Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu được giao một nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến một loài cây dược liệu quý

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 01/11/2022 10:02 AM (GMT+7)
Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu), bao gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên.
Bình luận 0

Phát triển thương mại sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu

Theo dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 do Bộ NNPTNT xây dựng, đang trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam, bao gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. 

Đối với phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam ở quy mô hàng hóa, tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Dự thảo chương trình cũng đặt mục tiêu tập trung bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) và sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fiscidiscus). Bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử nghiệm đối với sâm Lang Biang (Panax vietnamensis var. langbianensis).

Nhiệm vụ đặt ra trong chương trình để bảo tồn, phát triển các loài sâm Việt Nam là tổ chức đánh giá các loài sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên thuộc các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên về: phân bố, loài (phân tích gen), diện tích, trữ lượng và đề xuất vùng trồng thích hợp.

Xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in situ) và vườn sưu tập (ex situ) nguồn gen cây sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lâm Đồng, Lai Châu.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài Sâm Việt Nam và xác định vùng trồng thích hợp.

Phát triển sâm thành ngành hàng giá trị kinh tế cao - Ảnh 1.

Cây sâm Ngọc Linh 20 năm tuổi, có 8 nhánh và nặng 0,9kg, được bày bán với giá 900 triệu đồng tại lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ 4 năm 2022. Ảnh: VGP

Cấp mã số vùng trồng cho sâm Việt Nam

Mục tiêu của chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với toàn bộ diện tích sâm Việt Nam của các tổ chức, cá nhân theo tiêu chuẩn.

Gây trồng vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu tại Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu

Nghiên cứu, chọn, tạo giống sâm Việt Nam; trong đó tập trung vào sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu và bệnh hại.

Hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cơ sở xác định cụ thể về quy mô diện tích vùng trồng sâm Việt Nam phù hợp, đảm bảo hiệu quả; trong đó ưu tiên tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu, đáp ứng yêu cầu ở quy mô sản xuất hàng hóa với khả năng cung ứng cây giống cho phát triển vùng nguyên liệu bình quân khoảng 2.000 ha/năm. 

Hoàn thiện các quy trình sản xuất giống và quy trình canh tác Sâm Việt Nam phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu ở quy mô sản xuất hàng hóa.

Gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh, trong đó tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu; nâng diện tích vùng trồng sâm Việt Nam lên khoảng 24.000 ha vào năm 2030; trong đó diện tích trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum: khoảng 20.000 ha; tỉnh Lai Châu khoảng 2.500 ha và các tỉnh còn lại khoảng 1.500 ha.

Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển sâm Việt Nam trên địa bàn, trong dự thảo nêu rõ các địa phương cần rà soát, đánh giá, xác định cụ thể quy mô vùng trồng sâm Việt Nam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sâm theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân triển khai, thực hiện các dự án phát triển sâm Việt Nam trên địa bàn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

 Quản lý chặt chẽ công tác sản xuất, buôn bán giống sâm trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp trao đổi, buôn bán, vi phạm nguồn gốc, xuất xứ sâm trên địa bàn.

Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam có nguồn cây dược liệu tự nhiên đa dạng và phong phú với khoảng 5.000 loài cây cho công dụng làm thuốc, được phân bố rộng khắp trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở các quần thể rừng tự nhiên vùng núi cao… Trong đó các loài sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý, có nhiều tác như chống stress, chống trầm cảm, bồi bổ sức khỏe đặc biệt là có tác dụng phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào và tăng các tế bào mới. Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung trong danh mục sản phẩm quốc gia thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

Hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh. Tính đến hết năm 2021, các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã trồng được hơn 7.670ha, một số doanh nghiệp đã sản xuất theo chuỗi từ gây trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem