Siêu thị tiếp tục ra đường bán thịt cá, cả nghìn điểm bán thực phẩm mọc khắp TP.HCM

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 20/07/2021 14:19 PM (GMT+7)
Các siêu thị tiếp tục "xuống đường" bán rau củ, thịt cá các loại, cả nghìn điểm bán thực phẩm đang mọc lên tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.
Bình luận 0

Siêu thị tiếp tục ra đường bán thịt cá

Sáng 20/7, các chuyến xe chở thực phẩm của hệ thống siêu thị Aeon tại TP.HCM tiếp tục lăn bánh đến 6 điểm bán tại các quận 1, 6, 7, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh. Từ giữa tháng 7 đến nay, siêu thị này đã tổ chức nhiều chuyến xe lưu động như vậy để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.

Siêu thị tiếp tục ra đường bán thịt cá, cả nghìn điểm bán thực phẩm mọc khắp TP.HCM - Ảnh 1.

Người dân mua hàng tại điểm bán lưu động của siêu thị Aeon sáng 20/7 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Xếp hàng chờ tính tiền tại điểm bán số 2, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1 sáng nay, bà Ngọc Dung (quận 1) cho biết giỏ hàng có rau xanh, bầu bí, mướp và cá, mỗi thứ một ít.

"Mấy ngày qua, đi siêu thị, Bách Hóa Xanh rất khó mua hàng, không phải cái gì cũng còn. Điểm bán lưu động thế này rất hay, không gian thoáng, y chang đi siêu thị bởi muốn mua thực phẩm gì cũng có", bà nói.

Tại đây, dưa leo, cà chua, bầu bí, thịt gà, cá các loại, trái cây, bánh mì… đều có đầy đủ. Người dân mua sắm giãn cách. Ngoài ra, nhiều người cũng xếp hàng chờ đến lượt để mua sắm. Đến cận trưa, hàng hóa vẫn còn rất nhiều, chưa có hiện tượng trống quầy.

Đại diện Aeon cho biết các chuyến xe lưu động này được tổ chức thông qua sự hỗ trợ từ Sở Công Thương TP.HCM và các quận huyện. Địa điểm có thể thay đổi từng ngày theo lộ trình bố trí của Sở và cơ quan chức năng địa phương, hầu hết là khu đông dân cư, khu nhiều chợ đang tạm đóng, khu phong tỏa.

"Aeon Việt Nam đã và đang tiếp tục tăng cường triển khai các xe bán hàng lưu động hỗ trợ giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân", đại diện doanh nghiệp nói.

Nhiều hệ thống siêu thị khác như Co.opmart, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh… cũng đã quyết định đưa các xe lưu động "xuống đường" để bán hàng cho người dân trong các khu vực đông dân cư, nơi đang tạm phong tỏa.

Hơn nghìn điểm bán thực phẩm đang hoạt động tích cực

Không chỉ các siêu thị, những ngày qua, nhiều hệ thống nhà thuốc, mỹ phẩm, siêu thị bán đồ mẹ và bé, bưu điện, doanh nghiệp logistics… tại TP.HCM cũng đều vào cuộc, lấy mặt bằng kinh doanh thành nơi bán thực phẩm.

Làm việc tại một hệ thống mỹ phẩm lớn được nhiều người yêu thích, chị Trinh cho biết kể từ khi tạm ngưng hoạt động tại các cửa hàng để phòng dịch, nhận được đề nghị hỗ trợ làm điểm bán thực phẩm, chị và nhiều nhân viên gật đầu nhận lời ngay. 

"Sở Công Thương TP kết nối cho chúng tôi nơi lấy rau củ quả tại vườn, mình chuyển về, bán theo combo và giá chỉ 25.000 đồng/kg. Người dân đón nhận rất nhiều tình vì dễ mua, dễ bán. Trong lúc khó khăn, mọi sự hỗ trợ đều cần thiết, chúng tôi hỗ trợ được bao nhiêu hay bấy nhiêu", chị nói.

Siêu thị tiếp tục ra đường bán thịt cá, cả nghìn điểm bán thực phẩm mọc khắp TP.HCM - Ảnh 3.

Nhân viên cửa hàng mỹ phẩm chuyển sang bán rau củ quả đồng giá cho người dân. Ảnh: Hồng Phúc.

Hơn 2/3 chợ truyền thống tại TP.HCM vẫn còn ngưng hoạt động, để người dân có thêm nơi mua hàng thay vì chỉ đổ dồn vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm, Sở Công Thương TP.HCM đã đặt vấn đề với doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ, góp phần thực hiện giải pháp phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng.

Tính đến nay, các điểm bán hàng này đã vượt con số 1.000 phủ khắp các quận huyện. Trong đó có 1.000 điểm bán của Vinshop, 150 điểm bán của hệ thống Con Cưng, 67 điểm bán của Công ty Guardian Việt Nam, 300 điểm bán của Pharmacity, 36 điểm bán của Công ty Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín.

Các hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính trên địa bàn cũng được linh động phát huy để cùng tham gia hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm với Viettel Post, Vietnam Post, Công ty giao hàng nhanh GHN, Công ty giao hàng tiết kiệm GHTK, Công ty Supership Việt Nam, Proship, Koina, Công ty vận chuyển Nhất Tín, Công ty kho lạnh ABA, Công ty giải pháp chuỗi cung ứng One Mount.

Nhiều hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng khác như hệ thống mỹ phẩm The Face Shop (Hoa Sen Viet Group), chuỗi nhà hàng Pizza4Ps, chuỗi Anh Văn Yola, Hoa Yêu Thương cũng được vận động tham gia chương trình, sẵn sàng chuyển đổi tạm thời công năng, sử dụng các kho sẵn có cùng tham gia cung cứng rau củ quả, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân qua các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế trong lúc kênh phân phối truyền thống đang bị đứt gãy. Dự kiến các điểm bán này sẽ bán cho đến khi các chợ truyền thống hoạt động lại. TP.HCM cũng đang thúc các quận huyện sớm lên phương án tổ chức chợ hoạt động lại, gửi về UBND TP trước ngày 23/7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem