Nuôi dúi đặc sản, nông dân ở Bình Phước bán đắt hàng, khá giả hẳn lên

Thứ ba, ngày 19/07/2022 13:07 PM (GMT+7)
Từng là hộ nghèo nhưng với sự hỗ trợ về nguồn lực và quyết tâm phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, anh Hoàng Văn Hợp, nông dân dân tộc Tày ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đã từng bước phát triển kinh tế từ nuôi dúi thương phẩm.
Bình luận 0

Không chỉ giúp gia đình anh Hợp thoát nghèo, thành công của mô hình còn là hướng gợi mở để nông dân tham khảo, lựa chọn trong việc xây dựng mô hình kinh tế phù hợp nhu cầu thị trường hiện nay.

Thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, gia đình anh Hợp từng là hộ nghèo của xã Phú Văn nhiều năm liền. Với 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Hợp mạnh dạn đầu tư chuồng trại, tích lũy kinh nghiệm, quyết tâm gắn bó với nghề nuôi dúi. Với 200 con dúi thường xuyên được duy trì trong chuồng, ngoài kỹ thuật, theo anh Hợp, nhiệt độ luôn được kiểm soát là yếu tố quan trọng nhất để dúi phát triển, sinh trưởng khỏe mạnh.

Nuôi dúi đặc sản, nông dân ở Bình Phước bán đắt hàng, khá giả hẳn lên - Ảnh 1.

Anh Hoàng Văn Hợp (bìa trái) thoát nghèo nhờ nuôi dúi thương phẩm

Anh Hợp cho biết: Sau 2 lần nuôi thất bại, bản thân rút ra được kinh nghiệm, trong nuôi dúi chuồng trại là quan trọng nhất, nhiệt độ phải luôn được kiểm soát ở mức 270C, nóng quá dúi cũng sống được nhưng khi sinh sản thì cắn con. Thức ăn cho dúi dễ kiếm, xung quanh nơi gia đình sinh sống tre nứa nhiều nên không sợ thiếu. Gia đình dự định phát triển thêm nhưng chưa đủ vốn, còn đầu ra thì không lo, trong chuồng có bao nhiêu con thương lái thu mua hết, không đủ giống để nuôi.

Cũng theo anh Hợp, dúi mẹ sinh sản 2 lần trong năm, mỗi lứa được 3 con. Với 100 con dúi sinh sản, giá trung bình 700 ngàn đồng/con, sau 6 tháng nuôi như hiện nay, gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Nhờ nuôi dúi, gia đình anh Hợp đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định gần 3 năm nay.

“Hội Nông dân xã Phú Văn đang cân nhắc, tính toán thành lập Tổ hợp tác nuôi dúi từ 7-10 hộ. Tuy nhiên, bước đầu phải để bà con tham quan, học hỏi kỹ thuật từ thực tế tại nhà anh Hợp. Dúi khá mẫn cảm với thời tiết nên phải chủ động nguồn giống tại địa phương, bà con lựa chọn nguồn giống không thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng thì rất dễ thất bại” - ông Phan Quang Thinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn thông tin thêm.

Nuôi dúi không phải là mô hình mới đối với nhiều nông dân trong tỉnh nhưng đã có không ít người nuôi thất bại khi gắn bó với loài động vật gặm nhấm này khi không tìm hiểu kỹ. Từ thành công của mô hình nuôi dúi của gia đình anh Hợp, cho thấy nuôi dúi không quá khó và có thể mang lại thu nhập cao khi người nuôi đáp ứng tất cả đòi hỏi về kỹ thuật, điều kiện sống của vật nuôi mà mình đã lựa chọn gắn bó.

Trần Cảnh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem