Thừa Thiên Huế: Nông dân mong muốn được đào tạo nghề để thoát nghèo

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 12/11/2022 11:28 AM (GMT+7)
Mong muốn được phát triển các mô hình chăn nuôi lớn, tập trung nhưng nhiều nông dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng. Để hỗ trợ nâng cao kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân, vừa quan Hội nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho nông dân tại các huyện nghèo.
Bình luận 0

Học nghề để có được nhiều kiến thức, kỹ năng mới

Anh Lê Văn Thiên, 39 tuổi (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) là 1 trong 20 học viên của lớp đào tạo nghề Chăn nuôi thú y do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Mặc dù là nông dân nhưng khi tham gia lớp học nghề anh Thiên mới vỡ vạc thêm được nhiều kiến thức mới trong chăn nuôi. Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, anh Thiên nói: "Trước đây tôi chỉ chăn nuôi theo thói quen cũ. Có gì làm đó, chứ không áp dụng được kiến thức chăm sóc gia cầm, gia súc. Từ ngày đi học, lúc gia súc, gia cầm ốm tôi hiểu được các bệnh và biết cách dùng thuốc để điều trị bệnh, đồng thời biết chăn nuôi khoa học".

Không chỉ vậy, anh Thiên còn biết kỹ thuật chọn giống, chăm sóc lợn gà, biết cách tiếp cận nguồn vốn phục vụ chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

đào tạo nghề cho nông dân

Giờ học lý thuyết của lớp Chăn nuôi thú y tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Ảnh: DACT

Hiện nay gia đình anh vẫn chăn nuôi quy mô nhỏ, chỉ vài chục con gà vài ba con lợn. Mong ước của anh Thiên là sau học nghề được hỗ trợ vay vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Anh được hỗ trợ vay gần 100 triệu đồng tiền vốn từ ngân hàng chính sách để trồng 2ha keo. Anh mong muốn có thể mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Tương tự chị Nguyễn Thị Phương, 28 tuổi (xã Hương Nguyên) cũng là học viên của lớp học chăn nuôi thú y này. Từng học đại học nhưng không bám trụ lại thành phố, chị Phương mong muốn về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, vì chưa có kiến thức chăn nuôi nên chị quyết tâm học nghề về quê thành lập trang trại.

"Để phát triển chăn nuôi bắt buộc phải học nghề, phải có kỹ năng thì sản xuất mới hiệu quả, không bị thiệt hại", chị Phương nói.

Đào tạo nghề nông dân cần

Cô Nguyễn Thanh Việt - giảng viên lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho biết, A Lưới là huyện nghèo, có tiềm năng phát triển chăn nuôi, nhiều nhất là gia súc gia cầm, lợn... Tuy vậy, bà con nông dân ít được tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Từ thực tiễn đó, bà con rất cần kiến thức kỹ năng chăn nuôi, buôn bán.

Theo cô Việt, đa số các học viên trong lớp là người nghèo, người cận nghèo. Hiện tại bà con đều đang chăn nuôi gia súc, gia cầm tại gia đình. Tuy nhiên sức chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, làm theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao.

"Nhiều trường hợp chăn nuôi bị thua lỗ vì đàn gia súc gặp dịch bệnh chết hết. Số khác thì không phát triển được hoặc phát triển cầm chừng", cô Việt nói.

đào tạo nghề cho nông dân tỉnh Thừa thiên huế

Một giờ thực hành sử dụng thuốc điều trị bệnh cho lợn. Ảnh: DCAT

Cô Việt cho biết, các học viên tham gia lớp học này được đào tạo trong vòng 3 tháng. Học viên sẽ nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chọn giống, các bệnh thông thường gia súc, gia cầm. Ngoài ra học viên còn biết nhận biết, sử dụng thuốc điều trị bệnh; cách sử dụng thức ăn chăn nuôi... và nhiều kỹ năng mềm khác như: cách thức quản lý, tổ chức vận hành với trang trại, cách tiếp cận nguồn vốn vay, tiếp thị sản phẩm...

"Đa phần các học viên đều là lao động trẻ, học xong lớp 12 một số khác thì đã tốt nghiệp đại học vì thế trình độ cao, khả năng tiếp thu kiến thức tốt. Thái độ học tập cũng rất chăm chỉ và tích cực", cô Việt nói.

Chương trình đào tạo vẫn tuân thủ theo đúng quy định với 30% học lý thuyết và 70% khối lượng thời gian học thực hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, ông Dương Công Anh Tuyến - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế  cho biết, trong năm 2022, Trung tâm đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên nông dân trong tỉnh các chính sách về đào tạo nghề và đăng ký học nghề cho lao động nông thôn.  Kết quả đã đào tạo 3 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà,  lợn cho 60 hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện A Lưới. Cả 3 lớp này đều được đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thông qua lớp học, các học viên được trang bị kiến thức một cách hệ thống về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh cho gà và lợn; kỹ thuật phối trộn thức ăn… đặc biệt các học viên đã được thực hành tiêm phòng các loại vaccine và thuốc phòng bệnh cho gà và lợn.

Sau khóa học, các lớp học sẽ được Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi hoặc chi tổ hội nghề nghiệp để tiếp tục phát huy kiến thức đã học vào chăn nuôi, phát triển ngành nghề góp phần phát triển kinh tế gia đình và xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong 10 năm qua, Thừa Thiên Huế đã đào tạo nghề cho 34.171 lao động nông thôn, trong đó: nghề nông nghiệp là 8.545 người (chiếm tỷ lệ 25%), phi nông nghiệp là 25.626 người (chiếm tỷ lệ 75%). Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khu vực nông nghiệp và nông thôn; từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc của của người lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp.

Sau học nghề người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoản cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị; đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định tình hình trật tự - xã hội của địa phương.

Giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đào tạo trên 15.000 lao động nông thôn, trong đó có 2.000 lao động nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%) và 10.000 lao động phi nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên Huế

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem