PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ đưa văn hóa thấm sâu hơn vào đời sống!

Hà Tùng Long (ghi) Thứ ba, ngày 16/11/2021 11:47 AM (GMT+7)
"Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ tạo điều kiện để văn hóa thấm sâu hơn những vấn đề của kinh tế, chính trị, xã hội… để giúp cho văn hóa phát triển bền vững hơn", PGS.TS Bùi Hoài Sơn phát biểu.
Bình luận 0

Ngày 24/11 tới đây, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ diễn ra. Đây được xem là một sự kiện hết sức quan trọng, nhất là khi đặt trong bối cảnh văn hóa đang có nhiều vấn đề cần phải "chấn hưng", cần phải được cải tổ.

Nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của toàn nhân loại… thì việc phải có những thiết chế văn hóa mới để phù hợp với bối cảnh xã hội mới là điều không thể trì hoãn.

Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những chia sẻ với Dân Việt về ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa trong lịch sử lẫn bối cảnh mới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hội nghị Văn hoá toàn quốc sẽ đưa văn hoá thấm sâu hơn vào đời sống! - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: ĐBND.

Dân Việt xin đăng tải những chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn:

Trong giai đoạn vừa qua, dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến toàn nhân loại. Chúng ta test Covid-19 nhưng Covid-19 cũng test lại chúng ta. Khi Covid-19 test lại chúng ta thì chúng ta thấy xã hội, trong đó có văn hoá, có rất nhiều vấn đề, cả tích cực và tiêu cực.

Đối với Việt Nam, văn hóa như một "phương thuốc tinh thần" giúp chúng ta vượt qua đại dịch. Chính trong giai đoạn khó khăn này, người ta nghĩ nhiều hơn đến văn hoá.

Thực ra, không phải đến bây giờ chúng ta mới thấy văn hóa có vai trò quan trọng như thế. Ngược dòng lịch sử, chúng ta đều thấy, mỗi khi đất nước đứng trước những biến cố thì văn hóa đều trở thành một động lực, một sức mạnh để chúng ta vượt qua khó khăn.

Ứng với mỗi thời điểm quan trọng trong lịch sử, chúng ta đều thấy sự có mặt của văn hoá. Chúng ta có "Nam quốc sơn hà", "Hịch tướng sĩ", "Bình ngô đại cáo", "Tuyên ngôn độc lập"… Những áng hùng văn đó đều góp phần khơi gợi tình yêu nước, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc để tạo nên sức mạnh.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 1946, chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Vì sau chiến tranh thế giới thứ 2, việc quan tâm đến văn hóa trở thành một xu hướng. Đó là lí do tại sao năm 1945, tổ chức văn hóa lớn nhất thế giới là UNESCO được thành lập.

Một trong những mục đích của tổ chức này là để các quốc gia, dân tộc hiểu biết và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Từ việc chia sẻ với nhau sự hiểu biết, chia sẻ với nhau những giá trị, chia sẻ với nhau những nền tảng văn hóa thì mọi người có lòng khoan dung nhiều hơn. Đó là yếu tố tạo nên hòa bình trên thế giới.

Ngay trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể câu chuyện Người qua Pháp, chứng kiến cách họ trân trọng văn hóa và Người mong muốn chúng ta có một Hội nghị Văn hoá. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất như một "hội nghị Diên Hồng" để các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, người hoạt động văn hóa bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của mình. Từ đó, tạo nên một vũ khí tinh thần để giải phóng đất nước.

Trong hội nghị đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một câu nói truyền cảm hứng cho đến tận hôm nay, đó là "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Sau đó, liên hệ với một loạt các câu nói khác của Người thì chúng ta mới nhận thấy văn hóa quan trọng như thế nào đối với giải phóng và xây dựng đất nước.

Liên hệ trước tiên là Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đề cao 3 nguyên tắc xây dựng văn hoá: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. 3 nguyên tắc đó giúp dân tộc ta giành lại được độc lập. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Khi nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ, trí tuệ của chúng ta chưa được khai mở thì sẽ làm cho dân tộc chúng ta không nhìn thấy lối đi và điều đó ảnh hưởng đến sức mạnh dân tộc. Tức là, trong mỗi giai đoạn lịch sử, văn hóa trở thành lực lượng dẫn dắt, khai phóng… giúp cho chúng ta vượt qua được khó khăn.

Trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta phải đối diện với dịch bệnh, chính văn hóa đã tạo nên một sức mạnh Việt Nam. Chúng ta thấy, trong quá trình chống dịch, tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ yêu thương, những giá trị văn hóa đẹp đẽ đã được thể hiện một cách sâu sắc, rõ ràng nhất. Rất nhiều hình ảnh cụ thể của bác sĩ, nhân viên y tế, bộ đội, công an, trẻ em, người lớn, các tấm lòng nhân ái… đều cho chúng ta thấy được những giá trị văn hóa Việt Nam ẩn chứa sau những hình ảnh đó. Chính nhờ những giá trị văn hóa đó mà chúng ta vượt qua dịch bệnh nhẹ nhàng hơn.

Vào 9h00 ngày 17/11, Báo điện tử Dân Việt sẽ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến mang tên "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" với sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV và Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp...

Sự kiện nhằm chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 và cũng là diễn đàn để trao đổi về các vấn đề xoay quanh công cuộc "chấn hưng văn hóa", nâng tầm các giá trị văn hóa của dân tộc trên cơ sở kế thừa truyền thống và phát huy lợi thế để hội nhập quốc tế...

Trong nghệ thuật cũng xuất hiện nhiều bài hát, bài thơ, bộ phim, bức tranh, chùm ảnh… và nhiều loại hình văn học – nghệ thuật khác đã tạo ra sự kiên cường trong xã hội, tạo ra một đời sống tinh thần vững vàng hơn. Đó chính là vai trò của văn hoá, nghệ thuật. Chỉ có văn hóa mới làm được điều đó.

Từ những yếu tố đó, ngày 24/11 tới đây, chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 như một "Hội nghị Diên Hồng" để chúng ta phát huy hết sức mạnh văn hoá, xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Và bằng mọi cách phải làm cho văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế. Đó là một trong những ý nghĩa quan trọng để chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa lần này.

Một ý nghĩa khác đó là để văn hóa phù hợp với thực tiễn đời sống và góp phần tích cực đối với kinh tế, chính trị, xã hội thì chúng ta cũng cần phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả và chiến lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, trong xây dựng và phát triển đất nước, có 4 lĩnh vực quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đảng ta cũng luôn nhất quán với chủ trương đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Văn hóa của chúng ta đã rất thành công trong thời kỳ cứu quốc, còn gọi là văn hóa cứu quốc. Bây giờ, trong thời kỳ mới, chúng ta phải xây dựng được một nền văn hóa kiến quốc (kiến tạo và xây dựng đất nước).

Văn hóa của chúng ta có rất nhiều giá trị, rất nhiều thế mạnh, rất nhiều tiềm năng... Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, văn hóa cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức và khá nhiều điểm nghẽn trong phát triển. Chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta đau lòng về văn hóa như: sự xuống cấp của đạo đức xã hội, văn hóa thần tượng lệch lạc của giới trẻ, những câu chuyện ồn ào trong giới nghệ sĩ, sự bất cập của các cơ chế trong kiểm duyệt văn hoá… Những vấn đề như thế của xã hội hôm nay cũng cần phải được giải quyết bằng văn hoá.

Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 lần này thích hợp là vì những lí do như vậy. Hội nghị sẽ tạo điều kiện để văn hóa thấm sâu hơn những vấn đề của kinh tế, chính trị, xã hội… để giúp cho văn hóa phát triển bền vững hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem