Học phí các trường đại học: Nơi tăng cao, nơi mập mờ gây... "choáng"!

Tào Nga Thứ sáu, ngày 12/05/2023 08:13 AM (GMT+7)
Trước tình trạng một số trường chưa công bố học phí rõ ràng cho thí sinh tham khảo, các chuyên gia nêu quan điểm, tăng học phí là dễ hiểu nhưng cần phải công khai, minh bạch.
Bình luận 0

Học phí các trường đại học: Nơi thì tăng cao, nơi mập mờ

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ. Như vậy, sau hai năm giữ nguyên học phí, nhiều đại học dự kiến sẽ tăng 10 - 20% cho năm học 2023 – 2024, thậm chí có trường tăng gấp đôi.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến mức học phí hệ đại trà là 506.900 đồng/tín chỉ (tăng hơn 224.000 đồng/tin so với năm trước); hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ. Tổng cả khoá 4 năm học, sinh viên sẽ phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương khoảng 72,5 triệu đồng tiền học. Trường Đại học Giáo thông Vận tải dự kiến tăng 10% trong năm tới. Trường Đại học Điện lực tăng 14% học phí 2 khối ngành Kinh tế và Kỹ thuật lần lượt gần 16-18 triệu đồng.       

Học phí các trường đại học: Nơi tăng cao, nơi mập mờ gây... choáng - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Khối ngành Sức khỏe, học phí năm học tới tăng trung bình từ 2,4 - 13 triệu đồng/năm học. Cụ thể, Trường đại học Y Dược Cần Thơ có học phí trung bình tối đa là 37,6 triệu đồng/năm, tăng 13 triệu đồng so với năm 2022. Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng tăng lên từ 20,9 đến 27,6 triệu đồng/năm. Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng dự kiến nâng học phí từ 18,5 đến 24,5 triệu đồng/năm lên 20,9 đến 27,6 triệu đồng/năm trong năm học 2023-2024. Khoa Y - Đại học Quốc gia Tp.HCM dự kiến học phí các ngành y khoa, dược, răng hàm mặt và y học cổ truyền là 55 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm học trước.

Ở các trường top đầu khối ngành Kinh tế, học phí năm học tới cũng tăng. Học viện Tài chính dự kiến mức học phí với chương trình chuẩn là 22 – 24 triệu đồng/năm học (tăng 10 - 20% so với hiện tại). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 – 50 triệu đồng/năm. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tăng học phí chương trình đại trà không quá 10% so với năm ngoái. 

Tuy nhiên, bên cạnh một số trường đại học đã công bố thông tin học phí thì cũng có những trường chưa công bố hoặc nếu có thì cũng là thông tin chung chung khiến thí sinh và phụ huynh tìm mỏi mắt không thấy.

Trong đề án tuyển sinh 2023 dài 78 trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chỉ ghi: "Học phí dự kiến với sinh viên chính quy; lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có) là thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo".

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ở phần học phí dự kiến với sinh viên chính quy, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có), trường chỉ ghi "Học phí bình quân các chương trình đào tạo năm học 2023-2024 là 20 triệu đồng/năm học, học phí năm học tiếp theo tăng không quá 10% so với năm học liền trước". Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, trong tóm tắt đề án tuyển sinh 2023 chỉ ghi: "Học phí dự kiến với sinh viên: khối kỹ thuật: 415.800 đồng/tín chỉ; khối kinh tế: 353.300 đồng/tín chỉ (trung bình 1 năm sinh viên học 30 tín chỉ)". Các thông tin khác về lộ trình tăng, mức độ tăng như thế nào chưa được đề cập.

PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lý giải: "Không công khai học phí không có gì gây khó cả. Trong đề án tuyển sinh ghi rõ là thu theo quy định của Chính phủ. Theo quy định đã có mức trần học phí, chỉ cần gõ trên máy tính là ra ngay".

"Học phí và lộ trình tăng học phí cần phải minh bạch ngay từ đầu"

Học phí là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi gia đình. Không phải ai cũng có đủ điều kiện, trình độ để tra cứu, tìm hiểu về quy định của Chính phủ. Mặt khác, sự công khai, minh bạch học phí cũng thể hiện được chất lượng, uy tín của nhà trường và để thí sinh có sự đối chiếu, so sánh và lựa chọn giữa các trường. Thực tế, nhiều thí sinh đã không dám theo học dù trúng tuyển hoặc phải ngậm ngùi dừng việc học vì không thể tiếp tục chi trả học phí.

Một học sinh cho biết ngỡ ngàng khi tìm hiểu thông tin học phí của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp vì chỉ công khai vỏn vẹn: "Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ". Hiện nay nhiều trường chưa công bố, còn các trường đã công bố thì mỗi nơi một kiểu. Ví dụ, Trường Đại học Hà Nội công khai học phí theo tín chỉ; Học viện Ngoại giao mức học phí đào tạo chính quy được tính theo tháng; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại tính theo năm. Chúng em chưa học thì làm sao nắm được sẽ phải đóng một tháng bao nhiêu tiền".

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Phạm Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Trường Đại học Thành Đô nêu quan điểm, tăng học phí là dễ hiểu nhưng cần phải công khai, minh bạch.

"Theo xu thế tự chủ đại học, sẽ làm khó cho các trường nếu không cho tăng học phí, nhất là ở các ngành nhu cầu cao như Công nghệ thông tin, Tài chính, Quản trị kinh doanh… Các trường khi tự chủ buộc phải bù ngân sách bằng học phí, chưa kể trước đây khi được Nhà nước đầu tư, mức chi phí đã không đủ cho nhà trường chi trả.

Học phí các trường đại học: Nơi tăng cao, nơi mập mờ gây... choáng - Ảnh 2.

Phụ huynh và thí sinh tham gia kỳ thi năng khiếu. Ảnh: Tào Nga

Mọi người hay nhìn học sinh, sinh viên là nạn nhân của việc tăng học phí mà không hiểu rằng nhà trường cũng cần có nguồn ngân sách để vận hành. Vì vậy, giải pháp căn cơ là cần có chương trình tổng thể cấp quốc gia và định vị rõ hơn về học phí. Những ngành nào xã hội có nhu cầu cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nhiều thì thu học phí mức đủ cao. Còn những ngành khoa học cơ bản như xã hội nhân văn, sư phạm, y tế… thì buộc phải đầu tư. Cơ chế học phí phù hợp sẽ là biện pháp bền vững", TS. Hiệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo TS Hiệp, học phí và lộ trình tăng học phí cần phải minh bạch ngay từ đầu chứ không phải vào học rồi mới báo thay đổi gây... choáng cho thí sinh. Với các trường công, nhà nước cần phải kiểm soát mức trần học phí.

Nói về thực trạng mập mờ học phí của các trường, TS Hiệp cho rằng: "Đây là sai. Trường nào chưa có phải ghi và cần có chế tài xử phạt. Đây là điều bắt buộc thể hiện giải trình của nhà trường. Giáo dục càng cần phải công khai vì người học phải đóng trong vòng 4 năm. Nếu không công bố, tăng học phí đột ngột gây khó cho sinh viên".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT khẳng định, vấn đề học phí phải được minh bạch rõ ràng để phụ huynh và học sinh được biết, đưa ra cân nhắc lựa chọn trường phù hợp.

"Theo quy định, cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định mức học phí không vượt mức trần học phí theo quy định. Nhiều trường lợi dụng điều này mập mờ học phí. Điều này gây bất lợi rất lớn cho thí sinh, dẫn tới việc thí sinh và gia đình không hiểu, không nắm rõ, "nhắm mắt" thi vào trường đó, đến khi phát hiện học phí ngất ngưởng không thể chi trả thì lỡ dở cơ hội học tập", nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nói.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng một số trường công lập muốn học phí cao nhưng lại bị kiểm soát trần học phí nên dễ nảy sinh sự không minh bạch trong việc công khai. "Trường công muốn học phí cao nhưng lại bị kiểm soát trần học phí nên dễ nảy sinh sự mập mờ. Còn trường tư sòng phẳng hơn", TS Khuyến nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem