Thừa Thiên Huế xây dựng chính quyền số phòng chống tham nhũng

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 05/11/2021 07:57 AM (GMT+7)
Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, gắn với cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng.
Bình luận 0

Ngày 4/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 2810/QĐ-UBND đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế do ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, các ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Xuân Sơn- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, 22 thành viên của Ban là lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh.

TT-Huế: Tập trung xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả để phòng chống tham nhũng  - Ảnh 1.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021- 2025. Ảnh: N.M.

Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông do Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm tổ trưởng. Sở Thông tin và Truyền Thông làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác.

Vừa qua, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết đặt ra các mục tiêu quan trọng như: Đến năm 2025, 100% các tiêu chí về hoàn thiện chính quyền số được triển khai hoàn thiện; trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; kinh tế số chiếm từ 15 - 20% tổng sản phẩm GRDP; giữ vững vị trí nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính, chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số chuyển đổi số. 

Thừa Thiên Huế cũng đã đề ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện nghị quyết, như: Tập trung xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, gắn với cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng; tập trung chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế như y tế, du lịch, giáo dục, văn hóa, dịch vụ công…; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số quy mô lớn vào đầu tư tại tỉnh làm động lực dẫn dắt chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có cơ chế, chính sách để hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem