN trích giới thiệu với bạn đọc thiên phóng sự viết về hai chuyến đi (1969 và 1975) đến Sài Gòn của bà.

Sài Gòn 1969

Vào một ngày tháng 10/1969, tôi có mặt tại Sài Gòn. Chính quyền và cảnh sát ngụy chắc chẳng biết được, trong số ít ỏi những người Ba Lan đang có mặt ở thành phố này, có một người mà cách đây mấy năm từng hiện diện và đi lại trong vùng giải phóng nằm kề bên Sài Gòn, trong thời gian leo thang chiến tranh từng đi ngang dọc khắp nơi tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các khu du kích trên đất Lào. 

Chúng không thể phát hiện ra tôi trong hộ chiếu hoặc các chi tiết nhân thân. Thế còn qua khuôn mặt? "Sự méo mó nghề nghiệp", sự tò mò lộ liễu có thể khiến tôi bị phát hiện. Tò mò con người ở đây, cuộc sống ở đây, những khía cạnh và thực tế của cuộc sống này. Kiểm tra giấy tờ thì chẳng thể phát hiện được nghề nghiệp đích thực của tôi và những điều tôi quan tâm. Tuy vậy, những tên mật thám chuyên theo dõi người qua lại có thể suy ra điều gì đó, cho dù không biết tôi là ai, nếu chúng nhìn thấy, tay tôi sẽ tự động thò vào những loại sách báo nào, nếu chúng phát hiện được các đề tài của những tấm hình tôi chụp. Nếu như...

gop/Sài Gòn 1969 và 1975 - Ảnh 2.

Thanh niên quận 3, thành phố Sài Gòn míttinh Kỷ niệm 85 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1975). Ảnh: Văn Bảo/TTXVN

Ngày trước, trên mỗi bước đi ta bắt gặp những bộ quân phục lính Sài Gòn và quân can thiệp. Giờ đây thành phố đầy lính tráng, nhưng khác trước. Họ mặc quân phục bộ đội giải phóng và các đơn vị từ ngoài Bắc vào, mũ sắt tròn, mũ tai bèo, áo vải đơn sơ...

Bởi vậy cho nên tôi đi dạo phố chủ yếu vào ban ngày. Tôi cố gắng về "nhà", tức khách sạn Catinat trên đường Tự Do, trước khi trời xẩm tối. Tôi phải cẩm thận, sao cho không một mảnh giấy nào, không một tài liệu nào, không một tư trang nào làm lộ nghề nghiệp và họ tên thật của tôi. 

Tối đến tôi vùi đầu viết cuốn truyện phiêu lưu cho thanh niên có tiêu đề "Những con đường rừng". Những cảm xúc trước kia từ mặt trận trong rừng cây đang sống lại, hòa vào những cảm xúc mới từ mặt trận trong rừng người. Sáng sớm hôm sau tôi gặp một chuyện nan giải: Biết giấu vào đâu chiếc máy chữ nom ngồn ngộn thế kia? Và biết chống chế sao đây với người bồi khách sạn khi người này bập bẹ tiếng Pháp: - Ô, madame chịu khó lắm! Đêm qua sao madame đánh máy chữ muộn thế?

Ở từng khách sạn, văn phòng, xưởng máy, công sở, Mặt trận Giải phóng đều có người của mình. Giá mà tôi biết được, tại khách sạn tôi đang ở, ai là "tai, mắt" của Mặt trận! Lúc đó chắc tôi hết nơm nớp lo sợ, khi vừa mới đặt chân lên Sài Gòn được mấy ngày. Tuy nhiên, làm sao mà biết được. Nỗi lo sợ cũng dần dà qua đi. Cần phải đắm mình trong Sài Gòn để hòa nhập, để quen dần với nó. Ai không dám mạo hiểm, kẻ đó chẳng được gì. Tôi đành phải chấp nhận cái thành phố này như nó vốn có. 

Tôi ý thức rằng, có thể có ối chuyện thú vị, lạ lẫm, giật gân, độc nhất vô nhị, bất ngờ và bất thường, kể cả những chuyện tệ hại nhất, sẽ đến với tôi... Tại Việt Nam, từ lâu tôi đã quen với việc lúc nào mình cũng có những người thân tình, gần gũi, đồng hành. Họ ở bên tôi trong những ngày cực kỳ gian khổ khi chiến trnh leo thang, trong rừng rậm miền Nam, trong hang động ở Điện Biên Phủ và trong hầm trú ẩn ở vĩ tuyến 17. Giờ đây tôi chẳng có họ. Tôi đơn độc một mình. Quanh tôi là phố xá Sài Gòn ồn ào, náo động... Những đường phố ngày mai sẽ là đồng minh của tôi. Tạm thời, thay vì có người phiên dịch, tôi phải sử dụng tai, mắt của mình...

Mỗi tuần vài lần, tôi đi dọc theo một đoạn dài của đại lộ Lê Lợi, nằm giữa ngã tư đại lộ này với đường Pasteur và đường Công Lý. Tại đây có nhiều quán bán sách cũ hoạt động. Tôi được một cậu sinh viên Việt Nam biết nói tiếng Pháp mách cho hay, tại sao các quầy bán sách cũ lại có nhiều loại sách hơn các hiệu sách lớn. Bởi vì bộ máy kiểm duyệt của chính quyền không đụng tới đó, còn các hiệu sách thì ngược lại. Có nhiều cuốn sách được đưa thẳng từ các thư viện của người Mỹ ra chợ trời. Trong số đó có những cuốn cấm bán ở các hiệu sách.

Dân bán sách cũ ở Sài Gòn họ lịch sự và chiều khách hàng lắm. Tạm thời tôi chỉ mua vài cuốn. Thế mà tôi đã được họ xem là khách hàng thường xuyên, chí ít là một khách hàng tiềm năng. Bao lần họ vồn vã chào mới tôi:

- Quý bà ưng cuốn sách này phải không ạ? Quý bà cứ cầm về nhà, lúc rảnh rỗi quý bà đọc thử coi, hễ thích thì quý bà mua, không ưng thì dăm ba bữa nửa tháng quý bà đem trả, có sao đâu.

Người bán hàng không cần lấy một xu tiền cược. Họ tin vào lời nói.

Monsieur Nhân - người bán sách cũ sành nghề, là chủ một quán sách nhỏ, trong đó chủ yếu bày các sách về Đông Dương. Ông ta biết đánh giá, số sách trong quầy cuả ông quý đến mức nào. Ông ta biết trước, thế nào rồi khách hàng muốn mua sách cũng sẽ quay lại quán của ông, kể cả những người lúc đầu phát khiếp vì ông hét giá cao. Monsieur Nhân sẵn lòng cho tôi mượn sách về xem, có điều về giá cả thì ông ta rắn như đá. Tuy vậy, sau vài lần mua dăm cuốn ở quán này, chúng tôi đã thân quen nhau thực sự.

- Bonsoir, madame. Bữa nay trời nóng thấy mồ, phải không thưa bà? Bên châu Âu nhà bà bây giờ còn đang lạnh. Xin phép được mời bà một tách trà có được không ạ? Tôi có cuốn sách rất hay, nói về đạo Cao Đài.

- Nhưng mà giá bao nhiêu? Lạy Chúa lòng lành, Monsieur Nhân, sao ông hét giá đắt dữ vậy?

- Đắt hả? Giá này có gì là đắt, madame. Chỉ độ một ngàn thôi mà. Bà biết đó, giá cả tăng hàng ngày. Nhưng, nhưng… còn đây là cuốn album về thành phố quê hương của bà. Dĩ nhiên tôi đâu dám mời bà mua, mọi thứ trong này thì bà còn lạ gì nữa. Tuy vậy, bởi bà xa quê hương cũng đã khá lâu, nên bà sẽ thấy vui bụng khi bà được chiêm ngưỡng quê hương mình trên những tấm ảnh tuyệt đẹp này, chẳng phải vậy hay sao, thưa bà?

… Tôi nhấm nháp tách trà xanh thơm tho… Bỗng tôi phát hiện có một tấm bưu ảnh dán vào tủ kính bị mấy cuốn sách bày bên ngoài che khuất, trên đó có cảnh nom quen quen…

Monsieur Nhân, đây là đâu vậy? Sài Gòn làm gì có hồ nào đẹp như thế này!

Người bán sách cũ thở dài não nuột.

- Đây là Hà Nội, madame. Thành phố quê hương của tôi.

Trên chiếc bưu ảnh đã bạc màu, nhăn nhúm, tôi nhận ra ngay bờ Hồ và ngôi đền trên đảo giữa hồ.

- Ông quê ngoài Bắc?

- Vâng, tôi sinh ở Hà Nội. Bố tôi từng là nhà buôn nhỏ. Tôi từng theo học trường Liceum, những tưởng là sẽ học lên cao. Ai ngờ chiến tranh bùng nổ. Tôi tham gia chống Pháp, tức chống thực dân. Thế đấy, madame - giọng ông ta nhỏ dần - hồi đó tôi tham gia Việt Minh. Bà có biết, như thế có nghĩa là gì không? Sau đó tôi bỏ rừng, quay về thủ đô. Năm 1954 tôi di cư vào Nam. Hồi đó người ta đồn đại đủ thứ, chuyện gì sẽ đến với dân công giáo. Mà tôi thì là con chiên. Bà chưa đến Hà Nội hay sao?

Tôi nghiêm sắc mặt, phủ nhận. Trong ánh mắt của mình tôi không để lộ một cảm xúc nào gắn bó với hồ Gươm, hồ Tây, đền Hai Bà, Văn Miếu…

Trên tấm hình khác tôi thấy Phủ Chủ tịch, ngày xưa là Phủ toàn quyền Pháp. Tôi từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp thân mật tại đây.

- Bà có biết, ai đã từng là thầy dạy tôi môn sử, hồi tôi học Liceum? Thầy Võ Nguyên Giáp, hiện là tướng quân, là Tổng trưởng ở ngoài Bắc. Bà có nghe nói như vậy không?

Đúng vậy. Bây giờ là tướng quân, là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày trước từng là giáo sư dạy sử ở trường trung học Hà Nội. Tôi lắc đầu ngạc nhiên, ra bộ lần đầu trong đời được nghe chuyện này. Lúc này tôi bỗng nhớ cái bắt tay thân tình của tướng Giáp cách đây nửa năm và cuộc trò chuyện với ông về chiến tranh nhân dân bữa đó…

- Vậy ông còn bà con họ hàng ngoài Bắc không?

- Có chứ, anh ruột, - giọng ông ta nhỏ hẳn. Anh tôi có chính kiến hoàn toàn khác, bà hiểu… Còn tôi? Tôi đã từng chống các kẻ thù, xin bà thứ lỗi, madame, chống Pháp, hồi đó là kẻ thù của chúng tôi. Tôi yêu Tổ quốc tôi, đất nước bất hạnh của tôi, nơi không ngớt chiến tranh, vẫn còn bị chia cắt. Thư từ thế nào? - Ồ không, làm sao mà có được. Chẳng biết anh tôi sống chết ra sao. Tôi những mong, mọi chuyện phải khác cơ…

Ngừng chốc lát.

- Bà có định ra Hà Nội?

- Tôi cúng muốn vậy. Ông biết không, tôi rất quan tâm đến đất nước của các ông. Giá mà không có cuộc chiến tranh này… Có thể tôi sẽ xin được thị thực. Tôi sẽ cố gắng để được tới đó, nhưng chưa phải lúc này…

Lại một khách hàng vào quán. Tôi phủi bụi mấy cuốn sách, đoạn xếp vào túi. Giờ đây tôi đang có trong tay cuốn sách của Bộ Ngoại giao Sài Gòn, sách cấm bán ra ngoài, và một số tài liệu in tại đại sứ quán Mỹ "chỉ để sử dụng cho công vụ"…

Sài Gòn 1975

Không tin được, nhưng là sự thật: tôi lại có mặt ở miền Nam. Tôi đang có mặt tại thành phố Sài Gòn đã được giải phóng.

Sài Gòn trông tựa một cái sân khấu khổng lồ. Trên sân khấu đó vẫn còn những phông màn trang trí cũ và đầy rẫy những nhân vật phụ trước đây đang tất tưởi ngược xuôi. Tuy nhiên, những diễn viên chính thì đã hoàn toàn thay đổi. Ngày trước, trên mỗi bước đi ta bắt gặp những bộ quân phục lính Sài Gòn và quân can thiệp. Giờ đây thành phố đầy lính tráng, nhưng khác trước. Họ mặc quân phục bộ đội giải phóng và các đơn vị từ ngoài Bắc vào, mũ sắt tròn, mũ tai bèo, áo vải đơn sơ, không quân hàm, quân hiệu. Thấy rõ, họ là những chiến binh can tràng, từng trải.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ Giải phóng oai nghiêm trên nóc Tòa thị chính…

Sài Gòn sau chiến tranh là thành phố của trở về và hy vọng, thành phố của kiếm tìm và đoàn tụ, của những mừng vui và thương nhớ. Đài phát thanh và đài truyền hình nhận được vô vàn lời yêu cầu giúp đỡ tìm người thân. Báo Sài Gòn giải phóng, tạm thời là nhật báo duy nhất, bắt đầu phát hành từ ngày mùng 5/5/1975. Trên nhiều cột báo chật kín những họ tên mà lúc này dường như là tiếng gọi lớn duy nhất tìm những người bị thất lạc. Đối với nhiều người, năm 1975 là năm kết thúc thờ kỳ ly biệt, tuy vậy không phải với tất cả…

Riêng tôi, lúc này đây tôi rất mong tìm lại được những người bạn cũ từ "mặt trận trong rừng". Nhưng tìm bằng cách nào đây?

Tôi nhận ra quán sách cũ ở góc đại lộ Lê Lợi và đường Công Lý vẫn tiếp tục hành nghề. Từ xa tôi đã thấy một dáng người quen quen. Người bán sách cũ, ông Nhân đang bầy sách lên quầy. Bất chợt nhìn thấy tôi ông nheo mày như đang cố nhớ lại điều gì đó.

- Ông có nhận ra tôi không monsieur.

Ông Nhân nghiêng đầu, nhìn tôi chằm chằm.

- Đúng rồi! Madame Italia, phải không? Lạy Chúa tôi, ngần ấy năm!

Đã tới lúc vén "tấm màn sắt", tức là nói thật về mình.

- Tôi không phải là phụ nữ Italia, cũng không phải là phụ nữ Pháp đâu, monsieur Nhân. Tôi là phụ nữ Ba Lan, nhà văn nhà báo Ba Lan. Hồi đó, trước khi đến Sài Gòn tôi đã sang Việt Nam nhiều lần, thậm chí đã từng đến cả vùng giải phóng nữa.

- Sao? Ở chỗ Việt Cộng ấy à?...

- Đúng. Ở chỗ Việt Cộng, là khách của quân du kích. Tất nhiên hồi đó tôi không thể nói cho ông biết được. Và tôi rất thông thạo miền Bắc. Tôi còn quen cả tướng Võ Nguyên Giáp, người ngày trước đã dạy ông học môn sử tại trường Liceum Hà Nội.

Nghe những điều đó, ông bán sách cũ thực thà sững người. Ông lại càng bị bất ngờ khi tận mục sở thị cuốn sách "Đất miền Nam" của tôi được xuất bản bằng tiếng Việt.

- Chắc ông còn nhớ các cuộc biểu tình của sinh viên và hơi cay? Lúc đó tôi đã phải trốn vào trong quán của ông đó! Rồi ông đã nói với tôi rằng, monsieur Thieu va tomber -ông Thiệu sẽ bị đổ thôi. Và điều này đã nghiệm sau năm năm.

Ông Nhân cười, tỏ ý tán đồng. Tôi hỏi: - Thế ông có định rời khỏi Sài Gòn không?

- Không đâu, thưa bà. Sức tôi đã tàn, tôi chẳng còn lực để mà bắt đầu cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người, - ông Nhân nói. - Vả lại, đây là đất nước tôi cơ mà, cho dù sẽ có những đổi thay như thế nào - ông nói tiếp với giọng qủa quyết.

- Họ hàng ngoài Bắc đã vào Nam thăm ông chưa? - Dạ chưa, thưa bà. Nhưng ông Nhân đã nhận được thư của ông anh ruột ngoài Hà Nội rồi, ông ta vẫn còn sống, ông báo cho em trai biết là ông sẽ vào thăm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem