Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nêu 5 yếu tố tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam

PV Thứ bảy, ngày 11/06/2022 19:58 PM (GMT+7)
Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang khẳng định: Thế giới và khu vực hòa bình cần đến sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, cần đến sự hợp tác phát triển, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc, chuẩn mực, luật pháp, các cam kết và cơ chế hợp tác, quốc tế.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2022, chiều 11/6, tại phiên thảo luận "Hiện đại hóa quân sự và năng lực quốc phòng", Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài phát biểu với chủ đề "Tăng cường khả năng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc".

Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ quan điểm của Việt Nam, tăng cường tiềm lực quốc phòng là nâng cao sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân và toàn thể hệ thống chính trị; nâng cao sức mạnh tổng hợp toàn diện, cả tiềm lực chính trị, tinh thần, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ; chứ không đơn thuần là nâng cao sức mạnh quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nêu 5 yếu tố tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam - Ảnh 1.

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 4. Ảnh: qdnd.vn

"Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà là nâng cao sức mạnh quốc phòng trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng, quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang" – Bộ trưởng nói.

"Tăng cường khả năng quốc phòng thể hiện cả ở xây dựng tổ chức, biên chế, trang bị, nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, cơ sở bảo đảm hậu cần thường xuyên được duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc".

5 yếu tố tang cường tiềm lực quốc phòng

Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu lên 5 yếu tố tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam:

Trước tiên và then chốt là xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tinh thần, với quan điểm "người trước, súng sau"; có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống quân sự, quốc phòng.

Hai là, xây dựng Quân đội hiện đại về tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, có cơ cấu hợp lý giữa các thành phần lực lượng, phù hợp với vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cả lực lượng chính quy, lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và lực lượng dân quân, tự vệ, là nhân tố quyết định để phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân.

Ba là, nghiên cứu phát triển khoa học, lý luận, nghệ thuật quân sự Việt Nam tiên tiến, hiện đại, phù hợp với chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự với các hình thức tác chiến trong thời đại công nghệ phát triển như ngày nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nêu 5 yếu tố tăng cường tiềm lực quốc phòng của Việt Nam - Ảnh 2.

Bốn là, phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, tự cường và mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác tiềm năng. Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trương phát triển nền công nghiệp quốc phòng không chỉ phục vụ mục đích quân sự, mà còn phục vụ nhu cầu dân sinh, với các công nghệ, sản phẩm lưỡng dụng; như thế, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng quốc phòng để làm tròn nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, theo đúng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất".

Bộ Quốc phòng Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Triển lãm công nghiệp quốc phòng vào cuối năm nay, với mong muốn đối tác các nước có thể gặp gỡ, giao lưu và mở ra các cơ hội hợp tác cùng phát triển.

Năm là, để tăng cường khả năng quốc phòng, đương nhiên không thể thiếu hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chủ trương chỉ tập trung hiện đại hóa vũ khí, trang bị quân sự để phục vụ mục đích bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình.

Tăng cường lòng tin chiến lược

Bộ trưởng nhấn mạnh lại rằng, nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ. Tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương tăng cường khả năng quốc phòng bằng nội lực và điều kiện, khả năng của mình, không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đối với tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam kiên trì, kiên quyết nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cam kết thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn hướng tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Tăng cường năng lực quốc phòng, nếu không minh bạch, sẽ rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm; nếu không vì mục đích chính nghĩa, rất dễ kéo theo chạy đua vũ trang. Hệ lụy là, lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm, cạnh tranh chiến lược gia tăng, nguy cơ đối đầu hiện hữu, an ninh truyền thống phức tạp, chiến tranh, xung đột tiềm ẩn, khó lường. Mặt khác, chạy đua vũ trang tất yếu sẽ tiêu tốn nguồn lực quốc gia, mà lẽ ra, có thể sẽ tốt hơn nếu những nguồn lực quốc gia ấy được dành cho phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các mối đe dọa an ninh phi truyền thống để chăm lo đời sống và hạnh phúc của người dân.

Với Việt Nam, xây dựng và tăng cường khả năng quốc phòng không gì khác mục đích bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân.

Bộ trưởng nói: Chúng ta mong muốn thế giới, khu vực hòa bình, chúng ta sẽ cần đến sự tin cậy chính trị và lòng tin chiến lược, cần đến sự hợp tác phát triển, trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc, chuẩn mực, luật pháp, các cam kết và cơ chế hợp tác, quốc tế.

Các diễn đàn quốc tế như Đối thoại Shangri-La luôn là cơ hội để gặp nhau, để cùng nhau chia sẻ, hiểu nhau, và tin tưởng nhau hơn; để mở ra các cơ hội thiết lập quan hệ, hợp tác cùng phát triển; vì một thế giới hòa bình, vì thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem