Công nhận thêm 41 sản phẩm OCOP, TP.HCM vẫn tiếp tục chờ bộ tiêu chí đánh giá cho nhóm hoa, cây kiểng

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 04/01/2023 15:49 PM (GMT+7)
TP.HCM đã tổ chức đánh giá, xếp hạng, công nhận 41 sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP) năm 2022. TP.HCM hiện vẫn chờ bộ tiêu chí đánh giá OCOP cho nhóm sinh vật cảnh từ Trung ương.
Bình luận 0

Thông tin này được bà Hoàng Thị Mai - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM) thông tin tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức ngày 4/1.

41 sản phẩm OCOP TP.HCM được công nhận 2022

Trao đổi thêm với Dân Việt, bà Mai cho biết mới đây, TP.HCM đã họp hội đồng cấp thành phố, thẩm định các sản phẩm OCOP theo đề xuất của các quận huyện và công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Hiện đang chờ quyết định công bố chính thức.

Công nhận thêm 41 sản phẩm OCOP, TP.HCM vẫn tiếp tục chờ bộ tiêu chí đánh giá cho nhóm hoa, cây kiểng - Ảnh 1.

TP.HCM đánh giá, xếp hạng và công nhận 41 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao trong năm 2022. Ảnh: Hồng Phúc

Năm 2021, TP.HCM đã công nhận 27 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao và đề xuất Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao đối với sản phẩm Bột rau má có đường của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi). Như vậy, hiện TP.HCM có 68 sản phẩm OCOP thuộc nhiều nhóm khác nhau.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM như bột rau má, bột diếp cá, bột tía tô (Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt), mật dừa nước cô đặc (Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam), mật ong rừng sữa ong chúa (Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên), xoài cát, khô cá dứa (HTX Cần Giờ Tương Lai)… đã khẳng định được thương hiệu khi có mặt tại các siêu thị, được người tiêu dùng tin tưởng và từng bước hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chương trình OCOP bắt nguồn ở Nhật Bản từ thập niên 70, với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị. Sau khi chương trình được thực hiện thành công tại Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng chương trình này. Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào tình hình thực tiễn để phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Chương trình OCOP tại TP.HCM được triển khai từ năm 2019. UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định 1943). Điểm khác biệt lớn của Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn trước là không gian thực hiện được mở rộng ra toàn TP, thay vì chỉ 5 huyện ngoại thành.

TP.HCM vẫn chờ bộ tiêu chí đánh giá OCOP cho nhóm sinh vật cảnh

Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM Hoàng Thị Mai đánh giá Chương trình OCOP tại TP.HCM được triển khai và thực hiện theo định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản xuât nông nghiệp trên 1ha. Chương trình đã góp phần thúc đẩy sự khơi gợi và phát triển các ý tưởng về sản phẩm của các chủ thể sản xuất.

Yếu tố thị trường có thể xem là điểm thuận lợi giúp TP.HCM phát triển các sản phẩm OCOP vì thành phố là trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của cả nước, cùng với dân số đông, đây sẽ là thị trường lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Công nhận thêm 41 sản phẩm OCOP, TP.HCM vẫn tiếp tục chờ bộ tiêu chí đánh giá cho nhóm hoa, cây kiểng - Ảnh 2.

Nông dân làng mai Bình Lợi (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chờ bộ tiêu chí gắn sao OCOP cho sản phẩm mai vàng. Ảnh: Hồng Phúc

Tuy nhiên, Chương trình OCOP TP.HCM cũng gặp một số khó khăn như nhận thức của địa phương về sự cần thiết triển khai thực hiện chương trình chưa cao.

“Với tốc độ đô thị hóa cao, TP.HCM đang tập trung phát triển sản phẩm mai vàng, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh… Đây cũng là những sản phẩm thế mạnh của thành phố nhưng hiện nay Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đối với những sản phẩm này”, bà Mai nói thêm.

Theo Quyết định số 1943 của UBND TP.HCM ban hành tháng 6/2022, mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ có ít nhất 124 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Về định hướng sắp tới, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết TP.HCM định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp đô thị thông minh và phát triển Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP TP.HCM, TP sẽ tập trung nâng cao nhận thức cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp; xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

Sở NNPTNT TP.HCM sẽ hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho chủ thể sản xuất về tổ chức, quản trị và phát triển sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem