TP.HCM hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng chất sản phẩm OCOP

Phúc Minh Thứ tư, ngày 16/11/2022 06:58 AM (GMT+7)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại TP.HCM xác định chất lượng và chuỗi giá trị bền vững là 1 trong 3 nguyên tắc quan trọng nhất khi thực hiện. TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng chất sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tôm, rau OCOP

HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) đang sở hữu sản phẩm OCOP 4 sao tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Bà Nguyễn Thị Nhiệm - Giám đốc HTX Thuận Yến, cho biết nhờ đầu tư sớm và được hỗ trợ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật mà tôm thẻ cho năng suất tốt, giá trị kinh tế cao. Hiện tôm thẻ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM và phân bổ chủ yếu tại hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè.

TP.HCM hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng chất sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sở NNPTNT TP.HCM đã phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng và chuyển giao các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn cho nông dân Cần Giờ. Ảnh: T.Đ

Theo bà Yến, HTX đã cùng với Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao xây dựng, triển khai thực hiện dự án đầu tư thực nghiệm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Dự án này giúp nâng cao năng suất và sản lượng tôm thẻ chân trắng của các thành viên HTX. 

Nhờ vậy, mô hình này tạo sức lan tỏa để các hộ vững tin tham gia liên kết sản xuất, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề cho các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong tương lai.

Tại huyện Bình Chánh, nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP thời gian qua cũng nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM trong việc tư vấn, đầu tư kỹ thuật, cơ sở hạ tầng. Một số sản phẩm OCOP tiềm năng khác trên địa bàn cũng được quan tâm đầu tư như hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật, canh tác 4.0 cho các mô hình nuôi cá cảnh.

TP.HCM hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng chất sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Mô hình trồng bưởi da xanh đạt chuẩn OCOP 3 sao của ông Vũ Đình Tứ (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Thuận Hải

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết đơn vị luôn tập trung bám sát chủ trương, định hướng của ngành, các chương trình nông nghiệp trọng điểm của TP để tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến nông cho các huyện. Chẳng hạn, tại huyện Bình Chánh, trong các sản phẩm đã được công nhận OCOP, có 2 sản phẩm rau an toàn của HTX Phước An và bưởi da xanh tại xã Phạm Văn Hai được khuyến nông đầu tư, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị thực hiện và đạt hiệu quả.

Khoa học giúp tăng hiệu quả sản xuất

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, đánh giá TP.HCM với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm. Vì vậy, muốn tăng hiệu quả sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp, cần phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào quá trình sản xuất, nhằm đạt được kết quả cao nhất. Chương trình OCOP tại TP cũng phải gắn với xu hướng này, để phát triển những sản phẩm chất lượng, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

TP.HCM hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng chất sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

TP.HCM xác định tiếp tục tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ để nâng chất sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận. Ảnh: Hồng Phúc

Thời gian qua, để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thông qua việc triển khai các chương trình phát triển cây con trọng điểm của Thành phố (Chương trình phát triển rau an toàn, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa, thủy sản…), Sở NNPTNT TP.HCM đã cùng phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng và chuyển giao bình quân 150 mô hình/năm, gồm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạt HDPE; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn; mô hình trồng rau thủy canh; mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao; mô hình cơ giới hóa trong gieo hạt… góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP.

Về Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tiếp tục xác định sẽ hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP về chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ.

Cụ thể, các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 27/4/2019.

Sở NNPTNT TP.HCM sẽ là đơn vị hỗ trợ chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP, chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tập trung vào phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem