Ông chủ 9X có nhà máy chế biến lúa gạo hoành tráng ở Thanh Hóa là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ sáu, ngày 26/08/2022 06:03 AM (GMT+7)
Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm lúa gạo tại địa phương, anh Đỗ Thế Anh bắt tay vào xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo, xây dựng thành công chuỗi lúa gạo liên kết cùng người nông dân làm giàu. Anh Đỗ Thế Anh đã được bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Bình luận 0

Tham quan, tìm hiểu nhà máy chế biến lúa gạo do Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 là anh Đỗ Thế Anh làm chủ. Đây là nhà máy chế biến lúa gạo quy mô hiện đại đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Nhà máy chế biến lúa gạo đầu tiên tại Thanh Hóa

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, chàng trai trẻ Đỗ Thế Anh (SN 1991, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - Giám đốc Công ty CP Thương Mại Sao Khuê chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu gạo Sao Khuê có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay.

Theo đó, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2014, anh Đỗ Thế Anh đã có một công việc ổn định, phù hợp với ngành học của mình. Trong thời gian làm việc, anh có cơ hội được đi thực tế đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhà.

Quá trình đi tham quan, tìm hiểu, anh Thế Anh nhận ra tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là phát triển lúa gạo bởi Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích lúa lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Thế nhưng, tốc độ phát triển của ngành chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế sẵn có.

9X Thanh Hóa nặng lòng với cây lúa, hạt gạo quê hương được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 2.

Anh Đỗ Thế Anh - Giám đốc trẻ Công ty CP Thương Mại Sao Khuê vừa được bình chọn trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Ảnh: PV

"Thời điểm đó, tỉnh Thanh Hóa chưa có những sản phẩm gạo đặc trưng, tiêu biểu trên thị trường mà khi nhắc tên người tiêu dùng có thể biết ngay đó là gạo xứ Thanh. Ví dụ như ở Điện Biên có gạo Điện Biên, hay Thái Bình có gạo tám thơm… thì Thanh Hóa chưa làm được điều này. Không những thế, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có một nhà máy chế biến lúa gạo nào", anh Thế Anh chia sẻ.

Xuất phát từ những trăn trở đó cùng với nhu cầu thực tế khiến anh quyết định đầu tư thành lập nhà máy sản xuất gạo tại chính mảnh đất quê hương. Đầu năm 2019, anh cùng các cổ đông Công ty CP Thương Mại Sao Khuê quyết định đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo tại xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, quy mô công suất 20.000 tấn gạo thành phẩm/năm.

Sau hơn 10 tháng xây dựng, đến tháng 11/2019, nhà máy sản xuất lúa gạo Sao Khuê chính thức được vận hành với 2 dây chuyền sấy lúa tươi và xay xát chế biến, đóng gói theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đây cũng là nhà máy đầu tiên sản xuất gạo tại Thanh Hóa.

9X Thanh Hóa nặng lòng với cây lúa, hạt gạo quê hương được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 3.

Anh Đỗ Thế Anh kiểm tra tình hình sản xuất tại nhà máy. Ảnh: PV

Ngay từ những bước đi đầu tiên, anh Thế Anh luôn xác định rõ: Để có thể xây dựng thành công thương hiệu thì việc quan trọng nhất là phải lấy chất lượng sản phẩm làm gốc, khi cảm thấy sản phẩm thực sự tốt thì mới bắt tay đi xây dựng thương hiệu, chinh phục thị trường.

Tuy nhiên, anh vấp phải những khó khăn bởi lẽ thói quen của người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm gạo an toàn thời điểm đó đang còn hạn chế, hệ thống đại lý phân phối còn e dè vì sợ sản phẩm giá tương đối cao.

Không nản chí, anh cùng anh em trong công ty kiên trì, bền bỉ phát triển hệ thống. Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu như: tăng cường truyền thông, quảng bá, mở rộng thị trường qua các kênh bán lẻ, xúc tiến thương mại... và đã từng bước khẳng định vị trí của thương hiệu gạo Sao Khuê trên thị trường.

9X Thanh Hóa nặng lòng với cây lúa, hạt gạo quê hương được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 4.

Theo anh Đỗ Thế Anh, khi liên kết sản xuất, Công ty sẽ cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp chậm trả cho bà con nông dân. Ảnh: PV

Xây dựng chuỗi liên kết cùng nông dân làm giàu

Theo anh Đỗ Thế Anh, Công ty CP Thương mại Sao Khuê luôn xác định việc tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu. Mặc dù, cách làm này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, sự khó khăn trong triển khai, nhưng để đảm bảo chất lượng, tính bền vững cho khâu nguyên liệu thì không thể không làm.

"Thời gian đầu, việc tuyên truyền, vận động cho bà con thay đổi tư duy gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi làm một vài vụ bà con thấy hiệu quả rõ rệt, thu nhập được cải thiện thì họ dần tin tưởng và bắt đầu ủng hộ", anh Thế anh cho biết.

Trong thời gian qua, anh cùng công ty phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đưa các chuyên gia trong ngành đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với bà con về các bước sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

9X Thanh Hóa nặng lòng với cây lúa, hạt gạo quê hương được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 5.

Một góc tại nhà máy chế biến lúa gạo Sao Khuê. Ảnh: PV

Cho đến nay, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, nhà máy đã liên kết được hơn 800 ha lúa tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn …

Đặc biệt, rất nhiều địa phương nhờ liên kết sản xuất, giá vật tư đầu vào thấp trong khi giá bán lúa lại cao, các khâu từ trồng đến thu hoạch lúa đều được cơ giới hóa nên hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện tại, nhà máy chế biến lúa gạo Sao Khuê đang sản xuất, kinh doanh 13 dòng sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ các sản phẩm chất lượng cao như sản phẩm gạo Ngọc Phố, nếp cái hoa vàng Quý Hương… đến các sản phẩm dành cho phân khúc người thu nhập trung bình và các bếp ăn tập thể đều được chú trọng phát triển.

9X Thanh Hóa nặng lòng với cây lúa, hạt gạo quê hương được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 6.

Công ty Sao Khuê tổ chức hội thảo đầu bờ tại vùng nguyên liệu sản xuất lúa. Ảnh: PV

Với hàng trăm điểm cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hiện nhà máy có tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 40 tỷ đồng, sau khi đã trừ thuế và các chi phí khác còn lợi nhuận bình quân đạt trên 1,7 tỷ đồng. Nhà máy cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động và 20 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh phát triển kinh tế, anh Đỗ Thế Anh cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương như tài trợ xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn cho thôn Tâm Bình, xã Đông Hoàng, tài trợ trang thiết bị hội trường, nhà văn hóa xã. Ngoài ra, anh đang đỡ đầu cho 3 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Đông Hoàng đến năm 18 tuổi và rất nhiều công tác thiện nguyện khác.

9X Thanh Hóa nặng lòng với cây lúa, hạt gạo quê hương được bình chọn Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 7.

Vùng nguyên liệu sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP của công ty Sao Khuê. Ảnh: PV

Trong thời gian qua, anh cũng vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giải thưởng của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Hai sản phẩm gạo Hương Thanh 2 và gạo Ngọc Trai được công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao; 3 sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh, gạo Ngọc Phố được tôn vinh "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam" năm 2020.

Anh Đỗ Thế Anh vinh dự là 1 trong 100 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".

Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022) và kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013-2022).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem