Phí giao hàng tăng: Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chủ hàng quán “trầm cảm”

Thanh Phong Thứ năm, ngày 17/02/2022 17:41 PM (GMT+7)
Trước tình trạng giá xăng neo ở mức cao, phí giao hàng của nhiều đơn vị vận chuyển đã tăng mạnh khiến cả người bán và người mua hàng gặp khó.
Bình luận 0

Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, hình thức mua sắm online được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Các đơn vị kinh doanh cũng đã dần hoàn thiện mạng lưới, hệ thống bán hàng nhằm "sống chung với dịch". Tuy nhiên, những ngày qua, cước phí giao hàng liên tục tăng khiến nhiều đơn vị kinh doanh gặp khó.

Chia sẻ về tình trạng trên, chị Thanh Hằng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, hiện tại, cước vận chuyển một đơn hàng trong quãng đường chỉ khoảng 5 – 6 km có thể đã lên tới 50.000 đồng trở lên. Do đó, nhiều trường hợp, phí ship đôi khi cao hơn giá trị đơn hàng.

"Tôi đặt mua 3 – 4 cốc tào phớ trên phố Quang Trung ship tới Hoàng Quốc Việt, đoạn đường khoảng hơn 6 km được báo giá vận chuyển hơn 50.000 đồng. Số tiền này còn cao hơn cả tiền đồ ăn, do đó, tôi quyết định không mua nữa", chị Hằng chia sẻ.

Phí giao hàng tăng: Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chủ hàng quán “trầm cảm” - Ảnh 1.

Tình trạng phí giao hàng tăng cao khiến nhiều chủ hàng quán "đứng ngồi không yên". (Ảnh:

Tuy đánh giá mức cước phí này đang rất cao nhưng chị Hằng cho rằng đây là điều dễ hiểu khi giá xăng đã tăng cao từ đầu năm 2022. Bên cạnh đó, việc mua sắm chủ yếu xoay quanh các mặt hàng không thiết yếu nên chị Hằng cũng như nhiều người tiêu dùng dự kiến sẽ hạn chế mua sắm online đến khi có mức cước phí hợp lý hơn.

Với người tiêu dùng, việc phí giao hàng tăng có thể chỉ đơn giản là hạn chế mua sắm. Tuy nhiên, ở góc nhìn của các chủ hàng quán, đơn vị kinh doanh, tình trạng này là "ác mộng".

Chị Khánh Linh, chủ một shop bán hàng ăn online cho hay, với cách tính phí ship hiện tại, các chủ đơn vị kinh doanh đều rơi vào tình trạng… trầm cảm. Cụ thể, giá mở cửa cho đoạn đường dưới 3km là 35.000 đồng, từ 3km trở lên thêm 11.000-12.000 đồng/km nữa.

"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi đã phải chuyển hẳn sang hình thức kinh doanh online và người tiêu dùng cũng đã dần quen. Tuy nhiên, giá ship cao như vậy khiến doanh số gần một tuần qua "tụt dốc không phanh". Với các hàng có điểm bán ăn uống tại chỗ còn có thể bù đắp còn kinh doanh online gần như không còn cách nào", chị Linh than thở.

Theo chị Linh, đơn vị này phải tìm cách chia sẻ phí ship với khách hàng, tuy nhiên, đây không phải cách có thể làm lâu dài. Cụ thể, các set đồ ăn có giá từ 50.000 – 300.000 đồng nhưng nhiều khách hàng xa khoảng xấp xỉ 10km, riêng tiền ship đã đến hơn 100.000 đồng.

Trong khi đó, thực phẩm cũng lên giá thời gian qua, đơn vị kinh doanh có thể hỗ trợ khách hàng khoảng 15% – 20% phí vận chuyển là đã không có lãi.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Trang, chủ hệ thống nhà hàng Nhật Bản Furyu Restaurant cho biết, tuy đã có kinh nghiệm 2 năm hoạt động trong điều kiện dịch bệnh nhưng khó khăn lần này tiếp tục "thử thách" sự chịu đựng của doanh nghiệp.

Phí giao hàng tăng: Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, chủ hàng quán “trầm cảm” - Ảnh 2.

Giá xăng liên tục tăng trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2022. (Ảnh: Thanh Phong)

"Trong thời gian dịch bệnh xu hướng đặt hàng online của người tiêu dùng đã tăng hơn trước. Trên thực tế, từ trước đó, đây cũng là một kênh phân phối hiệu quả. Gần đây chúng tôi không dám gọi dịch vụ ngoài, thậm chí phải thuê 1 số lao động tạm thời hoặc tận dụng nhân viên sẵn có ship hàng nhằm giảm cước vận chuyển cho khách.

Tuy nhiên, cách này cũng không thể kéo dài vì như vậy không khác gì mình tự mở ra thêm một doanh nghiệp vận chuyển phải tổ chức, quản lý thêm, rất mệt mỏi. Đặc biệt, nếu giá cả còn tiếp tục tăng thì người làm kinh doanh "càng làm càng lỗ" vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong khi giá bán không thể tăng quá nhiều và đột ngột", chị Trang phân tích.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem