Sàn thương mại điện tử, cơ hội mới cho tiêu thụ sản phẩm nông sản ở Bắc Kạn

Chiến Hoàng Thứ ba, ngày 21/06/2022 09:34 AM (GMT+7)
Song song với việc tiêu thụ sản phẩm theo phương thức truyền thống, tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nhỏ lẻ tiếp cận với sàn thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử đang được các doanh nghiệp, HTX tại Bắc Kạn đặc biệt quan tâm.
Bình luận 0

Tiếp cận với sàn thương mại điện tử

Từ việc tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sản xuất cùng các hộ kinh doanh cá thể, tỉnh Bắc Kạn đang từng bước hướng các đơn vị cung ứng tiếp cận với sàn thương mại điện tử, mở ra kênh bán hàng mới giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm  nông sản của Bắc Kạn. 

Sàn Thương mại điện tử, cơ hội mới cho tiêu thụ sản phẩm nông sản ở Bắc Kạn - Ảnh 1.

Giám đốc HTX Yến Dương (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) thực hiện việc đưa sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chiến Hoàng

Thông qua rất nhiều kênh bán hàng, nhiều tấn quýt Bắc Kạn đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn để có mặt trên kệ hàng của một số siêu thị. Đặc biệt, Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp, hỗ trợ HTX Nhung Lũy hoàn thiện thủ tục xuất hàng vào hệ thống siêu thị, cho thấy nỗ lực của tỉnh trong việc tìm kiếm phương thức mới cho việc tiêu thụ sản phẩm tại địa phương này.

Sàn Thương mại điện tử, cơ hội mới cho tiêu thụ sản phẩm nông sản ở Bắc Kạn - Ảnh 2.

Quýt Bắc Kạn được trồng theo hướng VietGAP tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Điển hình là cam quýt, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Kạn với diện tích hơn 3500 ha, sản lượng ước đạt 24 nghìn tấn/năm đã được ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn kết nối, hỗ trợ đàm phán và ký kết tiêu thụ sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị và các nhà máy chế biến hoa quả.

Bí xanh thơm Bắc Kạn thông qua việc livestream tại lễ khởi động Chương trình "Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương vượt qua đại dịch" tại Hà Nội, qua đó được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy mà sản phẩm bí xanh thơm của Bắc Kạn có chỗ đứng nhất định trên thị trường, được các trung tâm thương mại, siêu thị hỗ trợ tiêu thụ.

Theo thống kê, đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015-2020, ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng bình quân 2,4%/năm. Đặc biệt, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản, tổ chức sản xuất đã dần chuyển đổi, tạo liên kết trong sản xuất kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường lớn ở trong nước cũng như xuất khẩu.

Sàn Thương mại điện tử, cơ hội mới cho tiêu thụ sản phẩm nông sản ở Bắc Kạn - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn khi nói về ưu thế của sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn chia sẻ, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều sản phẩm của công ty đã được cho lên nhiều sàn thương mại điện tử, ngoài ra còn trên fanpage facebook, zalo nên việc bán hàng cũng dễ dàng hơn, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 mới bùng phát.

Mở ra hướng tiếp cận mới

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn nhận định, so với thị trường truyền thống, việc tiếp cận khách hàng qua mạng xã hội tốt hơn trước rất nhiều; người dân giờ dùng điện thoại thông minh, tiếp cận đơn giản, hiệu quả cao, có thể nói là cách tiếp cận này tốt hơn là bán hàng truyền thống.

Năm 2021, Tập đoàn Kim Nam đã có sự hỗ trợ trong việc xây dựng sàn thương mại điện tử Bắc Kạn cũng như tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh cá thể. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Bắc Kạn trong việc giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận với kênh bán hàng mới nhiều triển vọng này.

Sàn Thương mại điện tử, cơ hội mới cho tiêu thụ sản phẩm nông sản ở Bắc Kạn - Ảnh 4.

Nỗ lực của tỉnh Bắc Kạn trong việc xây dựng sàn thương mại điện tử thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Kim Nam. Ảnh: Chiến Hoàng

Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ nhiều đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm và giao dịch mua bán trên phạm vi rộng hơn, hiệu quả hơn, chi phí tiết kiệm hơn; hỗ trợ một số đơn vị tham gia đề án xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng nhằm nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử và quản lý online đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng 01 website thông tin giao dịch điện tử ngành Công thương để giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, chào bán sản phẩm của tỉnh.

Một số sản phẩm nông sản như: Gạo bao thai, miến dong, gạo khẩu nua lếch, tinh bột nghệ, nano curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến... đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bắc Kạn còn có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.

Có thể nói, thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ và đang được các doanh nghiệp tại Bắc Kạn quan tâm, đầu tư. Trước xu thế tất yếu khách quan này các doanh nghiệp, HTX tại Bắc Kạn đã chủ động thay đổi, thích ứng nhanh chóng và bước đầu có chỗ đứng cho các các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem