"Thu hời" từ chứng khoán, vì sao ACB báo lãi quý I vẫn giảm nhẹ 5%?

30/04/2024 06:15 GMT+7
Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với khoản lãi đột biến đến từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh nhưng do ngân hàng tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nên lợi nhuận giảm 5% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Ngân hàng ACB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng nhẹ từ 6.215 tỷ lên hơn 6.721 tỷ đồng, tương ứng tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 627 tỷ lên hơn 745 tỷ đồng. Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán trong quý này tiếp tục tăng đột biến.với lãi hơn 196 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 204 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ.

Ở chiều ngược lại, điểm kém sáng ghi nhận đến từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm từ 438 tỷ xuống còn hơn 233 tỷ đồng; thu nhập khác cũng giảm từ 576 tỷ xuống chỉ còn hơn 172 tỷ đồng.

"Thu hời" từ chứng khoán, vì sao ACB báo lãi quý I vẫn giảm nhẹ 5%?- Ảnh 1.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng nhẹ từ 2.507 tỷ lên hơn 2.763 tỷ đồng. Đặc biệt, ACB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khi dành ra đến 512 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 4.892 tỷ đồng, giảm 5%.

ACB cho biết, lợi nhuận quý đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ do cùng kỳ năm 2023 có khoản thu nhập bất thường và tăng trích lập dự phòng nợ vay.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản ACB tăng nhẹ 1,2% so với hồi đầu năm, lên hơn 717.297 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3,6% lên hơn 506.112 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 2% lên gần 482.703 tỷ đồng.

"Thu hời" từ chứng khoán, vì sao ACB báo lãi quý I vẫn giảm nhẹ 5%?- Ảnh 2.

Phân tích chất lượng nợ cho vay

Tổng nợ xấu tăng 25% so với hồi đầu năm từ 5.887 tỷ lên hơn 7.348 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu trong quý tăng từ 1,22% lên 1,47%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng từ 940 tỷ lên hơn 1.182 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng từ 1.048 tỷ lên hơn 1.433 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 3.897 tỷ lên hơn 4.733 tỷ đồng.

Được biết, số dư nợ xấu trong kỳ chưa bao gồm 5.478 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

Theo báo cáo, tín dụng của ACB đạt 506.000 tỷ đồng, huy động đạt gần 493.000 tỷ đồng. So với đầu năm, mức tăng trưởng lần lượt của tín dụng và huy động là 3,8% và 2,1%, cao hơn mức tăng trưởng của ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 23,7%.

Về kế hoạch kinh doanh 2024, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 22.000 tỷ, tăng 10%. Tổng tài sản dự kiến tăng lên 805.050 tỷ đồng (tăng 12%); tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 593.779 tỷ đồng (tăng 11%) và dư nợ cho vay khách hàng đạt 555.866 tỷ (tăng 14%), theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/4, giá cổ phiếu ACB tăng 0,19% lên 26.850 đồng/cổ phiếu.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục