Sức khỏe quý ông: 9 chỉ số quan trọng giúp tầm soát ung thư và nâng cao chất lượng sống

Gia Bách Thứ tư, ngày 23/02/2022 19:31 PM (GMT+7)
Rất nhiều nam giới chỉ đi bệnh viện khám sức khỏe lần đầu ở độ tuổi 50, có thể do chủ quan về khả năng của bản thân hoặc sợ hãi bệnh viện. 9 chỉ số dưới đây nếu được kiểm soát và kiểm tra định kỳ sẽ giúp người đàn ông khỏe mạnh, tầm soát ung thư và nâng cao chất lượng sống.
Bình luận 0

Hôm nay, bác sỹ Hạ Hồng Cường – Khoa Nam học và Y học giới tính – Bệnh viện đại học Y Hà Nội sẽ chia sẻ vấn đề này.

9 chỉ số quan trọng giúp tầm soát ung thư và nâng cao chất lượng sống

1. Kiểm tra đường máu (kiểm tra hàng năm)

Bệnh tiểu đường, một căn bệnh mãn tính đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng khác như tổn thương thận và rối loạn cương dương do tổn thương thần kinh.

Kiểm tra định kỳ các chỉ số quan trọng để giúp tầm soát ung thư và nâng cao chất lượng sống. Ảnh: Pixabay

Kiểm tra định kỳ các chỉ số quan trọng để giúp tầm soát ung thư và nâng cao chất lượng sống. Ảnh: Pixabay

Kiểm tra đường huyết hàng năm được coi là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh tiểu đường trước khi bệnh gây nhiều biến chứng. Nhiều nam giới mới mắc bệnh tiểu đường có thể được quản lý một cách thích hợp bằng chế độ ăn uống và tập thể dục và sử dụng các thuốc hạ đường huyết.

2. Kiểm tra da (hàng năm)

Nam giới có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da hoặc từng bị cháy nắng đáng kể khi còn trẻ, có nguy cơ cao bị ung thư da. Ung thư da có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi. Điều rất quan trọng là phải được bác sĩ da liễu kiểm tra da hàng năm. Ở nhà, đàn ông nên theo dõi kỹ các nốt ruồi và vết bớt của mình, vì những thay đổi nhỏ có thể cho thấy căn nguyên.

3. Kiểm tra PSA (hàng năm)

Tại Mỹ, cứ 7 người đàn ông thì có một người bị ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ung thư da, đây là dạng ung thư phổ biến nhất ở nam giới Mỹ. Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt, hoặc xét nghiệm nồng độ PSA trong máu, cùng với khám trực tràng kỹ thuật số (DRE), là cách tốt nhất để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt.

Tất cả đàn ông từ 50 đến 70 tuổi nên được kiểm tra hàng năm, nếu một người đàn ông có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc tiền sử không rõ, thì nên bắt đầu xét nghiệm PSA ở tuổi 40.

4. Nội soi đại tràng (3 năm 1 lần)

Nội soi đại tràng được chỉ định thực hiện cho nam giới (và phụ nữ) trên 50 tuổi, đó là thời điểm nguy cơ ung thư đại tràng tăng lên. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiền sử bệnh viêm ruột hoặc chế độ ăn nhiều mỡ động vật.

"Nếu một người đàn ông không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng, thì nên thực hiện nội soi đại tràng tầm soát ở tuổi 50. Các cuộc nội soi trong tương lai được thực hiện từ 3 đến 10 năm một lần, dựa trên kết quả của mỗi lần nội soi".

Còn nếu nam giới có tiền sử gia đình có người bị ung thư đường tiêu hóa, hoặc tiền sử polyp đại tràng, các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi với tần suất dày hơn, có thể là hàng năm.

5. Kiểm tra huyết áp và cholesterol (4 năm 1 lần)

Huyết áp cao là nguyên nhân số một dẫn đến đột quỵ ở nam giới, nếu không được kiểm soát sẽ rất nghiêm trọng. Cholesterol cao cũng có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch nghiêm trọng, như đau tim hoặc đột quỵ.

Việc xét nghiệm kỹ lưỡng các thông số mỡ máu, chức năng gan thận, đường máu… là rất cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong lương lai. Đàn ông từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra mỡ máu của họ từ 3 đến 5 năm một lần, và sau đó hàng năm sau khi 50 tuổi.

6. Siêu âm tim (nên thực hiện khi có cơ hội)

Sống một lối sống lành mạnh hơn để ngăn ngừa bệnh tật.

• Tập thể dục: Tập ba đến bốn lần mỗi tuần, 30 đến 45 phút/lần

• Chế độ ăn uống cân bằng: Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo

• Uống đủ nước

• Không hút thuốc

• Hạn chế uống rượu

• Ngủ: Ít nhất bạn cần khoảng 7h mỗi đêm .

Nhiều yếu tố nguy cơ chết người ở tim được phát hiện bằng xét nghiệm cholesterol đơn giản và theo dõi huyết áp, cũng như quản lý cân nặng. Nhưng nếu tiền sử gia đình có người bị bệnh tim, hoặc nếu bạn đã biết là tăng cholesterol hoặc huyết áp cao, siêu âm tim hoặc kiểm tra điện tâm đồ có thể đảm bảo rằng không có tổn thương tim nguy hiểm.

7. Kiểm tra men gan (nên thực hiện khi có cơ hội)

Xét nghiệm men gan là một phần của xét nghiệm máu tiêu chuẩn và tìm kiếm bất kỳ tổn thương nào đối với gan có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Nam giới rất cần được kiểm tra men gan, vì chúng có thể tăng cao do thuốc không kê đơn, uống rượu, rối loạn viêm nhiễm, nhiễm virus viêm gan, rối loạn tuyến giáp, béo phì và một số độc tính.

8. Kiểm tra TSH (thực hiện khi có cơ hội)

Tuyến giáp giải phóng các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất của mọi tế bào trong cơ thể bạn. Bất kỳ sự thay đổi nào trong nội tiết tố mà nó tạo ra đều có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của một người đàn ông, và gây ra tăng cân, thờ ơ, kiệt sức hoặc mệt mỏi.

Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) để kiểm tra chức năng tuyến giáp của bạn. "Rất nhiều triệu chứng của tuyến giáp kém hoạt động hoặc hoạt động quá mức lại là những triệu chứng mà nhiều người đàn ông cảm thấy là 'một phần của cuộc sống'. Nhưng nếu xét nghiệm cho thấy những bất thường, nam giới cần phải được điều trị.

9. Khám sàng lọc phổi (thực hiện khi có cơ hội)

Ung thư phổi là loại ung thư có thể phòng ngừa được nhiều nhất trong số các loại ung thư. 90% bệnh nhân ung thư phổi gặp ở những người hút thuốc. Những người còn lại thường là những người có khuynh hướng di truyền, hoặc những người đã tiếp xúc với khói thuốc hoặc hóa chất độc hại.

Ung thư phổi có thể phát hiện ngẫu nhiên trên phim chụp Xquang hoặc phim cắt lớp vi tính phổi khi khám các bệnh khác. Việc tầm soát ung thư phổi đang gây tranh cãi, vì các hình thức quét được chấp nhận tốt đều có hàm lượng bức xạ cao. Các chuyên gia về ung thư phổi đang xem xét phương pháp quét CAT liều thấp hơn, có thể là tương lai của việc tầm soát ung thư phổi. Chụp X-quang phổi hàng năm không được khuyến khích như một công cụ sàng lọc.

Chuyên đề "Sức khỏe quý ông" được tòa soạn báo điện tử Dân Việt bắt đầu triển khai từ ngày 15/9/2021 đều đặn vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Không chỉ dữ liệu khoa học, các câu chuyện, tình huống được đề cập trong bài viết là hoàn toàn có thật, là cơ sở tin cậy để bạn đọc tham khảo.

Chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc không dễ chia sẻ của đấng mày râu, từ đó giúp các anh hướng đến "phong độ, bản lĩnh" trước phái đẹp, cũng như tâm lý vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem