Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Minh Huệ Thứ tư, ngày 28/06/2023 10:47 AM (GMT+7)
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, Trung Quốc là thị trường rất lớn, có nhiều tiềm năng xuất khẩu nông, lâm thủy hải sản, tuy nhiên chúng ta chưa khai thác tốt. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Thúc đẩy kinh tế số, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng nhanh

TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã trao đổi với PV Dân Việt như vậy, nhân chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo ông Lê Đăng Doanh, hiện nay Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách phòng dịch Covid-19, do đó Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn. 

Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ rất lớn, có nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa, trong đó có xuất khẩu nông lâm sản nhưng chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng này. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có đề xuất phía Trung Quốc tăng cường giúp tiêu thụ nông sản Việt Nam với những thuận lợi về vị trí địa lí, giao thông nên hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam có những lợi thế nhất định, có thể vận chuyển sang nước bạn ở dạng tươi. 

TS. Lê Đăng Doanh: Thúc đẩy kinh tế số, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng nhanh - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Ảnh: Tố Tố

"Thứ 2, Việt Nam có những loại nông sản mà người Trung Quốc rất ưa chuộng, như vải, thanh long, sầu riêng, các sản phẩm hải sản. Vấn đề là Việt Nam chưa vận dụng đầy đủ kinh tế số, chưa kết nối thành doanh nghiệp lớn để kết nối trực tiếp với doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc. Nếu kết nối được bằng kinh tế số, thì doanh nghiệp phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tiếp qua mạng, qua màn hình camera xem điều kiện canh tác như thế nào, từ đó sẵn sàng nhập khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta mà không cần thiết phải có những khâu kiểm tra, xem xét nhiều bước rườm rà mất thời gian" - TS. Doanh nói. 

"Tôi cho rằng, sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phía Trung Quốc sẽ tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước họ. Vấn đề là chúng ta phải tổ chức được kinh tế số, xây dựng những tập đoàn doanh nghiệp lớn, cánh đồng mẫu lớn để đáp ứng yêu cầu hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc, từ gạo, trái cây đến hải sản" - ông Lê Đăng Doanh phân tích.

Cũng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế khác, ông Doanh cho rằng Trung Quốc bây giờ đã trở thành một nền kinh tế giàu có, không nên nghĩ rằng đó là thị trường dễ tính như trước. Quan niệm như thế là sai lầm. Và chúng ta phải đáp ứng những điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng của Trung Quốc. 

Nói về đề xuất thử nghiệm xây dựng cửa khẩu số cũng như mở thêm cửa khẩu với Trung Quốc mà Bộ NNPTNT đề xuất trong chuyến làm việc gần đây, ông Doanh khẳng định rất nên làm và chắc chắn sẽ tạo nhiều thuận lợi, rút ngắn thời gian cho nông sản Việt Nam sang Trung Quốc. 

"Tôi đề nghị 2 bên cùng vào cuộc và tạo nên những điển hình tiên tiến kết nối số, các doanh nghiệp quy mô lớn để xuất khẩu trực tiếp sang nước bạn. Và khách hàng Trung Quốc có thể đến tận trang trại của nông dân Việt Nam, hoặc xem qua camera để giám sát quy trình sản xuất, xem nhà kính của Việt Nam như thế nào, nông dân Việt Nam trồng rau, hoa ra sao... Đối với việc mở cửa khẩu số, tôi nghĩ sẽ giảm được rất nhiều chi phí logistics, giảm tình trạng ùn tắc khi các chuyến xe hàng lên biên giới được đặt lịch, sắp xếp hợp lí" - TS. Doanh nói. 

Lâu nay, nhiều doanh nghiệp trong nước muốn bán hàng sang Trung Quốc, cũng như muốn xuất khẩu sang các thị trường lớn, nhưng lại lười kết nối, thường làm ăn theo kiểu mua đứt bán đoạn mà ít có sự tương tác, liên kết với nhau. Trong khi đó, Trung Quốc là một thị trường cực kì lớn, vận tải thuận tiện, địa lí gần gũi..., vì vậy TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các Hiệp hội, Bộ NNPTNT cần làm việc với các địa phương để có giải pháp thúc đẩy mối liên kết bền chặt hơn. Các địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng, kết nối kinh tế số với các doanh nghiệp, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết với doanh nghiệp quy mô lớn, cánh đồng mẫu lớn hiện đại... 

"Kinh nghiệm của tôi, cứ cái gì mới thì cần tạo ra những mô hình mẫu, những gương điển hình trong thực tế để đúc rút kinh nghiệm, tạo động lực cho những người khác tìm hiểu và học theo, đồng thời kích thích tinh thần cạnh tranh của người Việt Nam" - TS. Doanh khẳng định. 

Cũng theo ông Doanh, chúng ta rất nên nghiên cứu thành lập một trung tâm logistics hiện đại ở Lào Cai hoặc Lạng Sơn, với đầy đủ hệ thống kho lạnh, hạ tầng giao thông thuận lợi. Và nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn, hiệp hội đầu tư vào đây để họ có trách nhiệm vận hành hiệu quả nhất. Làm được việc này sẽ cải thiện được tình trạng xe tải xếp hàng dài lên biên giới, vứt đi hàng tấn trái cây vì thối, hỏng do thiếu kho lạnh... 

Trước đó, phát biểu tại buổi hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần phát huy ưu thế địa lý và sự bổ sung lẫn nhau để đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Thủ tướng đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam, tạo điều kiện sớm thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Thành Đô (Tứ Xuyên) và Hải Khẩu (Hải Nam), phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu... 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, giao thông vận tải, môi trường, y tế, khoa học công nghệ, trọng tâm là: Hợp tác chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu; trao đổi kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài chính, tiền tệ; hợp tác về trồng trọt, chế biến nông sản, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ... 

5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó xuất khẩu gạo tăng 62,8%, xuất khẩu hạt điều tăng 8%, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem