Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm

Vũ Thượng Thứ bảy, ngày 11/05/2024 05:32 AM (GMT+7)
Ông Phạm Viết Đóa (thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), người đầu tiên đưa con ốc nhồi (ốc bươu đen) vào trong núi sâu để nuôi. Ông luộc chín rau củ, quả, cũng như muối cây khoai dại…cho ốc nhồi ăn. Nhờ bí quyết nuôi ốc nhồi chả giống ai này mà gia đình ông Đóa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Không chán nản khi ốc nhồi chết

Để tìm hiểu mô hình nuôi ốc nhồi với nhiều năm liền thành công của hộ ông Phạm Viết Đóa (thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình), phóng viên Dân Việt phải nhờ Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Nhất chỉ đường.

Ông Phạm Viết Đóa (xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) chia sẻ bí quyết nuôi ốc nhồi thành công (ốc nhồi còn gọi là ốc bươu đen).

Đường vào trang trại nuôi con ốc nhồi hộ ông Đóa nhỏ, hẹp, hai bên cây cỏ xanh tốt…đặc biệt, khu vực hộ Đóa nuôi ốc nhồi với không gian tĩnh lặng, xung quanh toàn là núi đá cao chót vót.

Ông Phạm Viết Đóa chia sẻ với Dân Việt: "Trước kia tôi từng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng rồi lại quay về quê hương làm nông nghiệp. Năm 2015, tôi tình cờ lên tỉnh Phú Thọ thăm một người bạn, lúc đó được bạn giới thiệu tới con ốc nhồi làm tôi liên tưởng đến diện tích đất gia đình đang có".

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 1.

Ông Phạm Viết Đóa (thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) dự kiến năm 2024, gia đình thu hoạch khoảng 20 tấn ốc nhồi thương phẩm. Ảnh: Vũ Thượng

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 2.

Con ốc nhồi (ốc bươu đen) hộ ông Đóa nuôi luôn bóng đẹp. Ảnh: Vũ Thượng

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 3.

Khu vực ông Đóa nuôi con ốc nhồi, quanh bên là núi đá cao. Ảnh: Vũ Thượng

"Nghĩ là làm, khi trở về tôi quyết định đầu tư 30 triệu đồng để vệ sinh ao nuôi, mua con ốc giống nuôi thí điểm, nhưng được thời gian ốc chết hết. Năm thứ hai tôi tiếp tục đầu tư ốc nhồi nhưng nuôi vẫn chết", ông Đóa nhớ.

Ông Phạm Viết Đóa kể tiếp, không chịu khuất phục, tôi đã liên hệ tới người bạn nuôi ốc nhồi ở Phú Thọ, đi tham quan các mô hình nuôi ốc trên địa bàn, đọc sách, báo, tivi…Từ đó cũng học hỏi thêm được nhiều bài học kinh nghiệm để nuôi con ốc nhồi thành công.

Bí quyết nuôi ốc nhồi kháng bệnh

Ông Phạm Viết Đóa bật mí một số kinh nghiệm mà ông đã học, đúc kết suốt nhiều năm "ăn ngủ" với con ốc nhồi trong núi sâu như sau: "Sau mỗi trận mưa con ốc nhồi hay bị chết lai rai hoặc hàng loạt bởi ốc bị sốc nhiệt.

Cách khắc phục, nên lội xuống ao khua nước nhằm tạo trung hòa giữa nước mưa và nước ao. Đồng thời, dùng nước vôi té lên mặt ao để giảm độ PH cho ao nuôi con ốc nhồi.

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 5.

Ông Đóa rắc vôi bột quanh ao nuôi con ốc nhồi nhằm ngăn ngừa nhiễm phèn. Ảnh: Vũ Thượng

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 6.

Rau, củ, quả...các loại được nấu chín đảm bảo ốc nhồi ăn không bị độc tố. Ảnh: Vũ Thượng

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 7.

Ông Đóa kiểm tra rau, củ muối để cho con ốc nhồi ăn. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Phạm Viết Đóa khuyên khi cho con ốc nhồi ăn hằng ngày, bà con nông dân cần lưu ý lượng thích ăn. Ví dụ buổi tối cho ốc ăn, sáng mai kiểm tra nếu thấy thức ăn vẫn còn dư thừa thì dừng lại, đợi hết thức ăn mới cung cấp tiếp. 

Điều này giúp môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm, con ốc nhồi khỏe mạnh, không lo mắc các bệnh về đường ruột.

Bên cạnh đó, thức ăn cung cấp cho con ốc nhồi cần nấu chín hoặc ủ với men (làm từ cám gạo). Theo ông Đóa việc chăm sóc kiểu này giúp con ốc nhồi không bị các độc tố tấn công, đảm bảo chất dinh dưỡng để ốc phát triển.

Ông Đóa chia sẻ thêm, để chủ động ốc giống cho vụ mới, khi ốc đẻ trứng cần thu gom lại đưa vào thùng xốp để ấp, khi ốc con nở mới đưa ra ao nuôi tiếp. Việc thu gom trứng ốc với mục đích quản lý được nguồn ốc giống, ngoài ra còn tránh được các tình địch khác.

Đối với mùa hè nóng bức, ông Đóa tăng cường bơm nước vào ao nuôi ốc, mực nước duy trì khoảng 1 mét, quanh bên có thể trồng cây mùng, thả bèo tây…tạo bóng mát ao nuôi.

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 9.

Trứng ốc nhồi được ông Đóa thu gom để ấp tập trung. Ảnh: Vũ Thượng

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 10.

Dùng cây bèo tây, lục bình giúp con ốc nhồi vượt đông rất tốt. Ảnh: Vũ Thượng

Ở miền Bắc khó nhất đối với người nuôi ốc nhồi là có một mùa đông lạnh giá, có nhiều ngày nhiệt độ xuống thấp là trở ngại chính đối với phát triển nghề nuôi ốc nhồi. 

 Đặc biệt, nhiệt độ thấp, thời tiết lạnh giá kéo dài của mùa đông có thể gây thiệt hại lớn đối với các hộ nuôi ốc nhồi giống.

Để khắc phục vấn đề này, ông Phạm Viết Đóa (thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) đã gom hết ốc bố mẹ lại đưa vào tráng cước, phía trên là lớp bèo tây (hay còn gọi cây lục bình), đồng thời phủ bạt chắn gió bao quanh. Đối với hộ nào có điều kiện nên lắp đặt khung, tạo nhà riêng cho con ốc nhồi trú đông.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ông Phạm Viết Đóa là tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình), với khoảng 10 năm, xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp trên diện tích 3,5 ha. 

Các con vật được hộ ông Đóa nuôi chủ đạo như: Con dê, bò, lợn, cá,…tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 12.

Ốc nhồi giống ông Đóa bán 4 triệu đồng/vạn. Ảnh: Vũ Thượng

Nhiều năm gần đây, ông Đóa tập trung vào nuôi con ốc nhồi là chính bởi khu vực ông nuôi quanh bên là núi cao, nguồn nước không bị ô nhiễm, nguồn thức ăn sẵn có, khí hậu trong lành…

Con ốc nhồi nuôi khoảng 4 tháng là bắn bán thương phẩm với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, còn ốc giống bán giá 4 triệu đồng/vạn.

Do diện tích rộng, công việc nhiều nên ông Đóa đang thuê 2 người phụ giúp công việc trong trang trại với mức lương gần 10.000.000 đồng/người/tháng. 

Ông Đóa thổ lộ năm 2023, riêng nguồn thu từ bán ốc giống, thương phẩm lãi khoảng 350 triệu đồng. Năm 2024, ông tiếp tục tăng thêm diện tích nuôi ốc và sản lượng dự kiến khoảng 20 tấn.

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 14.

Ông Phạm Viết Đóa đứng cạnh cây chè khổng lồ, đây là cây dễ trồng, hàm lượng chất dinh dưỡng cao mà con ốc nhồi ăn vào rất tốt. Ảnh: Vũ Thượng

Nuôi ốc đặc sản la liệt chả giống ai, ông nông dân Ninh Bình lãi 350 triệu đồng/năm- Ảnh 15.

Cây mùng được trồng quanh ao nhằm tạo bóng mát, cũng như làm thức ăn cho con ốc nhồi. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Đinh Phương Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Nhất (TP Ninh Bình) cho biết: "Mô hình nuôi con ốc nhồi hộ ông Phạm Viết Đóa (thôn Bình Khê) rất khả thi, qua nhiều năm nuôi được đánh giá có hiệu quả. Đây cũng được xem là mô hình mới ở địa phương và hướng đến tạo thương hiệu khi nhắc đến Ninh Nhất là có tiếng nuôi ốc nhồi".

Bà con nông dân có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi con ốc nhồi, mua ốc giống hoặc các kỹ thuật nuôi ốc nhồi, phòng bệnh cho con ốc nhồi liên hệ trực tiếp tới ông Phạm Viết Đóa (thôn Bình Khê, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình), số điện thoại: 0365.158.774.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem