Không phải đại công ty Mỹ, người tiêu dùng Pháp mới là kẻ "còng lưng" gánh thuế kỹ thuật số

19/08/2019 17:41 GMT+7
Amazon đang có kế hoạch tăng phí bán hàng khoảng 3% với hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp đang hoạt động trên sàn thương mại điện tử này trong nỗ lực chuyển tải áp lực thuế kỹ thuật số mà Chính phủ Pháp áp lên những công ty công nghệ lớn.

Amazon tăng phí bán hàng với hàng ngàn doanh nghiệp Pháp để giảm gánh nặng thuế

Không phải Amazon, chính doanh nghiệp Pháp mới phải còng lưng gánh thuế kỹ thuật số của Chính phủ Pháp

Động thái của Amazon là sự đáp trả mức thuế kỹ thuật số 3% mà Chính phủ Pháp phê duyệt hồi tháng 7 qua, áp lên các công ty công nghệ đa quốc gia có tổng doanh thu toàn cầu từ lĩnh vực kỹ thuật số trên 750 triệu EUR và doanh thu 25 triệu EUR trở lên thị trường Pháp. Thuế được áp dụng hồi tố từ ngày 1.1.2019, bất chấp những đe dọa từ Nhà Trắng. Bên cạnh Pháp, các quốc gia EU khác như Anh, Ý, Tây Ban Nha, Áo… cũng đang xem xét các kế hoạch thuế quan của riêng mình.

Lý giải cho mức thuế mà Nhà Trắng cho là vô lý, gây bất lợi cho các đế chế công nghệ Mỹ này, Chính phủ Pháp cho rằng 3% thuế kỹ thuật số là khoản thuế nhằm san bằng sân chơi giữa các công ty công nghệ lớn và doạnh nghiệp địa phương, tạo điều kiện cho sự phát triển của các tập đoàn nội địa.

Là 3 gã khổng lồ công nghệ có doanh thu trực tiếp từ lĩnh vực kỹ thuật số lớn nhất, Amazon, Facebook và Google hôm 19.8 (giờ Mỹ) sẽ có phiên điều trần trước Quốc hội về mức thuế kỹ thuật số của Pháp. Đáng lo ngại hơn, Amazon mới đây đã úp mở thông điệp tăng phí bán hàng lên 3% với hàng ngàn doanh nghiệp, nhà bán lẻ Pháp để bù đắp khoản thuế kỹ thuật số vô lý từ Chính phủ nước này.

Virginie Lemaire, một bà mẹ đơn thân đang điều hành công ty trang sức Perle d’un jour trên Amazon hiện vừa nhận được email thông báo tăng thuế bán hàng 3% từ sàn thương mại điện tử này. Virginie bắt đầu công việc kinh doanh trang sức từ năm 2011. 2 năm trước, cô bắt đầu quảng bá sản phẩm của mình trên Amazon. Hiện tại, khoảng 20% doanh số công ty Perle d’un jour đến từ sàn giao dịch điện tử khổng lồ này. Amazon đã giúp Virginie thúc đẩy và mở rộng quy mô kinh doanh trông thấy.

Nhưng kể từ tháng 10 tới, theo thông báo từ Amazon, công ty của Virginie Lemaire cùng hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ khác tại Pháp sẽ bị tăng phí bán hàng thêm 3%. Amazon cũng đưa ra lời giải thích ngắn gọn với đối tác về việc tăng phí bán hàng là do khoản thuế kỹ thuật số 3% mà Chính phủ Pháp áp lên đế chế này. Không chỉ riêng Amazon, rất nhiều công ty trong diện bị Pháp áp thuế kỹ thuật số cũng đang tìm cách chuyển phần chi phí này sang đối tác, khách hàng hoặc chính người tiêu dùng Pháp.

Người tiêu dùng Pháp gánh hậu quả cuối cùng?

Các đại gia công nghệ Mỹ sẽ điều trần trước Chính phủ vào ngày mai về mức thuế kỹ thuật số

Hồi đầu năm, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã cáo buộc các công ty công nghệ lớn đang phải chịu mức thuế ít hơn cả một tiệm bánh, một hãng sản xuất phô mai trên thị trường Pháp. “Đây là một vấn đề thực sự”. Chính phủ Pháp cảm thấy họ cần phải hành động để đảm bảo lợi ích công bằng của các doanh nghiệp nội địa, các nhà bán lẻ trong nước. Ông Bruno cũng cho rằng mức thuế kỹ thuật số 3% của Pháp không vi phạm bất cứ thỏa thuận thương mại quốc tế nào.

Nhưng chính quyền Donald Trump không cho là như vậy. Nhà Trắng cáo buộc mức thuế này là không công bằng, nhắm trực tiếp đến các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Ông Trump thậm chí đe dọa trả đũa, còn các công ty công nghệ như Amazon thì cảnh báo việc Pháp áp thuế sẽ chỉ mang đến những gánh nặng giá cả cao hơn cho chính người tiêu dùng Pháp mà thôi.

Và khi Pháp quyết định thông qua thuế kỹ thuật số, Amazon đã thực sự biến cảnh báo này thành hiện thực. Amazon công khai tăng phí bán hàng lên 3%, chuyển tải hầu hết gánh nặng thuế kỹ thuật số lên chính những doanh nghiệp Pháp, qua đó biến nỗ lực kiềm chế các công ty công nghệ lớn của Chính phủ Pháp trở nên ngày càng khó khăn.

Trong bài phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Chính phủ Mỹ, ông Peter Hiltz, giám đốc phụ trách chính sách thuế quốc tế của Amazon đã gọi khoản thuế kỹ thuật số 3% của Pháp là sai lầm và mang ý nghĩa phân biệt đối xử. Ông Hiltz khẳng định thuế cũng sẽ tác động nặng nề đến hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp đang hoạt động giao dịch trên Amazon. “Thuế nhắm trực tiếp vào các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho các doanh nghiệp, vì vậy Amazon không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển mức thuế đó xuống các đối tác bán hàng” - ông Hiltz thẳng thắn chia sẻ. “Rõ ràng, điều này sẽ đặt các đối tác Amazon có trụ sở tại Pháp vào tình huống bất lợi, suy giảm lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ ở các quốc gia khác”.

Ví dụ, trong trường hợp của công ty trang sức Perle d’un jour do cô Virginie làm chủ, thay vì phí bán hàng 12% cho mỗi giao dịch như trước đó, kể từ ngày 1.10 tới, Virginie sẽ phải trả cho Amazon thêm phần phí 3% tăng thêm của 12%, tổng cộng là 12,36%. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận của công ty sẽ giảm đi đáng kể, buộc Virginie đứng trước hai sự lựa chọn là tăng giá hay chấp nhận lợi nhuận thấp hơn. Trong trường hợp Virginie tăng giá, đồng nghĩa với việc cô sẽ mất đi lợi thế giá cả so với các doanh nghiệp không có trụ sở tại Pháp, không phải chịu khoản thuế bổ sung 3%. Và người tiêu dùng, những người phải trả mức giá cao hơn do sự tăng giá này, mới là kẻ thực sự gánh chịu mức thuế kỹ thuật số của Chính phủ Pháp.

Ngay trước phiên điều trần, không riêng gì Amazon, Facebook và Google đều vạch trần sự thực rằng việc Pháp đơn phương phê duyệt thuế kỹ thuật số sẽ khuyến khích các quốc gia khác áp dụng các biện pháp tương tự, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục