Quyền làm chủ của nông dân được mở rộng

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 07:04 AM (GMT+7)
Vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân (ND) trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM đã được cụ thể hoá... Đó là đánh giá của Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường sau 5 năm Hội ND thực hiện Nghị quyết T.Ư 7.
Bình luận 0
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, T.Ư Hội đã chủ động xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp (NN), xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020”. Đề án đã được Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61 (KL61). Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 673 (QĐ 673) về “cơ chế, chính sách để Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện một số chương trình, đề án trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.

Cụ thể hoá nhiệm vụ của Hội


Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khẳng định, KL 61 và QĐ 673 là cụ thể hóa nhiệm vụ của Hội trong phát triển NN, xây dựng nông thôn mà Hội giữ vai trò trung tâm, nòng cốt. Trong đó, Hội chủ trì, trực tiếp thực hiện tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ dạy nghề cho ND và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).

Mô hình trồng và chế biến dược liệu ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên do Quỹ HTND T.Ư Hội đầu tư.
Mô hình trồng và chế biến dược liệu ở xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên do Quỹ HTND T.Ư Hội đầu tư.

Hội xác định, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên là nhiệm vụ quan trọng để tuyên truyền, vận động, tổ chức hội viên, ND thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết T.Ư 7. Nhiều loại hình tập hợp ND mới hình thành, đó là các nhóm ngành nghề, nhóm sở thích; các tổ nhóm sản xuất, vay vốn, tiết kiệm; tổ hùn vốn làm nhà; tổ đoàn kết bám biển...

ND được nâng cao năng lực

Nông dân - trung tâm của “tam nông”, lực lượng chính sản xuất NN, chủ nhân xây dựng NTM. Các phong trào của Hội đều hướng đến nâng cao năng lực mọi mặt cho ND. Qua phong trào ND thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng nền NN toàn diện theo hướng hiện đại, ND đã nâng cao nhận thức, kiến thức để thích ứng với kinh tế thị trường. Hàng năm, trên 4,2 triệu hộ ND đạt SXKD giỏi, trong số trên 8,2 triệu hộ đăng ký. Số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng tăng gấp 5 lần năm 2008. Từ phong trào này đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, mô hình cánh đồng mẫu lớn; dần hình thành liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Nhiều hộ đã trở thành những chủ trang trại, doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động nông thôn.

Quyền làm chủ trực tiếp của ND được mở rộng. ND được tham gia về quy trình xây dựng và thực hiện các chính sách mới; phát huy tính cộng đồng. Các hộ có điều kiện đã hỗ trợ vốn, cây, con giống cho trên 7 triệu lượt hộ khó khăn; tạo việc việc làm tại chỗ cho trên 10,5 triệu lượt lao động; giúp hơn 150.000 hộ thoát nghèo, trên 1 triệu hộ nghèo cải thiện nhà ở...

Qua các Hội thi: “Tiếng hát đồng quê”, “Nhà nông đua tài”, “ND thi đua xây dựng NTM”, “Nhà nông với pháp luật”, “ND bảo vệ môi trường”, “ND thực hiện an toàn giao thông”, giải bóng đá, bóng chuyền ND... đã giúp ND nâng cao đời sống tinh thần. Họ hiểu xây dựng NTM là cho chính mình và con cháu mình nên không ngần ngại hiến đất, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng, trên 50 triệu ngày công để xây dựng NTM...

Hội phải chủ động hơn nữa

Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, mức sống của ND nhìn chung đã được cải thiện, song tốc độ tăng thu nhập của ND có xu hướng giảm, nhất là thu nhập từ sản xuất NN. Khả năng tích luỹ của ND rất thấp, tích luỹ để dành trung bình 1 hộ ND khoảng 14-15 triệu đồng/năm, ít có khả năng mở rộng sản xuất. Do hiệu quả sản xuất NN thấp, rủi do cao nên một số nơi ND không tha thiết với đồng ruộng, thậm chí bỏ ruộng để tìm việc làm khác. Trình độ dân trí của ND đã được nâng lên một bước, nhưng nhìn chung vẫn thấp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo thấp. Dạy nghề chưa gắn với quy hoạch. Việc thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của ND nhiều nơi còn bị vi phạm, có nơi vi phạm khá nghiêm trọng. ND còn khó khăn trong tiếp nhận các dịch vụ công ích về y tế, giáo dục...

Nguyên nhân những yếu kém này, về phía Hội ND, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nghiêm túc nhìn nhận, đó là một số địa phương, công tác tuyên truyền còn hình thức. Hội chưa nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong ND để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có những giải pháp giải quyết kịp thời. Một số nơi, Hội chưa thể hiện rõ vai trò tập hợp, tổ chức ND tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển KTXH ở nông thôn; việc nhân rộng các mô hình, điển hình chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động hỗ trợ các mô hình kinh tế còn hạn chế, chưa giúp ND mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu thụ nông sản. Đội ngũ cán bộ hội thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn, năng lực vận động... “Hội phải nhanh chóng khắc phục những hạn chế này thì mới thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư 7”- Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Anh Trang (Anh Trang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem