Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính đừng "nói xong để đấy", phải coi như khoán 10, khoán 100

Thiên Hương Thứ ba, ngày 11/01/2022 16:44 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 tổ chức chiều 11/1, Bộ NNPTNT cho biết, năm 2021 Bộ đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá nhiều quy định về thủ tục hành chính, cắt giảm 13,2% chi phí liên quan hoạt động kinh doanh của Bộ. Nhờ đó Bộ đã tiết kiệm được gần 219 tỷ đồng.
Bình luận 0

Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì. 

Cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nông nghiệp tiết kiệm gần 219 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ân - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ. Kết quả đã hoàn thành 36/36 nhiệm vụ, đạt 100%; hoàn thành 92/93 sản phẩm, hoạt động, đạt 98,9%.

Trong năm 2021, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị về đẩy mạnh công tác cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính của Bộ, họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp của Bộ... 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Cải cách thủ tục hành chính đừng "nói xong để đấy", phải coi như khoán 10, khoán 100 - Ảnh 1.

Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì. Ảnh: Thiên Hương

Tiếp tục đổi mới, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh; rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, dịch vụ công trực tuyến; triển khai Chương trình chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của TTgCP; đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ của Bộ.

Đến nay, Bộ NNPTNT đã "điện tử hoá" 159 quy định về thủ tục hành chính, 17 quy định về chế độ báo cáo, 423 quy định về yêu cầu điều kiện, 227 quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn, 1.768 quy định về kiểm tra chuyên ngành... Các quy định này được cập nhật trên phần mềm, nên việc tra cứu trở nên dễ dàng thuận tiện hơn nhiều so với trước. 

Đặc biệt, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 429/2.559 quy định, đạt 16,76%; cắt giảm 13,2% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ với số tiền tiết kiệm gần 219 tỷ đồng.  

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 44 văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh gồm 2 Luật, 6 Nghị định, 36 Thông tư.

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia, ông Ân cho biết Bộ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2021 của Bộ; vận hành Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Bộ đảm bảo hiệu quả.

"Đến nay, Bộ đã cấp phép điện tử hơn 1,4 triệu hồ sơ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Dự kiến trong quý I/2022 sẽ hoàn thành kết nối 100% các thủ tục hành chính thực hiện trên cổng thông tin một cửa quốc gia" - ông Ân thông tin. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Việc cải cách thủ tục hành chính của Bộ hiện liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, từ giống cây trồng vật nuôi, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, xử lí môi trường, vận chuyển, giết mổ... Mọi khâu đều phải minh bạch. Ngay cả điều kiện làm việc của công nhân viên chức cũng cần đòi hỏi nhanh hơn, chính xác hơn. Đừng để cán bộ dùng cái máy tính mà khởi động mãi vẫn chưa chạy nổi. Không đầu tư, thì sao mà chuyển đổi số nhanh được? Làm sao mà dịch Covid làm việc ở nhà, làm việc trực tuyến mà mọi việc vẫn trơn tru".

Đại diện Cục Kiểm soát hành chính (Văn phòng Chính phủ) cũng chỉ rõ, qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đang phải chịu rất nhiều văn bản chứng nhận. Các hộ nuôi trồng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh môi trường... 1 hộ nuôi trồng mà phải làm quá nhiều thủ tục. Chưa kể, các hộ nuôi thuỷ sản còn phải đáp ứng nhiều quy định của các bộ ngành khác nữa. 

Đối với việc nhập dữ liệu lên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia của Bộ NNPTNT, tỉ lệ giải quyết cao nhất là tháng 3, đạt hơn 37,9%, thấp nhất là tháng 7 thực hiện hơn 26%. Cục Kiểm soát hành chính cho biết, đến thời điểm này nhiều hồ sơ, thủ tục giải quyết chưa đạt tiến độ đề ra. Thậm chí một số lĩnh vực chưa nhập được dữ liệu gì. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ phải thể chế hoá, có kế hoạch riêng cho từng quý, từng tháng chứ không phải "nói xong để đấy". 

"Chúng ta phải cùng nhau xắn tay lên, tạo môi trường sinh thái thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân làm việc nhanh hơn. Nhất là đối với các doanh nghiệp FDI, thủ tục đơn giản gọn gàng, cắt giảm thời gian thì chúng ta mới mời gọi đầu tư được. Nhiều khi cứ chờ họp, bàn đi bàn lại là mất cơ hội" - Thứ trưởng Tiến nói. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, việc cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục, thể chế phải được xem là cuộc cách mạng như khoán 10, khoán 100 của ngành nông nghiệp. 

"Rất mong muốn dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ các Bộ, ngành, chúng ta sẽ xây dựng được môi trường lành mạnh, kết nối với hệ sinh thái doanh nghiệp, HTX, trang trại..., nhằm tạo bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực luôn được coi là "rường cột", "bệ đỡ", góp phần vào sự ổn định của đất nước, là tiền đề cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" - ông Tiến kì vọng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem