Nuôi thứ cá trông như tàu ngầm dưới Thác Bay mát lạnh, nông dân Vĩnh Phúc giàu lên trông thấy

Hồng Đức (Cổng TTĐT Sở NNPTNT Vĩnh Phúc) Thứ bảy, ngày 25/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Chi, thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã mua lại Trang trại nuôi cá tầm dưới chân Thác Bay đầu tư mở rộng quy mô trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước lạnh, mở nhà hàng phục vụ thưởng thức cá tầm tại chỗ.
Bình luận 0

Xã Đồng quế, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) được thiên nhiên ưu đãi, với diện tích 70 % là đồi núi, trên dãy núi Sáng Sơn hùng vỹ, có Thác Bay với nguồn nước sạch, mát, trong lành, nhiệt độ nước suối nơi đây luôn duy trì ở mức 20 độ, rất thích hợp cho việc nuôi cá nước lạnh. 

Trong khi đó theo quy hoạch phát triển du lịch của Vĩnh Phúc thì Thác Bay cùng với hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc sẽ tạo thành khu du lịch sinh thái. 

Nắm bắt được thời cơ đó gia đình ông Nguyễn Ngọc Chi, thôn Thanh Tú, đã mua lại Trang trại nuôi cá tầm dưới chân Thác Bay đầu tư mở rộng quy mô trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản nước lạnh, mở nhà hàng phục vụ thưởng thức cá tầm tại chỗ. 

Mô hình nuôi cá tầm trên đã đem lại cho gia đình ông Chi  nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đồng thời góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển du lịch sinh thái và kinh tế địa phương.

Nuôi thứ cá trông như tàu ngầm dưới Thác Bay mát lạnh, nông dân Vĩnh Phúc giàu lên trông thấy - Ảnh 1.

Trang trại nuôi cá tầm của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chi ở thôn Thanh Tú, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Được sự giới thiệu của cán bộ nông nghiệp xã Đồng Quế, vào khu du lịch Thác Bay trên con đường ngoằn nghoèo, gập ghềnh, khó đi. 

Chúng tôi đến thăm khu trại nuôi cá Tầm của gia đình ông Nguyễn Ngọc Chi ở thôn Thanh Tú, khu nuôi cá tầm của gia đình ông Chi nằm lưng trừng núi, diện tích rộng khoảng  hơn 6.000 m2, với hơn 10 bể nuôi cá tầm các loại: từ cá tầm bố mẹ, cá thịt có trọng lượng từ 3-7kg/con, đến cá con giống…, và khu nhà hàng để chế biến các món ăn từ cá tầm phục vụ cho du khách có nhu cầu thưởng thức món cá tầm tại chỗ, chúng tôi thực sự khâm phục sự nhạy bén và ý chí làm giàu của người đàn ông ngoài 60 tuổi này.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi cá tầm của mình ông Chi cho biết: Ban đầu, trang trại nuôi cá tầm này được một người dưới xuôi đầu tư xây dựng từ năm 2012, với 5 bể nuôi cá, hệ thống đường ống dẫn nước từ Thác Bay về và nuôi thử nghiệm 5 nghìn con cá tầm giống. 

Trải qua 8 năm được nuôi tại đây, do phù hợp với điều kiện tự nhiên nên cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2020, gia đình tôi đầu tư 2 tỷ đồng để mua lại khu trang trại nuôi cá tầm này, đầu tư thêm 1 tỷ đồng để mở rộng thêm 5 bể nuôi cá, mở thêm đường ống dẫn nước từ thác bay về và xây dựng nhà hàng để phục vụ khách đến thưởng thức cá tầm tại chỗ.

Thời gian đầu, để nắm bắt đầy đủ các kỹ thuật nuôi cá tầm, ông Chi phải lặn lội đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia của Tổng cục Thủy sản, các chủ trại nuôi cá tầm ở các địa phương như Tam Đảo, Sa Pa, Lai Châu, Lâm Đồng.….

Nuôi thứ cá trông như tàu ngầm dưới Thác Bay mát lạnh, nông dân Vĩnh Phúc giàu lên trông thấy - Ảnh 3.

Nguồn nước để nuôi cá tầm phải liên tục được bổ sung, đảm bảo sạch và duy trì nhiệt độ từ 180C đến 220C

Ông Chi chia sẻ, nuôi cá tầm quan trọng nhất là môi trường nước phải sạch, nhiệt độ nước đủ lạnh với lượng oxy hòa tan cao. Trong quá trình nuôi, nước suối liên tục được bổ sung và cũng được thải ra ngoài với lượng nước tương ứng nhằm tạo ra nhiệt độ và lượng ô xy trong nước ổn định, thích hợp với điều kiện sinh trưởng của cá, nước nuôi cá luôn phải duy trì ở nhiệt độ từ 18oC đến 220C.

Bên cạnh đó, để cá Tầm thịt ngon, thơm, trắng tôi thường xuyên cho cá ăn đỗ tương xay cùng với cá tạp và chú trọng nguồn thức ăn theo chu kỳ sinh trưởng của cá.

Sau 2 năm tiếp quản trang trại, nhờ thường xuyên học hỏi và áp dụng kỹ thuật nuôi chuẩn khoa học, kỳ công chăm sóc, đàn cá tầm của gia đình ông Chi sinh trưởng, phát triển tốt, hiện nay với giá bán dao động từ 250.000 đồng/kg đối với loại 2-3kg/con, 350.000 đồng/kg đối với loại 3-5kg/con, 500.000 đồng/kg đối với loại 5-7kg/con.

Cùng với việc phục vụ thực khách tại nhà hàng, gia đình ông Chi thu về gần 300 triệu/năm. Ngoài ra, trang trại nuôi cá tầm của gia đình ông Chi còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, phần lớn khách mua cá tầm của trang trại gia đình ông Chi là khách quen. Do chất lượng cá đảm bảo, khách hàng ăn cá thấy ngon lại giới thiệu bạn bè đến mua. Mặc dù 2 năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, cộng thêm việc phải cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc nhập lậu khiến hoạt động nuôi và kinh doanh cá tầm ở nhiều địa phương bị chững lại.

Tuy nhiên, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi chuẩn khoa học, đảm bảo nguồn thức ăn an toàn nên trại cá tầm của gia đình ông Chi vẫn xuất bán nhiều trên thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, trong đó nhiều khách sạn, nhà hàng tại Sa Pa, Hà Nội và các tỉnh lân cận đặt mua. Ngoài cá tầm thương phẩm, trại cá tầm của ông Chi còn nuôi nhiều cá bố, mẹ được nhập khẩu trực tiếp từ Liên bang Nga, để chuyên cung cấp trứng cá tầm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để đón đầu cho việc phát triển của khu du lịch Thác Bay- Hồ Vân Trục- Hồ Bò Lạc, ông Chi sẽ xây dựng thêm bể nuôi cá, đẩy mạnh hoạt động sản xuất trứng cá tầm trong phòng lạnh để có thể xuất khẩu, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho mô hình nuôi cá tầm phát triển hơn nữa.

Theo ông Lê Công Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quế cho biết: Mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Chi là mô hình đầu tiên trên địa bàn xã, với hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình đem lại, giúp vị thế của địa phương được nâng cao trong việc mở ra hướng phát triển ngành nghề nuôi thủy sản nước lạnh.

Trong thời gian tới, để mở rộng sản xuất nông nghiệp, đưa nuôi trồng thủy sản thành quy mô sản xuất hàng hóa, là hướng phát triển kinh tế chủ yếu. Chính quyền địa phương tạo điều kiện để khuyến khích các nhà đầu tư, người dân đầu tư  vào việc phát triển nghề nuôi cá tầm nói riêng và các loại thủy sản nước lạnh nói chung, để có thể tạo nên thương hiệu thủy sản và hình thành nên cơ sở hạ tầng giúp cho việc phát triển khu du lịch Thác Bay của địa phương.

Việc tận dụng nguồn nước lạnh của Thác Bay để nuôi thành công loài cá tầm thương phẩm tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô sẽ mở ra hướng phát triển mới cho ngành nuôi trồng thủy sản địa phương. Ngoài việc cung cấp loại thực phẩm cao cấp, phục vụ cho khách tham quan du lịch, tạo ra sản phẩm thủy sản đặc sản mà ít địa phương có cơ hội làm được.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem