Từ vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng: Hồi chuông cảnh báo khi gia đình tan vỡ

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 22/05/2023 19:37 PM (GMT+7)
Liên tiếp vụ việc trẻ bị bạo hành thời gian vừa qua, ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng đã gióng hồi chuông cảnh báo một phần do gia đình có hôn nhân tan vỡ.
Bình luận 0

Gióng hồi chuông cảnh báo trẻ bị bạo hành đối với gia đình có hôn nhân tan vỡ

Mới đây vụ việc bé gái hơn 2 tháng tuổi ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng, nghi bị người tình của mẹ bạo hành phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bị thương rất nặng gây xôn xao dư luận. 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trẻ em luôn được pháp luật bảo vệ. Mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ. Trẻ quá non nớt, dù viện vào bất cứ lý do gì để xâm phạm vào sức khoẻ, tính mạng của trẻ là điều không thể dung thứ.

"Rõ ràng hành vi bạo hành trẻ nhỏ phải xử lý thật nghiêm minh. Từ chính những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần tuyên truyền tốt cho các gia đình để không xảy ra vụ bạo hành trẻ nhỏ trong gia đình, đặc biệt đối với gia đình có hôn nhân tan vỡ", ông Bốn chia sẻ.

Vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng: Có dấu hiệu của tội giết người? - Ảnh 1.

Bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CTV.

Đồng quan điểm trên, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho hay, gần đây rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được đưa trên các phương tiện truyền thông đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đến rất nhiều người về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

"Bảo vệ trẻ em và quyền lợi chính đáng của trẻ em giờ đây đã không còn là trách nhiệm riêng của mỗi gia đình mà nó cần sự chung tay của cả xã hội để tạo ra môi trường phát triển và giáo dục tốt nhất cho trẻ em. Tất cả những hành vi cố ý gây tổn hại đến tinh thần, thể xác của trẻ em đều bị pháp luật xử lý.

Vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng: Có dấu hiệu của tội giết người? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. Ảnh: NVCC

Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, bạo hành trẻ em về bản chất được hiểu là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiện tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em, kể cả cha mẹ, người trông nom hay đứa trẻ khác", luật sư Bình nhấn mạnh.

Luật sư Bình cũng đưa ra dẫn chứng, trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Nguyên nhân trước hết là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ. Nhiều người coi chuyện đánh con là bình thường. Sự dồn nén tâm lý của một người do những khó khăn về kinh tế hoặc vì các chất kích thích… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em. 

Có thể khởi tố tội giết người

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của các đối tượng là rất tàn nhẫn, có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé. 

Vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng: Có dấu hiệu của tội giết người? - Ảnh 3.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, hành vi của các đối tượng là rất tàn nhẫn, có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé. Ảnh: NVCC

"Với thông tin ban đầu như vậy, cơ quan điều tra sẽ triệu tập hai đối tượng này để làm rõ sự việc, có thể ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp với cả hai đối tượng này để xem xét làm rõ hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng hành vi vi phạm pháp luật và đánh giá tính chất của từng hành vi đối với từng người để xác định hành vi có thể dẫn đến chết người hay không. 

Đặc biệt chú ý đến hành vi lắc đầu cháu bé 2 tháng tuổi này dẫn đến thương tích cho cháu bé. Làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng khi thực hiện hành vi này để xác định động cơ mục đích và tính chất nguy hiểm của hành vi", luật sư Cường phân tích.

Cũng theo luật sư, trong trường hợp đối tượng nhận thức được rằng hành vi lắc mạnh đầu cháu bé có thể dẫn đến chấn thương não khiến cháu bé tử vong hoặc kết luận của cơ quan chức năng xác định hành vi có thể dẫn đến cháu bé tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối tượng này về tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự mà không phụ thuộc vào việc hậu quả cháu bé có tử vong hay không. 

"Theo quy định của pháp luật, hành vi với mục đích giết người hoặc hành vi có thể dẫn đến chết người, đối tượng nhận thức được hành vi nguy hiểm có thể tước đoạt tính mạng của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người", luật sư Cường phân tích.

Mẹ cháu bé cũng có thể là đồng phạm? 

Còn đối với mẹ của cháu bé, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của người phụ nữ này. Nếu cùng có hành vi đánh đập cháu bé hoặc có những hành vi xúi giục, giúp sức cho đối tượng người tình thực hiện hành vi đánh đập cháu bé thì cũng sẽ được xác định là đồng phạm. Đối tượng (người tình của mẹ cháu bé) trực tiếp thực hiện hành vi đánh đập cháu bé sẽ được xác định là người thực hành, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. 

Vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi bị bạo hành ở Lâm Đồng: Có dấu hiệu của tội giết người? - Ảnh 4.

Nhân viên trực tổng đài 111 bảo vệ trẻ em. Ảnh: Gia Khiêm

Còn đối với mẹ của cháu bé thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của người phụ nữ này. Nếu cùng có hành vi đánh đập cháu bé hoặc có những hành vi xúi giục, giúp sức cho đối tượng người tình thực hiện hành vi đánh đập cháu bé thì cũng sẽ được xác định là đồng phạm về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích. Cần làm rõ hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý ? 

"Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc bạo hành con riêng của người tình gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận xã hội bất bình. Vụ việc này có nhiều tình tiết giống như vụ án đã xảy ra tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cách đây vài năm, vụ đóng đinh vào đầu cháu bé ở Thạch Thất, Hà Nội,... Vụ việc cho thấy đạo đức, nhân cách của những người làm cha, làm mẹ rất quan trọng, có thể quyết định đến tính mạng, sức khỏe của các con. Với những người phụ nữ sống buông thả, bất cần, chung sống như vợ chồng với người tình, sử dụng trái phép chất ma túy thì tính mạng của những đứa trẻ hoàn toàn có thể bị tước đoạt bất kỳ lúc nào", luật sư Cường nói thêm.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho hay, người dân cần lên tiếng tố cáo những trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ. 

Theo ông Nam, trong bối cảnh thời đại số không thể "đánh đồng" cơ quan chức năng không tuyên truyền, truyền thông, rất nhiều thông tin trên mạng được đăng tải. Bất cứ vụ việc bạo lực trẻ em nào, người dân cũng cần gọi ngay tổng đài 111. 

Theo ông Nam, nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra nhưng người nhà cũng không có kiến thức. Nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn hàng tháng bị ngăn cấm, không được gặp con cũng không nghĩ gì đến. Trong bối cảnh đó, nếu không được gặp phải đặt ra nghi vấn, nhờ cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.

"Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, tất cả hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Đây cũng là trách nhiệm người dân, trách nhiệm cộng đồng. Mỗi người dân hãy lên tiếng tố cáo nếu phát hiện cháu bé có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại…", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cho biết, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng đài này tiếp nhận thông tin phản ánh 24/24h kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. 

"Luật pháp quy định rất rõ nên khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, chúng tôi phải xử lý ngay, cơ quan nào không vào cuộc phải chịu trách nhiệm. Vấn đề nhiều người dân không tra cứu thông tin, không tố cáo vì lo sợ bị ảnh hưởng tình cảm hai bên sứt mẻ. Nếu gọi điện Cục Trẻ em sẽ ngay lập tức báo công an, chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời", ông Nam chia sẻ thêm.

Ngày 21/5, lãnh đạo Công an TP Đà Lạt cho biết, đã tạm giữ thêm Trần Hoài Thương (33 tuổi, ngụ phường 2, TP Đà Lạt) để điều tra liên quan đến vụ bé gái hơn 2 tháng tuổi nghi bị bạo hành. Trần Hoài Thương là người tình của N.P.H.A (22 tuổi, thường trú tại phường 3, TP Đà Lạt), mẹ cháu bé. Qua xét nghiệm nhanh, cơ quan chức năng còn xác định cả Thương và H.A. đều dương tính với ma túy.

Qua điều tra ban đầu, năm 2020, N.P.H.A kết hôn với anh N rồi sinh ra cháu C. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, hai vợ chồng N.P.H.A ly thân. Sau đó, N.P.H.A cùng con thuê trọ tại số 30 Nguyễn Văn Trỗi, (phường 1, TP Đà Lạt). Từ tháng 3/2023, A có quan hệ tình cảm với Trần Hoài Thương.

Tại cơ quan công an, Thương khai nhận đã nhiều lần đánh, hành hạ cháu C. Đỉnh điểm, ngày 19/5, do cháu C khóc nên Thương đã đánh rồi lấy núm vú giả, đặt vào miệng cháu, sau đó dán băng keo quanh miệng để cháu không khóc.

Khi thấy cháu C khó thở thì Thương đã lấy băng keo ra khỏi miệng cháu bé. Đến 17 giờ ngày 20/5, khi cho cháu C. uống sữa, cháu không uống nên Thương đã tát vào đầu, mặt làm cháu bị khó thở, ói sữa ra ngoài. Vào thời điểm này, N.P.H.A cũng có mặt tại phòng trọ nhưng không can ngăn hành vi của người tình. Sau đó, cháu bé mới được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem