Tận mắt xem lễ cấp sắc kỳ bí của người Dao ở Quảng Ninh

Hoàng Gái - Tô Hiệu Chủ nhật, ngày 17/02/2019 14:10 PM (GMT+7)
Người đàn ông Dao Thanh Phán chỉ thực sự trưởng thành khi được cấp sắc. Phải qua lễ cấp sắc mới được là con cháu Bàn Vương, khi chết mới được đoàn tụ với tổ tiên.
Bình luận 0

Sứ mệnh của người đàn ông Dao

Theo chân ông Dường Chống Hồng – một ông thầy có tiếng trong thực hiện các nghi lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán, chúng tôi đến nhà ông Chíu Chăn Mình – thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Hôm nay, tại nhà ông Mình sẽ diễn ra lễ cấp sắc 3 đèn cho anh Chíu Phúc Trình (sinh năm 1997) và anh Chíu Phúc Hếnh (sinh năm 1995); cấp sắc 7 đèn cho anh Chíu Vằn Dào (sinh năm 1980). Từ sáng sớm, không khí chuẩn bị cho lễ cấp sắc diễn ra nhộn nhịp, tưng bừng.

img

Nghi lễ dâng hương báo cho ông bà, tổ tiên, gia đình biết hôm nay có người được làm lễ cấp sắc.

Nét mặt trầm ngâm, ông Dường Chống Hồng kể: Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán có nguồn gốc từ thuở xưa. Truyền rằng, khi người Dao đang sống bình yên thì bỗng có nạn ma quỷ xuất hiện cướp phá, giết người, cuộc sống bị đẩy vào cảnh vô cùng bi thương, thê thảm. Ngọc Hoàng thấy cảnh ngộ này đã sai các vị thần tiên mang phép thuật xuống hạ giới để cứu giúp người Dao. Tuy nhiên, vì ma quỷ quá nhiều, các vị thần tiên diệt trừ không xuể, phải viện đến người dân cùng đánh.

 Trước tình thế đó, Ngọc Hoàng bèn sai các vị thần tiên phải truyền ngay phép thuật cho người Dao. Sau đó, người Dao đã cùng hiệp sức với thần tiên diệt trừ được ma quỷ. Đề phòng sau này ma quỷ lại quay trở lại làm hại con người, Ngọc Hoàng yêu cầu hàng năm người Dao tổ chức nghi lễ truyền phép thuật cho những người đàn ông. Nghi lễ này được gọi là lễ cấp sắc.

img

Các thầy cúng, người giúp việc làm một nghi lễ cấp sắc.

Người Dao rất coi trọng nghi lễ này. Người đàn ông Dao chết khi chưa làm lễ cấp sắc thì con cháu sau này vẫn phải làm cho họ, bởi quan niệm của người Dao là người chết vẫn tồn tại trong một thế giới riêng nên vẫn cần được truyền phép thuật để chống lại ma quỷ. Người đã được cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được phép thắp hương, cúng khấn trước bàn thờ, được tham gia vào các công việc hệ trọng của bản. Phải qua lễ cấp sắc mới thực sự là con cháu Bàn Vương, khi chết mới được đoàn tụ với tổ tiên.

 Cấp sắc 3 đèn được tổ chức khi chàng thanh niên người Dao Thanh Phán được khoảng 15 tuổi và khi gia đình có điều kiện. Đây là nghi lễ có ý nghĩa như việc khai sinh với tổ tiên về một thành viên của dòng họ. Sau lễ cấp sắc 3 đèn, chàng trai nhận được những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ về đạo lý làm người, về cách ứng xử với gia đình và cộng đồng.

img

Lễ cấp sắc giáo dục, hướng con người đi vào con đường học hành, nâng cao sự hiểu biết.

Để được cấp sắc 7 đèn - một bậc sắc cao hơn thì những người trong dòng họ phải thực hiện theo thứ tự anh trước và các em sau. Cấp sắc 7 đèn là một bước chuyển biến lớn, đánh giá một người đàn ông đã trưởng thành thực sự, ngoài việc bản thân thực hiện tốt những đạo lý của người Dao, anh ta còn có nhiệm vụ truyền đạt lại những điều hay lẽ phải đó cho con cháu, cho cộng đồng. Sau lễ này, người đàn ông Dao có thể thực hiện được các nghi lễ trong việc thờ cúng tổ tiên và các hoạt động nghi lễ khác như cưới xin, ma chay.

 Theo tục lệ và tín ngưỡng của người Dao, vẫn còn những bậc cấp sắc cao hơn khi một người đàn ông Dao có khả năng và dành thời gian học làm thầy cúng. Khi đó có thể cấp sắc lên 9 đèn hoặc 12 đèn.

Buổi lễ 2 ngày 1 đêm

Tất cả những người được cấp sắc, họ hàng đến giúp việc, khách mời đều chờ đón buổi lễ cấp sắc bằng sự háo hức thành kính. Trong tiếng chuông thỉnh mời rộn rã, điệu múa đón tổ tiên thiêng liêng là điệu hát của các thầy cúng. Theo trình tự, buổi lễ trải qua các nội dung chính là: Hành hương, thắp đèn, cầu mùa và hát trường ca. Người tham dự không phải đơn thuần nghe thầy cúng hát nữa mà họ đang được nghe những lời của tổ tiên từ xa xưa truyền lại.

img

Lễ tế trời để cảm ơn và cầu mong trời phù hộ cho gia chủ và người được cấp sắc gặp mọi điều tốt lành trong cuộc sống.

Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ cấp sắc chính là ý nghĩa của các lời răn dạy. Đó là sự hướng tới việc thiện, tuyệt đối không được làm điều ác. Đó là sự tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, chung thủy với bạn bè, trọng nghĩa, có lòng vị tha, không phản bội, lừa gạt... Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn. Lời răn dạy được ghi lại bằng văn bản, một bản đốt tại lễ cấp sắc, một bản giao cho người được cấp sắc để lưu giữ suốt đời.

 Phần cuối của buổi lễ là khúc trường ca của người Dao. Mỗi lần tổ chức lễ cấp sắc là một dịp cộng đồng nghe lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình từ xưa đến nay, tạo nên lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó.

img

Sau thời khắc này, người đàn ông được cấp sắc có quyền tham gia vào các công việc hệ trọng của thôn, bản và dòng họ.

Thầy thực hiện lễ Dương Chống Hồng cho chúng tôi biết, trước đây lễ cấp sắc thường kéo dài 5 đến 7 ngày đêm, nhưng nay thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, lễ cấp sắc vẫn thực hiện đầy đủ bài bản nhưng rút gọn thời gian còn 2 ngày 1 đêm để không còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động mà vẫn đảm bảo nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của tổ tiên.

Lễ cấp sắc nói riêng, văn hóa truyền thống của người Dao trên địa bàn huyện Bình Liêu nói chung còn giữ được khá nguyên vẹn. Điều đó tạo nên nét riêng đặc sắc và sức hấp dẫn của vùng đất này. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu đó đang được các cấp chính quyền địa phương quan tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem