Số vụ bạo lực tăng 40% trong đại dịch Covid-19

Doãn Nhàn - Thùy Anh Thứ ba, ngày 14/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đó là những con số biết nói, được Ngôi nhà Bình yên (Hội LHPN Việt Nam) công bố trong tọa đàm trực tuyến "Nỗi đau "vô hình" – Nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình".
Bình luận 0

Bạo lực tinh thần chẳng kém gì một đại dịch

Theo thống kê, gần 63% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời. Đáng chú ý, gần một nửa số phụ nữ trong đó (47%) từng trải qua bạo lực tinh thần. 

Đó là con số thống kê tình trạng bạo lực tinh thần ở phụ nữ trước dịch (theo Báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019). Tình trạng bạo lực tinh thần có xu hướng gia tăng trầm trọng hơn trong thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19.

Bạo lực tinh thần là chủ đề được bàn luận tại buổi tọa đàm

Các đại biểu chia sẻ câu chuyện về bạo lực tinh thần. Ảnh: Doãn Nhàn

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Nỗi đau "vô hình" – Nhận diện và ứng phó với bạo lực tinh thần, hành động ngay để bảo vệ bạn và gia đình" vừa diễn ra, nhiều câu chuyện bạo lực tinh thần được tái hiện, khắc họa một cách chân thực thông qua nghệ thuật múa đương đại và chia sẻ trực tiếp của nạn nhân đã từng trải qua bạo lực tinh thần tại Ngôi nhà Bình yên – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

"Người ta thường nói giông bão ở bên ngoài cánh cửa, nhưng đối với mình, giông bão ở ngay chính sau cánh cửa ngôi nhà của mình" - đó là tâm sự tuyệt vọng của đẩy của một nạn nhân đã từng trải qua bạo lực tinh thần. 

Nạn nhân phải trải qua cuộc sống hôn nhân "nước mắt nhiều hơn tiếng cười", bắt đầu từ những câu chửi bới, chì chiết sau men rượu, tới kiểm soát cuộc sống cá nhân, đem con trẻ ra uy hiếp...: "Sự nhún nhường của mình đã tiếp nối cho hắn, lần này tới lần khác, cứ như thế kéo dài hơn 20 năm. Mình cảm thấy tinh thần thực sự bất ổn, rất sợ hãi. Cảm giác như mình buông xuôi tất cả, con tim đã đứt hoàn toàn...".

"Bạo lực tinh thần là một quá trình diễn ra liên tục. Không chỉ một lần, bạo lực tinh thần là một hành vi có hệ thống và lặp đi lặp lại. Nó bao gồm việc đe dọa, sỉ nhục; cách ly nạn nhân khỏi bạn bè và gia đình; thao túng tình cảm, gaslighting - một hành vi phủ nhận sự thật khiến nạn nhân nghi ngờ bản thân, trí nhớ và sự hiểu biết của họ về cuộc sống. Cuối cùng, nạn nhân trở nên phụ thuộc vào kẻ lạm dụng và cố gắng tìm kiếm những sự hỗ trợ và xác nhận tinh thần từ kẻ lạm dụng".

Bà Shirel Levi - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam

Không dễ nhận biết như bạo lực thể chất, nhưng bạo lực tinh thần cũng gây ra những tổn thương tâm lý cực kỳ nghiêm trọng. Theo bà Lê Thị Ngọc Bích – Chuyên gia tham vấn Ngôi nhà Bình yên, bạo lực tinh thần đang ngày càng phổ biến ở xã hội hiện đại. Bạo lực tinh thần có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt học vấn, tuổi tác, địa vị xã hội...

"Trong suốt 14 năm hoạt động, Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận hàng chục nghìn phụ nữ bị bạo lực tinh thần. Các nạn nhân đa dạng độ tuổi, và họ đến từ 50/63 tỉnh thành trên cả nước", bà Bích cho biết.

Những áp lực kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới gia tăng nhanh chóng trong đại dịch. "Năm 2020, tỷ lệ tiếp cận đường dây nóng của Ngôi nhà Bình yên tăng lên 7 lần. 4 tháng đầu năm 2021 tăng lên tới hơn 40 lần so với cùng kỳ năm trước. Trên thế giới, bạo lực giới với phụ nữ tăng từ 30-300%. Với tốc độ gia tăng đáng báo động như vậy, chúng tôi gọi đó là đại dịch bóng tối. Bởi vì bạo lực tinh thần diễn ra vô hình nhưng hậu quả mà nó để lại chẳng kém gì một đại dịch", bà Vũ Phương Ly - chuyên gia chương trình cao cấp UNWomen tiết lộ con số thống kê đáng kinh ngạc.

Giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực tinh thần

Trang bị đầy đủ kiến thức về bạo lực tinh thần để bảo vệ bản thân

Phụ nữ cần trang bị đầy đủ kiến thức về bạo lực tinh thần để bảo vệ bản thân. Ảnh: M.H

Theo đó, để ngăn chặn tình trạng bạo lực tinh thần, trong suốt 14 năm hoạt động Ngôi nhà Bình yên đã có nhiều hỗ trợ tích cực giúp các nạn nhân. Bác sĩ Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh: "Chúng ta cần có vaccine tinh thần. Phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tinh thần nếu trang bị những kiến thức đúng và đầy đủ".  

Cụ thể, để có thể phòng tránh vấn nạn này, phụ nữ trang bị cho mình sức khỏe về thể chất và tinh thần thật đầy đủ. "Chúng ta biết cách tô màu tích cực cho bức tranh cảm xúc của mình chính là yếu tố quan trọng giúp hạn chế các tác động xấu từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, phụ nữ cần nhận thức đầy đủ kiến thức về bạo lực trước khi chính mình trở thành nạn nhân. Khi chúng ta có sự chuẩn bị tốt, biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, người thân, các tổ chức tin cậy,... thì khả năng tự bảo vệ bản thân sẽ cao hơn", bác sĩ Nguyễn Thu Giang chia sẻ thêm.

Cuối cùng, tại sự kiện, những đại biểu, khách mời tham dự chương trình và khán giả theo dõi chương trình qua livestream đã cùng nhau thực hiện cam kết xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua những hành động cụ thể.

"Thông qua chương trình, các chuyên gia mong muốn cộng đồng, xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề bạo lực gia đình, trong đó có việc nhận diện và ứng phó với với bạo lực tinh thần - một hình thức bạo lực âm thầm hành hạ nạn nhân một cách vô hình, không để lại dấu vết nhận biết như bạo hành thể chất thậm chí chính người bạo hành còn không nhận ra song nó để lại hậu quả rất nặng nề cho các nạn nhân", bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nói.

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem