Nuôi tôm trong rừng, cho tôm "ôm" lúa, nông dân miền Tây bắt lên thương lái mua hết

Thiên Ngân Chủ nhật, ngày 23/10/2022 13:00 PM (GMT+7)
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Sóc Trăng tổ chức hội nghị sơ kết "Xây dựng mô hình tôm - lúa và tôm - rừng liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị". Trước đó, các đại biểu tham quan mô hình tôm - lúa hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Bình luận 0

Xây dựng mô hình tôm - lúa và tôm - rừng liên kết, nông dân miền Tây không lo đầu ra 

Tham gia đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản; lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng; mô hình tôm - lúa hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau; đại diện các tập đoàn, công ty thủy sản; đại diện các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm - lúa, tôm - rừng tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Mô hình tôm - lúa hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng triển khai thực hiện vào tháng 6/2022, tại xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên), có 15 hộ tham gia mô hình, với tổng diện tích 15ha. 

Các hộ tham gia mô hình thực hiện nuôi tôm theo quy trình VietGAP và xây dựng thành công chuỗi liên kết 6 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; người nuôi; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi thủy sản; cơ sở thu gom; cơ sở chế biến).

Nuôi tôm trong rừng, cho tôm "ôm" lúa, nông dân miền Tây bắt lên thương lái mua hết - Ảnh 1.

Hiện, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 162.000ha sản xuất lúa tôm; trong đó, nhiều nhất là Kiên Giang 62.500ha, Cà Mau 46.000ha, Bạc Liêu 40.000ha, Sóc Trăng 7.500ha. Trong ảnh: Nông dân huyện Hồng Dân, vùng sản xuất lúa tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu đang bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa với niềm vui được mùa được giá. Ảnh: Chúc Ly

Tại buổi tham quan thực tế mô hình tôm - lúa hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, hộ ông Nguyễn Văn Mười, xã Ngọc Đông (Mỹ Xuyên) cho biết, tôm nuôi tăng trưởng tốt, quá trình nuôi thực hiện theo quy trình VietGAP nên hộ nuôi giảm chi phí đầu tư từ 20 - 30% so với nuôi theo mô hình truyền thống. Tôm nuôi giảm nhiều loại dịch bệnh phổ biến nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học, được nhà cung ứng sản phẩm xử lý môi trường, nuôi thủy sản hỗ trợ trong suốt quá trình thực hiện mô hình. 

Theo đánh giá, qua thời gian 5 tháng nuôi, tôm sú đạt trọng lượng 22 - 24 con/kilogam. Ước tính lợi nhuận sau vụ nuôi đạt hơn 60%.

Nuôi tôm trong rừng, cho tôm "ôm" lúa, nông dân miền Tây bắt lên thương lái mua hết - Ảnh 2.

Mô hình sản xuất lúa ST24 theo quy trình hữu cơ kết hợp nuôi tôm ở HTX Nông ngư Hoà Đê, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: STO

Tham quan mô hình, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, mô hình tôm - lúa hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và mô hình tôm - rừng được xem là những mô hình mang tính bền vững tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cho tôm "ôm lúa", hay nuôi tôm trong rừng ngập mặn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm tôm sạch, lúa ngon, được thị trường ưa chuộng. 

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bình quân 1ha sản xuất lúa tôm, nông dân thu được lợi nhuận khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm. Riêng con tôm mang lại lợi nhuận khoảng 40 - 50 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn, người dân có thể thu được nhiều sản phẩm từ rừng như các loại tôm, cá, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...  

Nuôi tôm trong rừng, cho tôm "ôm" lúa, nông dân miền Tây bắt lên thương lái mua hết - Ảnh 3.

Khu nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái của gia đình anh Bùi Quốc Dương, tại nông trại Tôm Khỏe, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm, bắt tôm và thưởng thức các món tôm, cá chế biến ngay tại nông trại. Ảnh: Duy Tân

Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Hồng cho biết, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai nhiều mô hình tôm - lúa, tôm - rừng tại các tỉnh miền Tây, với mục tiêu tiếp tục nhân rộng mô hình đến các hộ dân, đặc biệt, trong xây dựng mô hình các đơn vị triển khai đều chú trọng kết hợp chuỗi liên kết giữa 6 nhà. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ dân trong mùa vụ nuôi tôm, nhất là con tôm nuôi có đầu ra ổn định, giá bán tốt khi tôm đạt chất lượng, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Thực hiện Đề án Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ "Xây dựng mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm". Theo đó, Trung tâm đã xây dựng mô hình tôm - lúa và tôm - rừng liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị trong năm 2022, bước đầu đã đem lại những kết quả đáng kể.

Cụ thể, triển khai các mô hình nuôi tôm - lúa; tôm - rừng; nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh quy mô nhỏ; nuôi tôm trên đất cát tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Nghệ An…

Xây dựng mô hình nuôi tôm liên kết 6 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; người nuôi; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; cơ sở thu gom; cơ sở chế biến) tại tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau. 

Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm - lúa, tôm - rừng cho 6 tổ hợp tác; đào tạo tập huấn, tuyên truyền nhân rộng mô hình nuôi tôm - lúa, tôm - rừng cho hơn 60 người dân tại tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem