Sinh hoạt văn hóa của người Pú Nả ở Lai Châu không thể thiếu vật dụng này

Thanh Ngân Thứ sáu, ngày 08/09/2023 18:30 PM (GMT+7)
Nhắc đến văn hóa truyền thống của người Pú Nả ở Lai Châu, không thể không nói đến nghệ thuật hát ống. Chỉ bằng những công cụ thô sơ, sẵn có trong tự nhiên, người Pú Nả đã sáng tạo ra loại hình hát ống độc đáo và không kém phần cuốn hút.
Bình luận 0

Nét độc đáo của nghệ thuật hát ống

Người Pú Nả (thuộc nhóm dân tộc Giáy), còn có tên gọi khác như: Nhắng, Dắng, Cùi Chu... Ở Lai Châu, người Pú Nả sinh sống tập trung ở xã Bản Giang (huyện Tam Đường); xã San Thàng và phường Đông Phong (thành phố Lai Châu).

Theo truyền thống, người Pú Nả thường sống ở nơi có địa hình bằng phẳng, dọc theo các dòng sông, con suối để thuận tiện canh tác lúa nước, khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng, sông suối.

Clip: Độc đáo nghệ thuật hát ống của người Pú Nả ở Lai Châu

Văn hóa người Pú Nả được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa sắc màu về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu.

Hát ống là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng người Pú Nả. Hát ống chính là lối hát ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian. Hát ống mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống, hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người dân. Điểm độc đáo của loại hình này là người dân sử dụng những chiếc ống hát tự làm, sẵn có trong thiên nhiên. Đó là  những ống tre nứa, được nối với nhau bằng sợi chỉ lanh. Sợi lanh có tác dụng truyền âm, còn ống hát mang lại cho người xem cảm giác duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.

Độc đáo nghệ thuật hát ống của người Pú Nả ở Lai Châu - Ảnh 2.

Hát ống là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng người Pú Nả. (Ảnh: Tuấn Hưng)

Với hình thức hát đối đáp, giao duyên, kết bạn, mỗi câu hát thể hiện tài ứng khẩu rất thông minh, dí dỏm, hát đi hát lại nhiều lần. Trước đây, trong hình thức hát ống thường là 1 đôi nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nam nữ hoặc 2 đôi nam nữ hát với nhau. Tiếng hát giúp quên đi mệt mỏi sau những ngày lao động mệt nhọc. Cứ như thế, bao nhiêu đời nay mỗi khi vui, lúc buồn người dân nơi đây lại cất cao những lời hát ngọt ngào mà mộc mạc.

Ông Vàng Văn Kèo, ở bản Tủa Xin Chải (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) cho biết: Cấu tạo của ống hát rất đơn giản. Ống hát thường được làm bằng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như ống tre, nứa, được cắt ngắn khoảng 20 cm đường kính 10 cm. Một đầu để hở còn một đầu được bịt kín,  có một sợi chỉ lanh chạy xuyên qua hai ống hát để nối với nhau và có tác dụng truyền âm. Khi hát, người hát sẽ hát vào một ống, người nghe kéo căng sợi dây và úp ống còn lại vào tai.

Độc đáo nghệ thuật hát ống của người Pú Nả ở Lai Châu - Ảnh 3.

Hát ống chính là lối hát ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian. (Ảnh: Tuấn Hưng)

Trước đây, hát ống thường diễn ra ở các lễ hội hay phiên chợ đông người hoặc ngoài trời, trên nương. Sợi dây hát ống có thể dài chục mét hoặc vài chục mét,  từ bãi nương này sang bãi nương khác. Cứ thế, sợi tơ mỏng manh khẽ rung lên, truyền đi những âm thanh giai điệu ngọt ngào, tựa như phát ra từ loa nhỏ, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú và say mê.

"Đối với nhiều người Pú Nả, từ tấm bé đã hay nghe các bà, các mẹ hát với nhau. Từ đó hiểu được ý nghĩa và thuộc các bài hát truyền thống. Trong ký ức của các già làng người Pú Nả vẫn ghi nhớ hình ảnh những buổi hội làng, hội bản, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh, nữ tú lại ngân nga những câu hát đượm tình quê hương, thắm tình người. Ðã có nhiều mối  duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy" – ông Kẻo chia sẻ.

Trăn trở phục dựng lại nghệ thuật hát ống

Không chỉ độc đáo ở hình thức, hát ống còn thú vị ở chỗ, tùy hoàn cảnh, tùy hứng thú mà người hát còn có thể thêm bớt từ ngữ, biến đổi sao cho linh hoạt dựa trên những câu hát cổ, hoặc là sáng tác thêm.

Độc đáo nghệ thuật hát ống của người Pú Nả ở Lai Châu - Ảnh 4.

Ống hát được làm từ những vật liệt có sẵn trong thiên nhiên như tre, nứa. (Ảnh: Tuấn Hưng)

Trước đây, ở các bản người Pú Nả, hầu hết mọi người đều biết hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống. Hát ống là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến, thường ngày. Nhưng đến nay, số người còn nhớ các bài hát và biết hát ống còn rất ít, phần lớn là những người đã cao tuổi. Giới trẻ đã không mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc, thậm chí, nhiều người  còn không thuộc một bài hát dân ca truyền thống của dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ nghệ thuật hát ống bị mai một.

Nghệ nhân lưu giữ loại hình hát ống trong cộng đồng người Pú Nả ở Lai Châu hiện nay không còn nhiều. Tuy vậy, cũng vẫn còn những nghệ nhân, nhiều người sưu tầm tâm huyết, dày công kiên trì, tìm hiểu và ghi chép lại những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca và các hình thức diễn xướng truyền thống trong cộng đồng người Pú Nả.

Độc đáo nghệ thuật hát ống của người Pú Nả ở Lai Châu - Ảnh 5.

Người Pú Nả ở Lai Châu có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có nghệ thuật hát ống. (Ảnh: Tuấn Hưng)

Nghệ nhân Lò Văn Chiến, ở bản Tả Xin Chải (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) đã dành thời gian dài nghiên cứu văn hóa của người Pú Nả. Ông đã tìm ra phương pháp để tập hợp cả tộc người cùng chung tay gìn giữ âm nhạc cổ truyền. Ông cũng là người đóng góp nhiều trong việc truyền dạy di sản cho các thế hệ sau.

Ông Chiến kể: "Thuở nhỏ, tôi thường được bố đưa đi nghe hát khắp bản này, mường kia. Có những cuộc hát kéo dài thâu đêm suốt sáng, bản nào có người ca hay, hát giỏi thì hãnh diện lắm. Cũng chính từ những cuộc hát đối mà nhiều đôi nên duyên, cha mẹ tôi cũng thành đôi từ những lần hát như thế".

Theo nghệ nhân Lò Văn Chiến, bản chất của hát ống là hát ví von về các chủ đề: Tình yêu lứa đôi, chào khách, mời thuốc, mời rượu, chọn giống tốt gieo hạt… Những câu hát mộc mạc như: "Ngày nắng lại ngày mưa/ Ngày mưa nhìn chân trời/ Nắng mưa nhìn chân núi/ Mưa lại kèm theo gió/ Gió thổi trên mặt hồ…. Hay: Không biết nàng thức không/ Nắng xiên để nàng thức/ Nắng xiên để nàng dậy…."

Đến nay, nghệ nhân Lò Văn Chiến đã xuất bản hàng chục đầu sách về văn hóa Pú Nả. Một trong những điều mà bao lâu nay ông vẫn trăn trở là phục dựng lại tục hát ống xưa cho thế hệ hôm nay. Thế nên, trong những ngày lễ hội của bản, ông lại tỉ mẩn tìm các vật dụng làm ống hát và giảng giải cho con cháu về tục hát ống của dân tộc mình.

Ông Chiến hy vọng, với bản sắc độc đáo và sức lan tỏa mạnh mẽ, tục hát ống của người Pú Nả sẽ không bị lãng quên mà sẽ được phục dựng, bảo tồn, phát huy, làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem