Tân An (Long An): Nông nghiệp đô thị lên ngôi

P.V Thứ hai, ngày 06/01/2020 05:00 AM (GMT+7)
TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Long An; được xem là đô thị vệ tinh của TP.HCM và là đô thị cửa ngõ vùng ĐBSCL. Vì thế, khi xây dựng NTM, chính quyền thành phố xác định sẽ dựa trên nền đô thị để phát triển khu vực nông thôn.
Bình luận 0

TP.Tân An có 14 đơn vị hành chính, trong đó có 5 xã: An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Hướng Thọ Phú, Nhơn Thạnh Trung, Lợi Bình Nhơn nằm trong lộ trình xây dựng NTM. Hiện, Tân An đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, đang trình T.Ư công nhận.

Đô thị trong lòng nông thôn

img

Nông nghiệp công nghệ cao sẽ là chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp của TP.Tân An thời gian tới.  Ảnh: C.L

Theo UBND TP.Tân An, tổng kinh phí huy động xây dựng NTM từ năm 2011-2018 hơn 295 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hơn 230 tỷ đồng. Vốn vay tín dụng hơn 17,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp hỗ trợ trên 30 tỷ đồng và nhân dân đóng góp gần 16,5 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Văn Nhịn - Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An, hiện nay việc quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn các xã theo đồ án quy hoạch chung của TP.Tân An đến năm 2030. Các đồ án quy hoạch xây dựng NTM và các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng trên địa bàn các xã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng NTM, thành phố đã sớm chỉ đạo các xã lập các quy hoạch xây dựng NTM từ năm 2013. Các quy hoạch luôn được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” - ông Nhịn chia sẻ.

Năm 2011, khi triển khai Chương trình NTM, TP.Tân An có 4/5 xã chưa đạt tiêu chí giao thông. Xác định phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là yêu cầu cấp thiết góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường giao thông đã được đầu tư nâng cấp. Hiện hầu hết các đường trục xã, trục ấp, ngõ xóm của các xã đã được nhựa hay bêtông hóa.

Ông Nguyễn Văn Lựa (ấp Nhơn Trị 2, xã Nhơn Thạnh Trung) cho biết, trước đây, đường giao thông trên địa bàn xã đi lại rất khó khăn do nắng thì bụi, mưa thì lầy. Nhưng, nhờ chủ trương xây dựng NTM nên các con đường, như Lê Minh Xuân, Trần Công Oanh... đã được nhựa hóa, lắp đèn chiếu sáng và camera giám sát an ninh trật tự…

Cũng như đường giao thông, khi bắt đầu xây dựng NTM có 4/5 xã không đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Để chuẩn hóa nhà ở dân cư, trong những năm qua, thành phố đã phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ, kêu gọi ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ các hộ nghèo, người có công với cách mạng xây dựng nhà ở. Nhờ đó đến cuối năm 2018, trên địa bàn các xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Hơn 93% số nhà ở dân cư ở các xã đạt chuẩn.

Trong xu thế đô thị hóa nông thôn, lĩnh vực kinh doanh, sản xuất với thương mại - dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã phát triển khá nhanh tại khu vực nông thôn TP.Tân An. Theo UBND TP.Tân An, trong giai đoạn 2011 - 2018, tốc độ tăng trưởng các lĩnh vực này là 11%/năm. Năm 2018, ngành dịch vụ khu vực nông thôn đạt hơn 3.600 tỷ đồng (hơn 18% tổng giá trị kinh tế của thành phố). Hiện trên địa bàn 5 xã có hơn 260 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 1.000 hộ kinh doanh… Thu nhập bình quân của khu vực nông thôn TP.Tân An từ 54 - 67 triệu đồng/người/năm.

Nông nghiệp đô thị lên ngôi

Theo ông Nhịn, hiện nay các xã của TP.Tân An đang trong giai đoạn nâng chất các tiêu chí NTM. Về quy hoạch, tiếp tục thực hiện quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với các xã, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và chuyển đổi các xã đủ điều kiện lên phường.  “Trước mắt, phấn năm 2020, xã Bình Tâm và Bình Lợi Nhơn được công nhận thành lập phường” - ông Nhịn thông tin.

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, ông Nhịn cho biết, sẽ đẩy mạnh đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. “Đô thị hóa, công nghiệp hóa, lĩnh vực dịch vụ - thương mại sắp tới sẽ phát triển rất nhanh khi thành phố đã lên đô thị loại II. Đất dành cho nông nghiệp sẽ teo tóp dần. Vì thế, chủ trương của thành phố là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị để khai thác quỹ đất nhỏ nhưng lợi nhuận cao. Thành phố sẽ xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi gái trị hàng hóa…” - ông Nhịn cho biết.

Cùng với đẩy mạnh triển khai đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP.Tân An cũng  triển khai đề án phát triển nông nghiệp ven đô. Theo đó, sẽ phát triển diện tích trồng thanh long VietGAP lên 900ha vào năm 2020; rau màu tăng 160ha…

Theo Ủy ban MTTQ TP.Tân An, vừa qua thành phố đã cho lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Kết quả, có 99,6% số người dân được hỏi cho biết hài lòng với kết quả xây dựng NTM của thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem