Giá xăng đang “cõng” thuế, phí như thế nào?

Thanh Phong Thứ hai, ngày 14/02/2022 06:45 AM (GMT+7)
Hiện tại, các loại thuế, phí đang chiếm tới khoảng 40% trong giá cơ sở xăng, hơn 20% giá dầu. Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ này không hợp lý và khiến giá xăng ở mức cao.
Bình luận 0

Chiều 11/2, giá xăng đã tăng trên 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Trước đó, vào tháng 7/2014, giá xăng dầu tại Việt Nam đạt đỉnh khi xăng RON 95 có giá 26.140 đồng/lít, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít. Khi đó, giá dầu thô tại thị trường thế giới là trên 100 USD/thùng.

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tiếp tục lên tiếng về tình trạng các thuế, phí đối với xăng dầu đang ở mức quá cao, qua đó, đẩy giá bán mặt hàng này cao theo.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu (cụ thể với mức giá áp dụng ngày 11/02/2022) bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của từng loại xăng dầu như sau:

Xăng E5RON92: 10.576 đồng/lít chiếm 42,7% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 24.771 đồng/lít). Xăng RON95: 10.942 đồng/lít chiếm 43,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 25.332 đồng/lít)

Về thuế phí với các mặt hàng dầu, dầu Diesel: 5.294 đồng/lít chiếm 26,1% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 20.265 đồng/lít). Dầu hỏa: 4.005 đồng/lít chiếm 21,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 18.851 đồng/lít). Dầu mazut: 4.809 đồng/kg chiếm 27,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 17.659 đồng/kg).

Giá xăng đang “cõng” thuế, phí như thế nào? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu đang phải "cõng" nhiều loại thuế, phí chiếm hơn 40% giá bán. (Ảnh: Thanh Phong)

Với các mức trên, thời gian qua, nhiều chuyên gia đã đề nghị xem xét giãn, hoãn, giảm một hoặc một số loại thuế ở mặt hàng này như VAT, thuế bảo vệ môi trường,..

Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được đánh giá là "bất hợp lý" nhất, đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, đối với xăng sinh học là 3.800 đồng/lít.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, Bộ Tài chính đã bác đề xuất này. Thời gian qua, hệ lụy thấy rõ trong việc tăng giá xăng tác động mạnh tới các ngành hàng khác. Do đó, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với nhiều lĩnh vực vừa ban hành được đánh giá sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, về công cụ điều chỉnh giá là Quỹ bình ổn xăng dầu cũng được giới chuyên môn đánh giá là "lỗi thời". Điều này thể hiện rõ qua lần điều chỉnh ngày 11/2 vừa qua, Quỹ bình ổn đã không được chi đồng nào.

Nguyên nhân là do mức tăng ngày 11/2 là 6,9% mà theo Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 2/1/2022 thì Quỹ này chỉ chi khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng từ 7% trở lên.

Ngoài ra, cũng theo Thông tư 103/2021 của Bộ Tài chính, một trường hợp khác được chi Quỹ là khi "mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân".

Tuy nhiên, yếu tố này không dễ đánh giá cũng như cần thời gian xác định mức độ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội là như thế nào? Trong khi đó, ngay khi giá xăng tăng, các loại hàng hóa, dịch vụ khác gần như lập tức "té nước theo mưa".

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định, điều hành bằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không ổn định vì thực chất đây là tiền của người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, vào tháng 10/2021, số liệu thống kê từ các doanh nghiệp đầu mối cho thấy, quỹ này bị âm tới 1.500 tỷ đồng.

Qua 2 yếu tố trên, có thể thấy, giá xăng dầu khó có thể "ổn" bằng việc sử dụng Quỹ bình ổn. Ở kỳ điều chỉnh ngày 21/2 tới đây, chỉ cần giá xăng tăng 5% sẽ lập kỷ lục "cao nhất lịch sử".

Đặc biệt, điều giới chuyên môn quan tâm là không biết yếu tố giá xăng "cao nhất lịch sử" đã đạt tiêu chí "mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân" để có thể trích lập Quỹ bình ổn hay chưa?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem