Thiếu thuốc chuyên dùng cho mổ tim, bệnh nhân đối diện nguy cơ nào?

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 15/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, GS, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat khiến nhiều bệnh viện đứng trước nguy cơ phải ngưng các ca mổ tim vì không có thuốc thay thế.
Bình luận 0

Thiếu thuốc Protamin sulfat sẽ nguy hiểm thế nào trong mổ tim?

Mới đây, nhiều bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Tim Hà Nội, Tim mạch Quốc gia... cho biết, chỉ còn thuốc Protamin sulfat dùng trong một vài tuần, nếu không kịp mua sắm phải ngưng các ca mổ tim vì không có thuốc thay thế. Chính điều này khiến tâm lý nhiều bệnh nhân cũng như gia đình bệnh nhân và các y bác sĩ không khỏi lo lắng.

Thiếu thuốc chuyên dùng cho mổ tim, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ như thế nào? - Ảnh 1.

GS, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải. Ảnh: NVCC

Liên quan đến vấn đề này, ngày 14/8, trao đổi với PV Dân Việt, GS, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải (nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) cho rằng, thuốc Protamin sulfat có vai trò rất quan trọng trong quá trình mổ tim. Đây là thuốc có tác dụng trung hòa khả năng chống đông máu của heparin. 

"Thông thường, trong cuộc mổ tim, bác sĩ phải dùng thuốc heparin để chống đông máu, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông. Khi kết thúc cuộc mổ, Protamin sulfate được dùng để trung hòa heparin, đưa cơ thể trở về bình thường. Nếu không có cặp đôi thuốc này song hành nhau, bác sĩ sẽ không thể tiến hành ca mổ tim, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh", GS Khải chia sẻ.

Thiếu thuốc chuyên dùng cho mổ tim, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ như thế nào? - Ảnh 2.

Bác sĩ tiến hàn ca phẫu thuật tim. Ảnh: BVCC

Theo GS Khải, việc thiếu thuốc Protamin sulfat do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý ông cho rằng thời gian qua không ít lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội và lãnh đạo một số bệnh viện… vướng lao lý về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Cụ thể là vi phạm trong thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch…

"Chính việc một số lãnh đạo các bệnh viện vướng lao lý nên những người kế nhiệm sợ không dám làm bởi nếu mua rẻ quá hãng không bán mà đắt thì bị cho rằng đội giá nên không dám đấu thầu thuốc, thiết bị y tế. Nhiều thuốc ở bệnh viện phải mua ngoài. Bên cạnh đó nhiều cán bộ bác sĩ có chuyên môn chuyển sang cơ sở y tế tư nhân và chưa giải quyết được tình trạng này. Thuốc Protamin Sufat bệnh viện nhà nước không có nhưng ở bệnh viện tư không lo thiếu", GS Khải nêu quan điểm.

"Nhiều thiết bị y tế đắp chiếu lãng phí lắm, tôi rất đau lòng"

Trước thực trạng này, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho rằng, Chính phủ và Bộ Y tế nên có phương án tháo gỡ nhiều quy định liên quan, đặc biệt quy định về mua sắm, đấu thầu.

"Ngoài ra, có bệnh viện phản ánh nhiều thiết bị y tế là máy đặt, máy mượn, liên doanh liên kết…, khi hết hợp đồng thì các máy này dừng hoạt động. Thêm vào đó, khi kiểm tra các hoạt động này các cơ quan hậu kiểm cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. 

Thiếu thuốc chuyên dùng cho mổ tim, bệnh nhân sẽ đối diện nguy cơ như thế nào? - Ảnh 3.

GS Phạm Gia Khải cho rằng, Chính phủ và Bộ Y tế nên có phương án tháo gỡ nhiều quy định liên quan, đặc biệt quy định về mua sắm, đấu thầu. Ảnh: BVCC

Nhiều máy móc không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục hoạt động. Vì thế, các máy móc chẩn đoán như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy PET-CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật… là những thiết bị hiện đại nhưng vướng vào pháp lý, vướng vào các quy định. 

Mặc dù được các cơ quan chức năng ủng hộ đưa vào hoạt động trở lại, nhưng do các máy này đã hết hợp đồng, nên bệnh viện cũng không thể đưa vào sử dụng cho người bệnh có bảo hiểm y tế, có đưa vào cũng vướng về thanh toán… khiến nhiều thiết bị y tế đắp chiếu lãng phí lắm, tôi rất đau lòng", GS Khải chia sẻ.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc. Báo cáo của các tỉnh thành khác gửi về Bộ Y tế cho thấy nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền... khan hiếm, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh.

Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. 

Ngoài ra, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc; một số địa phương giao các cơ sở chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại... cũng tạo tình trạng thiếu thuốc. Một lẽ nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng bệnh nhân đến viện tăng nhiều sau dịch, nguồn nguyên liệu sản xuất và hàng hóa khan hiếm, giá cả nhiều biến động... khiến việc mua sắm khó khăn hơn.

Trước đó, sáng 12/8, tại tọa đàm Giải pháp khắc phục thiếu thuốc, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng đang xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn cung. Ngoài ra, khi dịch ổn định, người dân khám chữa bệnh tăng đột biến, tác động đến nguồn cung thuốc.

Để tháo gỡ tình trạng trên, gần 10.000 loại thuốc đã được gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Bộ Y tế cũng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan, đặc biệt quy định về mua sắm, đấu thầu.

Mới nhất vào hôm 5/8, Bộ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của ba gói mua thuốc tập trung cấp quốc gia với tổng giá trị gần 6.300 tỷ đồng. Hội đồng Đàm phán giá, Bộ Y tế đang đàm phán giá đối với nhiều thuốc biệt dược gốc có số lượng, nhu cầu sử dụng lớn, giá trị cao. Những động thái này được kỳ vọng giải "cơn khát" thuốc điều trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem