Rét nàng Bân: Nàng Bân có thật không, đợt rét nàng Bân này kéo dài đến bao giờ?

L.V.S Thứ sáu, ngày 01/04/2022 18:07 PM (GMT+7)
Rét nàng Bân là cách gọi mang tính chất như truyện cổ tích trong dân gian về đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam, hay nói chung là cơn rét muộn. vậy
Bình luận 0

Rét nàng Bân là gì và vì sao gọi rét tháng 3 là rét nàng Bân? Theo cách gọi dân gian “rét nàng Bân” là đợt rét cuối cùng của mùa Đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc, Việt Nam. Sau nhiều ngày ấm áp, thậm chí nóng oi tới 32-33 độ C, người dân không khỏi xuýt xoa vì cái rét nàng Bân ùa về.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay 1/4/2022, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngày và đêm nay (1/4), bộ phận không khí lạnh này tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc và Trung Trung Bộ. Đây được nhận định là đợt rét nàng Bân của mùa đông xuân năm nay.

Rét nàng Bân là gì và vì sao gọi rét tháng 3 là rét nàng Bân?

Nguồn gốc tên gọi rét nàng Bân

Trong dân gian có câu “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân” – đó là câu tục ngữ quen thuộc về nét đặc biệt có lẽ chỉ tìm thấy ở khí hậu miền Bắc. Nếu như tháng 1 se lạnh với những cơn mưa phùn thanh nhẹ, tháng 2 đẹp duyên dáng trong sắc hoa xuân tươi tắn thì rét nàng Bân lại là sự kì diệu của tạo hóa ưu ái ban tặng cho tháng 3, khi mà thời tiết đột nhiên trở lạnh ngay giữa những ngày nắng liên tiếp.

Câu chuyện về sự tích nàng Bân

Rét nàng Bân: Nàng Bân có thật không, đợt rét nàng Bân này kéo dài đến bao giờ?  - Ảnh 1.

Rét nàng Bân: Nàng Bân có thật không, đợt rét nàng Bân này kéo dài đến bao giờ?

“Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng, nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân cũng là một người trên thế giới nhà trời.

Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay… Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng buồn lắm.

Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân”.

Một câu chuyện thật cảm động và ý nghĩa. Nó lý giải vì sao rét tháng ba còn được gọi là rét nàng Bân.

Tháng Giêng, tháng Hai thì đã rõ, là cái rét còn sót lại của năm cũ, mùa đông… Cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa mới chớm vào nụ, nắng lên hẳn sẽ bị héo tàn. Thế nhưng, đến tháng Ba, hà cớ chi lại còn rét thêm nữa?

Chắc phải có nguyên do nào đây, bởi vì dân gian vẫn cho rằng, trời đã làm gì, đã sinh ra cái gì, tất cả đều phải cân nhắc kỹ càng, chứ chẳng thể có những chuyện bỗng dưng vô cớ được. Phải chăng cái tên gọi rét nàng Bân cũng từ đó mà ra.

Thời tiết của rét nàng Bân

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì mỗi năm cứ đến độ tháng 3 âm lịch, bộ phận không khí lạnh sẽ bắt đầu tiến gần đến biên giới phía Bắc nước ta.

Rét nàng Bân: Nàng Bân có thật không, đợt rét nàng Bân này kéo dài đến bao giờ?  - Ảnh 2.

Rét nàng Bân sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ, Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ là hai khu vực ảnh hưởng đầu tiên, sau đó đến các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Rét nàng Bân sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ, Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ là hai khu vực ảnh hưởng đầu tiên, sau đó đến các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Theo Dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, rét nàng Bân năm nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi ở khu vực Tây Bắc của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Dự báo: Đêm nay (01/4), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ở Bắc Bộ trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi có nơi dưới 12 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-18 độ.

Trong đất liền gió Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5; ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-5,0m. Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Cà Mau gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m.

Đợt rét nàng Bân này sẽ kéo dài đến bao giờ?

Bà Phạm Phương Chi - Dự báo viên Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đợt không khí lạnh tác động đến thời tiết nước ta cuối tháng 3 và đầu tháng 4 này có cường độ khá mạnh gây ra đợt rét nàng Bân ngắn ngày cuối cùng trong mùa đông xuân năm nay.

Dự báo, đợt mưa rét này sẽ kéo dài đến ngày 2/4. Sau đó mưa giảm dần và nhiệt độ tăng trở lại. Tuy nhiên đây chưa phải là đợt không khí lạnh cuối cùng của mùa đông xuân năm nay vì dự báo đến khoảng ngày 6/4, Bắc bộ tiếp tục có không khí lạnh tăng cường yếu.

Cũng theo bà Phạm Phương Chi, đợt không khí lạnh này kết hợp với vùng áp thấp trên Biển Đông này sẽ gây ra đợt mưa to cho các tỉnh Trung bộ, Tây Nguyên từ ngày 31/3 - 2/4. Mưa lớn tập trung ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Người dân khu vực này cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong đợt mưa lớn này, vùng núi các tỉnh Trung bộ, Tây Nguyên có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở các vùng trũng thấp, ven sông.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem