Quảng Trị lên kịch bản ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở khu vực điện gió

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 24/08/2021 08:44 AM (GMT+7)
Ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã lên phương án, kịch bản ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các địa phương miền núi, đặc biệt là phương án xử lý khi xảy ra thiên tai ở khu vực điện gió.
Bình luận 0

Nhận diện vùng nguy cơ

Chiều 23/8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai, sạt lở đất ở miền núi, trọng tâm tại khu vực thực hiện các dự án điện gió.

Tại hội nghị, ông Hồ Xuân Hoè – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2020, thiên tai trên địa bàn diễn ra dị thường, khốc liệt đã khiến 56 người chết, 1 người mất tích, 53 người bị thương; 3.365 nhà dân bị hư hỏng…. ước tổng giá trị thiệt hại 4.252 tỷ đồng. Trong đó, hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông thiệt hại rất nặng.

Quảng Trị lên kịch bản ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở khu vực điện gió - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (ngoài cùng bên trái) cùng người dân, lực lượng thanh niên địa phương trồng cây tại dự án điện gió Hướng Tân. Ảnh: Ngọc Vũ.

Những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Theo ông Hoè, Sở NNPTNT Quảng Trị đã nhận diện 30 xã, thị trấn có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét. Trong đó, 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông là trọng điểm.

Quảng Trị lên kịch bản ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở khu vực điện gió - Ảnh 2.

Quảng Trị đang cố gắng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, còn Hướng Hoá là thủ phủ điện gió. Ảnh: Ngọc Vũ.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Hướng Hoá có 26 dự án đang đồng loạt thi công tại 12 xã, thị trấn có nguy cơ ảnh hưởng. Trong đó, vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng gồm 12 thôn/6 xã với 147 hộ/670 nhân khẩu.

Quảng Trị lên kịch bản ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở khu vực điện gió - Ảnh 3.

Ông Hồ Xuân Hoè - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, thiên tai năm 2020 đã gây thiệt quá rất nặng nề. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo ông Hoè, đối với vùng địa hình tự nhiên có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét cần sơ tán, di dời 2.244 hộ/8.921 nhân khẩu tại 30 xã thuộc 5 huyện; vùng có nguy cơ sạt lở đất cần sơ tán, di dời 1.447/6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện.

Riêng với vùng có nguy cơ cao từ các dự án điện gió cần sơ tán, di dời 163 hộ/742 nhân khẩu tại 13 thôn/khối phố của 7 xã/thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.

Tổng số lực lượng tối đa để ứng phó sự cố thiên tai là 12.202 người và 861 phương tiện, trong đó phương châm 4 tại chỗ được nhấn mạnh, ưu tiên.

Giải pháp lâu dài là trồng rừng

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, ở các dự án điện gió, trước mắt cần xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chống sạt lở đất; xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt trong mùa mưa bão, có giải pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đất sản xuất và đời sống của người dân vùng dự án điện gió.

Quảng Trị lên kịch bản ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở khu vực điện gió - Ảnh 4.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nêu một số giải pháp trước mắt và lâu dài để phòng, chống sạt lở đất ở các dự án điện gió. Trong đó, ông Đồng nhấn mạnh, trồng rừng, phủ xanh là giải pháp bền vững. Ảnh: Ngọc Vũ.

Giải pháp lâu dài nhất thiết phải trồng rừng, trả lại màu xanh ở những nơi thi công điện gió. Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất; bố trí quỹ đất để thực hiện công tác di dân đến nơi ở mới, đảm bảm an toàn.

Ông Đồng khẳng định, chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, điện gió là đúng đắn, mang nhiều lợi tích. Tuy nhiên, trong lúc triển khai còn một số vấn đề phát sinh gây nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng môi trường, đời sống nhân dân. Vì vậy, các Sở, ngành, địa phương liên quan phải bám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng, sai phải sửa ngay.

Quảng Trị lên kịch bản ứng phó lũ quét, sạt lở đất ở khu vực điện gió - Ảnh 5.

Tại hội nghị này, có 13 cán bộ, chiến sĩ công an đã được tặng bằng khen vì có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan giám sát, xử lý nghiêm, thậm chí là đình chỉ thi công nếu chủ đầu tư nào vi phạm, tái phạm.

"Tỉnh Quảng Trị luôn tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư đến với tỉnh. Bởi lẽ, doanh nghiệp phát triển thì xã hội mới phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải chấp hành đúng quy định, nếu sai thì phải xử, không bao che" – ông Hưng cho biết.

Sáng 23/8, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động trồng cây xanh tại những khu vực đang xây dựng điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Tại hội nghị chiều cùng ngày, tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát động các chủ đầu tư điện gió ủng hộ kinh phí để thực hiện.

Tại buổi lễ, các chủ đầu tư đã đóng góp 700 triệu đồng, tương đương 470.000 cây keo lai giống.

Số keo lai này sẽ được trồng liên tục để phủ xanh khoảng 100 ha đất bị ảnh hưởng do xây dựng điện gió.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đang vận động các chủ đầu tư chủ động trồng thêm nhiều cây thân gỗ, cây trồng miền núi có giá trị, như cây trẩu… Để sau này, khi nhà máy hoàn thành, trên là cánh quạt dưới là cây xanh, giúp dân có sinh kế, thúc đẩy du lịch ở Hướng Hoá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem