Tạo sinh kế bền vững để người dân Hòa Bình không phải ly hương

Thuần Việt Thứ sáu, ngày 13/10/2023 14:20 PM (GMT+7)
Trong những năm vừa qua, nhiều nông dân tỉnh Hòa Bình luôn phải đối mặt với những khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Cứ sau mùa vụ là người dân vùng cao tỏa về các địa phương khác kiếm sống.
Bình luận 0

Trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng tới chính sách hỗ trợ để người nông dân không phải rời xa quê hương mà vẫn có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập tốt đảm bảo đời sống.

Gắn bó với đất Mường gần 3 thập kỷ, phóng viên Báo NTNN đã từng đi đến từng ngõ ngách của các bản vùng cao. Ngày trước, đời sống của bà con phụ thuộc vào rừng và tự cung tự cấp là chính. Từ những năm 2000 trở lại đây, nếp sống, sinh hoạt của bà con đất Mường đã thay đổi nhanh chóng. Theo đó, nhu cầu về học tập, tìm kiếm việc làm đã đưa nhiều con em đất Mường phải xa quê hương (đây cũng là xu hướng và xu thế tất yếu của hầu hết các vùng nông thôn nước ta). Mong muốn có được việc làm và thu nhập ổn định ở quê nhà vẫn luôn là bài toán nan giải với người dân…

Đi làm ăn xa

Tạo sinh kế bền vững để người dân Hòa Bình không phải ly hương  - Ảnh 1.

Các loại cây ăn quả đặc sản của nông dân huyện Tân Lạc sản xuất. Ảnh: X.T

"Du lịch Hòa Bình mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, từng dân tộc và từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhờ vậy, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa, tinh thần của khu vực nông thôn thay đổi đáng kể, trở thành những vùng quê đáng sống; tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; thúc đẩy tiêu thụ nông sản…".

Ông Đinh Công Sứ -

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Gia đình chị Bùi Thị Vui (ở xóm Cốc, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn), có 3 người con. Ngày trước, cứ mỗi khi cấy hái xong, chị Vui lại đi làm ăn xa để có tiền lo cho con ăn học. Năm 2020, 3 đứa con của chị đều nghỉ học. Do ở quê không có việc làm, chúng cũng theo mẹ đi làm. Đến giờ, sau 3 năm, cả 4 mẹ con chị Vui phải rời quê về Hà Nội kiếm sống. "Ở nhà không có việc làm, nên phải cho con cái đi kiếm việc nơi khác. Cứ vài tháng mẹ con mới được gặp nhau. Xa nhau có vất vả đôi chút, nhưng bù lại mẹ con có đồng ra đồng vào" - chị Vui chia sẻ.

Hình ảnh những thanh niên mới lớn hay những người phụ nữ đang trong độ tuổi lao động rời quê đi kiếm sống là chuyện thường ở các xã vùng cao. Không riêng gì ở xã Thượng Cốc, ở các xã vùng cao khác như Nhân Nghĩa, Nguổi Luông, Quyết Thắng của huyện Lạc Sơn đều có rất nhiều người phải rời quê đi làm ăn xa.

Tình trạng lao động ở các xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình rời quê về thành phố kiếm việc làm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Sau mỗi năm, đặc biệt là trong những năm gần đây con em người Mường về các khu công nghiệp ở miền xuôi như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh kiếm việc ngày một đông. Nhiều đôi vợ chồng trẻ cũng sẵn sàng thuê trọ và sống dài hạn tại nơi làm việc.

Tình trạng lao động nông thôn "ly nông và phải ly hương" kéo theo nhiều hệ lụy, điều này bộc lộ rõ trong mấy năm dịch Covid-19 bùng phát. Việc hàng nghìn người ồ ạt rời bỏ các trung tâm kinh tế lớn về xứ Mường trong đại dịch vào nửa cuối năm 2021 đã cảnh báo về quá trình đô thị hóa quá nóng, dẫn đến sự mất cân đối cơ cấu lao động - việc làm ở khu vực nông thôn. Bài toán "ly nông nhưng không ly hương" hiện nay đặt ra không chỉ riêng với tỉnh Hòa Bình mà chung cho cả nước. Trong câu chuyện "ly nông không ly hương" tại tỉnh Hòa Bình cũng như trên quy mô toàn quốc nổi lên hai nhóm vấn đề là cần tạo nhiều việc làm phi nông nghiệp cho nông dân và nâng cao chất lượng lao động nông thôn.

Phát huy tiềm năng của địa phương

Tạo sinh kế bền vững để người dân Hòa Bình không phải ly hương  - Ảnh 3.

Nghề truyền thống phát triển kết hợp làm du lịch ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Ảnh: X.T

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt mục tiêu, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tạo việc làm mới cho 16.000 lao động/năm.

Chính sách "ly nông chứ không ly hương" tại tỉnh Hòa Bình được thiết kế nhằm hướng tới việc phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Thay vì tập trung vào việc trồng lúa - một loại cây trồng truyền thống và phổ biến trong khu vực này, chính sách này khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Một trong những cây trồng được khuyến khích là cây chè. Từ lâu, Hòa Bình đã nổi tiếng với sản phẩm chè ngon và chất lượng. Chủ trương, chính sách của tỉnh là tập trung vào việc mở rộng diện tích trồng chè và nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế của nông dân, mà còn đóng góp vào phát triển du lịch vùng, bởi chè Hòa Bình đã có các thương hiệu nổi tiếng như chè sông Bôi, chè Pà Cò...

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn trái như nhãn, cam, quýt, bưởi... Nhờ khí hậu và đặc điểm địa lý thuận lợi, Hòa Bình có tiềm năng phát triển nông nghiệp đa dạng. Việc chuyển đổi sang cây trồng mới không chỉ mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, mà còn giúp tăng cường an sinh xã hội và đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực. Đây cũng là những cây trồng chủ lực mà tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu thành công sang các nước Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ… Nó là động lực để bà con có thể sống và làm giàu trên chính quê hương.

Tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho người dân. Thông qua việc cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng và hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật trồng trọt, quản lý môi trường, chính quyền địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân có thể áp dụng các phương pháp nông nghiệp hiện đại, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tỉnh Hòa Bình hiện có 14 trung tâm đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo và nâng cao tay nghề cho hàng vạn lao đông. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sẽ xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo; thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 63.068 người. Chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động.

Từ khi triển khai chính sách "ly nông nhưng không ly hương", tỉnh Hòa Bình đã đạt sự phát triển mạnh mẽ trong kinh tế nông nghiệp và cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân nông thôn. Đây là điển hình cho việc thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp và phát triển bền vững trong các vùng nông thôn.

Ngoài việc đào tạo nghề, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp: Việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhau đã tạo ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp. Với sự đa dạng hóa cây trồng, du khách có thể tham quan và trải nghiệm các trang trại, vườn cây và nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp. Điều này tạo ra những trải nghiệm mới và thu hút du khách quan tâm đến việc khám phá nông nghiệp địa phương.

Việc phát triển nông nghiệp và du lịch nông nghiệp tại vùng Hòa Bình đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương. Những người dân đã chuyển đổi sang trồng cây trồng mới có thể tận dụng khả năng du lịch và tạo ra các dịch vụ liên quan như nhà nghỉ nông trại, nhà hàng nông sản, hướng dẫn viên du lịch và các hoạt động giáo dục về nông nghiệp. Điều này giúp tăng cường phát triển kinh tế địa phương và cải thiện cuộc sống của cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem