Quảng Trị: 2 ngày tiêu huỷ 217 con lợn bị dịch tả lợn Châu Phi

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 03/06/2019 14:00 PM (GMT+7)
Chỉ trong hai ngày 1/6 và 2/6, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã tiêu huỷ 217 con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi của 35 hộ dân trên địa bàn 8 xã.
Bình luận 0

Ngày 3/6, tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, chỉ trong 2 ngày 1/6 và 2/6, đơn vị này đã tiêu huỷ 217 con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi của 35 hộ dân ở 8 xã trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Trước đó, nhận được tin báo có lợn bệnh và chết tại các hộ dân địa bàn các xã Hải An, Hải Chánh, Hải Tân, Hải Ba, Hải Vĩnh, Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Quế, ngày 27/5 cơ quan chức năng huyện đã kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y vùng 3 xét nghiệm.

img

Sau khi tiêu huỷ lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng lợn. Ảnh: Tiến Nhất

Kết quả cho thấy các mẫu gửi xét nghiệm đều dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi nên cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ đàn lợn nêu trên với tổng trọng lượng gần 16 tấn.

Cùng ngày, ông Lê Bá Phước, Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết, địa phương này có số lợn bị tiêu huỷ nhiều nhất với 149 con của 6 hộ dân, tổng trọng lượng gần 9 tấn.

Như vậy, luỹ kế đến ngày 2/6, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn lợn của 49 hộ dân tại 17 thôn, 10 xã thuộc 3 địa phương Hải Lăng, TP.Đông Hà và huyện Gio Linh của tỉnh Quảng Trị. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu huỷ là 317 con với trọng lượng 18,3 tấn.

Được biết, dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra với đặc điểm lây lan nhanh, mạnh và xuất hiện ở lợn mọi lứa tuổi; gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết 100%.

Vi rút gây dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra.

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng.

img

Chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tiến Nhất

Để phòng bệnh cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi như thường xuyên chăm sóc tốt cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, định kỳ (1-2 lần/tuần), tiêu độc khử trùng bằng các chất sát trùng thông thường như vôi bột, Benkocid, Haniodin ...

Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt chất lượng và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định như dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn…

Đặc biệt người dân cần thực hiện 5 không gồm không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn bệnh chết ra môi trường; không cho lợn ăn thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem