Nuôi con be bé hay gáy râm ran trong cái chuồng lạ, bắt bán ra nước ngoài, một người Bình Phước thu 8 tỷ/năm

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 02/02/2022 19:02 PM (GMT+7)
Nuôi dế không phải là mô hình mới. Dùng dế làm thức ăn cũng không phải lạ. Nhưng nuôi dế bằng công nghệ cao trong container để xuất khẩu, doanh thu một năm 8 tỷ đồng như anh Đặng Cao Nam ở tỉnh Bình Phước là chuyện không hề đơn giản.
Bình luận 0

Nuôi dế trong container

Năm 2016, anh Nam đọc được cảnh báo về an ninh lương thực thế giới của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) khi dân số thế giới đạt 9,5 tỷ người vào năm 2050.

Trong báo cáo, FAO cũng nhấn mạnh vai trò của dế mèn trong nỗ lực giải quyết các vấn đề lương thực nhờ đặc tính năng suất cao, tạo ra lượng khí thải nhỏ, vật nuôi đòi hỏi lượng thức ăn thấp.

Tâm đắc với nguồn thức ăn độc, lạ và giàu protein này, anh Nam đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp nông nghiệp với con dế mèn. Năm 2017, Công ty TNHH Cricket One ra đời mà Nam là người đồng sáng lập.

Anh Đặng Cao Nam chăm sóc đàn dế. Ảnh: NVCC

Anh Đặng Cao Nam chăm sóc đàn dế. Ảnh: NVCC

Mặc dù trong nước có đầy đủ điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nhưng nhiều năm qua, việc nuôi dế Việt Nam chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp và chưa tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Nam gặp không ít khó khăn trong việc phát triển mô hình. Những năm tiếp theo, anh Nam cùng đội ngũ cộng sự thường xuyên tham gia gọi vốn từ các chương trình hỗ trợ vốn của quốc tế.

Năm 2019, dự án khởi nghiệp nuôi dế thâm canh trong container thắng giải tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019.

Đến năm 2020, dự án của Cricket One trở thành quán quân cuộc thi khởi nghiệp Việt toàn cầu Vietchallenge, nhận giải thưởng 15.000 USD.

Những nguồn vốn đầu tư này đã giúp anh có điều kiện xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Theo đó, Cricket One trang bị công nghệ chăn nuôi dế công nghệ cao ngay trong các container cũ.

Mô hình nuôi dế bằng công nghệ cao trong container. Ảnh: NVCC

Mô hình nuôi dế bằng công nghệ cao trong container. Ảnh: NVCC

Các container này được lắp tấm cách nhiệt rồi chia thành những ô nhỏ nuôi dế. Bên trong mỗi container, anh lắp đặt các cảm biến theo dõi nhiệt độ, độ ẩm môi trường nuôi.

Các thiết bị thông gió, đèn hồng ngoại để sưởi ấm cho dế cũng được điều khiển tự động. Cách làm này giúp công ty thu hoạch mỗi tháng 500kg dế/container.

Thời gian đầu, công ty triển khai mô hình nuôi dế trên quy mô 200m2, sản xuất ra 2-2,5 tấn dế mỗi tháng.

Năm 2020, đàn dế của anh Nam được chuyển về ngôi nhà mới. Trại nuôi dế của Cricket One hiện đặt tại xã Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) diện tích trại đế chỉ 1.500m2.

Nuôi dế bằng công nghệ cao để xuất khẩu

Theo anh Nam tính toán, mỗi kg thịt dế tăng trọng chỉ tốn 2kg thức ăn chuyên dùng, với giá 12.000 đồng/kg.

Người chăn nuôi dế có thể tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp trong vườn để phục vụ chăn nuôi.

Môi trường sống của dế. Ảnh: NVCC

Môi trường sống của dế nuôi. Ảnh: NVCC

Chi phí chăn nuôi dế khá thấp, khoảng dưới 20.000 đồng/kg. Mức giá mà công ty thu mua vào cho nông dân hiện nay là 50.000 đồng/kg. 

Những nông dân liên kết chăn nuôi có thể thu lợi 30.000 đồng/kg; chưa trừ chi phí công lao động. "Đây vẫn là mức thu nhập khá đối với nông dân", anh Nam cho biết.

Tuy nhiên, để chăn nuôi dế thành công và đạt được mức lợi nhuận này thì việc đầu tư công nghệ lẫn kỹ thuật là quan trọng nhất.

Thực tế, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã từng đầu tư nuôi dế. Thế nhưng phần lớn đều thất bại do không quản lý được tình hình dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi.

Anh Nam kể, khoa học về kỹ thuật chăn nuôi dế chưa phát triển như những ngành chăn nuôi heo, bò, gà, vịt. Vì  thế, cách thức quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi dế cũng chưa có thuốc đặc trị.

Kinh nghiệm của anh Nam là sử dụng con giống bản địa có sức đề kháng tốt. Trong quá trình chăn nuôi, các yếu tố ẩm độ, nhiệt độ, cho đến môi trường nước phải được kiểm soát trong mức độ tối ưu mới hạn chế được dịch bệnh.

Ở trại chăn nuôi mới, đàn dế được nuôi trong thùng nhựa. Ảnh: NVCC

Ở trại chăn nuôi mới, đàn dế được nuôi trong thùng nhựa. Ảnh: NVCC

Tại trại nuôi của Cricket One, dế được nuôi trong các thùng nhựa. Mỗi thùng có thể nuôi 8kg dế. Để tăng mật độ nuôi, các thùng nuôi được xếp chồng lên nhau.

Hệ thống ống dẫn tự động giúp cho dế uống nước bất kỳ lúc nào, nhưng vẫn đảm bảo môi trường luôn khô ráo.

Anh Nam cho biết, trại dế đang sử 2 hệ thống công nghệ cao để giúp dự báo  mọi tình huống trong quá trình chăn nuôi.

Đầu tiên là công nghệ giám sát. Trại nuôi đặt các sensor cảm biến để giám sát môi trường nuôi từ nhiệt độ, ánh sáng, gió các chỉ số khí độc.

Công nghệ thứ hai liên quan đến hệ thống tự động hóa. Đàn dế được cho ăn và uống nước tự động nhằm tiết giảm công lao động.

Một công nghệ liên quan đến việc thu thập dữ liệu hình ảnh và âm thanh của đàn vật nuôi. Công nghệ này hiện đang trong quá trình phát triển, tiến tới mục tiêu giúp đưa ra các cảnh báo sớm về tình trạng của đàn dế.

Năm 2021, trại dế của anh Nam sản xuất được 160 tấn dế nguyên liệu. Với giá bán 50.000 đồng/kg, 160 tấn dế này tương đương tổng doanh thu 8 tỷ đồng.

Dế được chế biến thành nguồn thực phẩm giàu protein. Ảnh: NVCC

Dế được chế biến thành nguồn thực phẩm giàu protein. Ảnh: NVCC

Không chỉ chuyên sâu về phương pháp nuôi dế mà công ty còn tự sản xuất nguồn thức ăn chăn nuôi có 100% nguồn gốc thực vật.

Đồng thời, công ty cũng hợp tác với nhiều trung tâm nghiên cứu để cho ra đời những dòng sản phẩm từ protein dế như bột dế bình thường, bột tách dầu và bột dế siêu mịn.

90% sản phẩm sau khi chế biến được xuất khẩu sang các nước châu Âu; 10% còn lại là xuất khẩu sang các nước châu Á như Nhật Bản Singapore.

Cuối năm 2021, sản phẩm bột đạm dế của Công ty TNHH Cricket One đã được tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận sản phẩm Ocop hạng 4 sao. "Chúng tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để quay trở lại thị trường trong nước", anh Nam chia sẻ.

Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết, địa phương rất khuyến khích việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp.

Mô hình chăn nuôi dế bằng công nghệ cao để xuất khẩu bột protein như anh Đặng Cao Nam còn khá mới mẻ.

"Sở NNPTNT sẽ tạo mọi điều kiện để mô hình liên kết chăn nuôi này phát triển trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân", ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem