Mục tiêu thu nhập 32.000 USD/người vào năm 2050: Đại biểu Quốc hội “băn khoăn tính khả thi”

Gia Bình Thứ sáu, ngày 06/01/2023 15:29 PM (GMT+7)
Đại biểu cho rằng thu nhập đầu người năm 2030 nếu đạt 7.500 USD nhưng 20 năm sau phải đạt tới 32.000 USD là “khá khó khăn” bởi rất ít nước vượt bẫy thu nhập trung bình.
Bình luận 0

Ngày 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại biểu tỉnh Cần Thơ cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2030 sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao, khoảng 7.500 USD thuộc "nhóm thấp trong mức cao".

Trong khi số nước thoát khỏi thu nhập trung bình rất ít nhưng tới 2050, Việt Nam đặt mục tiêu là 27.000 - 32.000 USD/người, tức trong 20 năm thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7.500 tới 32.000 USD. Ông Hùng nói băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu này.

Mục tiêu thu nhập 32.000 USD/người vào năm 2050: Đại biểu Quốc hội “băn khoăn tính khả thi” - Ảnh 1.

Kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu tỉnh Cần Thơ cho rằng, vượt qua bẫy trung bình đã khó nhưng: "Chúng ta vượt xa như vậy cũng là câu chuyện thách thức đặt ra… Tôi rất băn khoăn về mục tiêu, tầm nhìn này. Mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tới 2050 tối đa 32.000 USD là mục tiêu khá khó khăn cho năm 2050".

Ông Hùng cũng băn khoăn về cơ sở dữ liệu lập quy hoạch, hiện còn dở dang, như cơ sở dữ liệu đất đai chưa đầy đủ, nên chưa thể định hình đang có gì, sẽ làm gì; hay cơ sở dữ liệu về con người, xã hội vẫn đang phân tán, chưa thống nhất…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM nêu ý kiến, còn nhiều lúng túng khi dự thảo Quy hoạch quốc gia chưa phân biệt được thế nào là vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, thế nào là hành lang tăng trưởng…

Với lĩnh vực công nghiệp, ông Ngân bày tỏ là quy hoạch hiện được xây dựng cũng chưa hình dung được sẽ ưu tiên ngành công nghiệp nào? Bởi có rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chế biến chế tạo, công nghiệp nền tảng, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, dệt may, cơ khí luyện kim, công nghiệp xanh… được đưa ra nhưng không rõ trình tự ưu tiên cụ thể.

Đại biểu Ngân cũng lưu ý, quy hoạch đang xây dựng có giai đoạn 2030 - 2050, nên tình trạng quy hoạch "treo" là vấn đề đặt ra. Do đó, ông cho rằng xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch.

"Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân" - ông Ngân nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) thì cho rằng đây là quy hoạch quan trọng mang tầm quốc gia, nên cần thảo luận kỹ, ghi nhận đóng góp ý kiến của cử tri và chuyên gia trong mọi lĩnh vực, để có quy hoạch chín chắn, đầy đủ và thấu đáo hơn.

Trong đó, ông cho rằng cần xác định nền tảng Việt Nam phát triển kinh tế mũi nhọn là gì? Nếu xác định phát triển Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì sản xuất cây trồng, trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, đóng góp cho GDP là bao nhiêu để gắn với phát triển vùng miền, để từ đó đầu tư cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị máy móc.

Với lợi thế của đất nước ta có tiềm năng về biển, tỉnh nào cũng có biển và phát triển du lịch, ông nói cần phải đánh giá kỹ về ngành kinh tế dịch vụ đóng góp GDP thế nào? Việc quy hoạch và xây dựng vùng liên kết ra sao, để xác định cho đầu tư về hạ tầng, con người…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem