Ở một cái khe nước lạnh mát của Quảng Ninh, nuôi cá ngoại quốc thành công, bán 200.000 đồng/kg, thu tiền tỷ

Việt Hoa (Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh) Chủ nhật, ngày 24/03/2024 19:22 PM (GMT+7)
Quy trình nuôi cá tầm Siberi ở Khe Tiền (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) hiện nay là quy trình chuẩn VietGAP. Từ hệ thống bể nuôi khoa học này đã tạo ra môi trường sống phù hợp cho cả ngàn con cá tầm/năm.
Bình luận 0

Thôn Khe Tiền thuộc xã Đồng Văn là nơi đầu tiên của huyện Bình Liêu cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi cá nước lạnh, trong đó có loại cá tầm Siberi.

Năm 2015, HTX Phát triển nông nghiệp và thuỷ sản Đông Bắc thả thử nghiệm 300 con cá tầm giống Siberi xuống vùng nước lạnh Khe Tiền. 

Ông Đoàn Đình Kha, Giám đốc HTX, cho biết: Khe Tiền ở vị trí cao, có nhiều rừng, là yếu tố để giữ được nguồn nước và nhiệt độ trong nước thấp. 

Cùng với đó, địa hình Khe Tiền dốc, chia cắt, lại có những thung lũng, điều này tạo ra những dòng chảy mạnh mang lượng oxy lớn, cũng như hình thành các vùng nước tĩnh. 

Hơn hết Khe Tiền rất sạch, môi trường tự nhiên còn hoang sơ, dường như ít bị tác động bởi bàn tay con người. Vì vậy, tôi cho rằng nếu triển khai mô hình nuôi cá tầm ở đây thì trước tiên có cái lợi về nguồn nước, về khí hậu, đây đã là yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc nuôi cá thành công.

Ở một cái khe nước lạnh mát của Quảng Ninh, nuôi cá ngoại quốc thành công, bán 200.000 đồng/kg, thu tiền tỷ- Ảnh 2.

Người dân thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) phát triển mô hình nuôi cá tầm Siberi nước lạnh.

Tương đối đúng với dự đoán, lứa cá tầm đầu tiên của HTX Phát triển nông nghiệp và thuỷ sản Đông Bắc thích nghi được với dòng nước Khe Tiền, tốc độ sinh trưởng hơi chậm, nhưng chất lượng cá sau thu hoạch được đánh giá rất cao. 

Trên cơ sở thành công ban đầu, trong quá trình nuôi sau này HTX Phát triển nông nghiệp và thuỷ sản Đông Bắc có những điều chỉnh căn bản về hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước, hệ thống hạ tầng ao, bể nuôi, quy trình nuôi... để thúc đẩy quá trình thích nghi và phát triển của cá tầm.

Hiện nay, khu vực nuôi cá tầm Khe Tiền được thiết kế theo hướng lắp đặt hệ thống dẫn nước trực tiếp từ các khe suối về đập chứa; xây dựng các bể chứa nước, bể nuôi, bể dưỡng theo hướng thấp dần như chân ruộng bậc thang; xây dựng hệ thống xử lý nước đầu nguồn và xử lý nước thải đồng bộ; sử dụng lưới che phủ để giảm tác động của ánh sáng và nhiệt độ... 

Quy trình nuôi cá tầm ở Khe Tiền hiện nay là quy trình chuẩn VietGAP. Từ hệ thống bể nuôi khoa học này đã tạo ra môi trường sống phù hợp cho cả ngàn con cá tầm/năm, đảm bảo tỷ lệ sống, cũng như tốc độ sinh trưởng và phát triển, đảm bảo về chất lượng dinh dưỡng. 

Kết thúc quá trình nuôi, cá tầm Khe Tiền nặng 2-5kg/con, giá bán 200.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu cả tỷ đồng/năm.

Từ sự khởi xướng của HTX Phát triển nông nghiệp và thuỷ sản Đông Bắc, nhiều hộ dân ở Khe Tiền cũng mạnh dạn đầu tư vốn, diện tích, công lao động để tham gia nuôi cá tầm, trở thành xã viên, hoặc cổ đông của HTX.

Hiện nay, cùng với nhịp độ phát triển của xã Đồng Văn, cũng như huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), thôn Khe Tiền đang dần trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng. 

Du khách đến với Khe Tiền để trải nghiệm cảm xúc với không gian thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng trùng điệp, không khí mát lành, hương rừng hồi, rừng quế ngào ngạt. 

Người Khe Tiền giờ biết sửa sang nếp nhà trình tường để đón khách, những homestay mọc lên thật xinh đẹp giữa núi rừng.

Ở đó du khách được biết đến những nét văn hoá truyền thống của người dân bản địa, biết đến kỹ thuật may thêu trang phục, những điệu hát, tiếng đàn ngân vang rừng núi…

Hơn hết Khe Tiền có những món ăn đặc sắc, bao gồm cả món cá tầm thơm ngon bổ dưỡng. Trại cá tầm Khe Tiền cũng trở thành nơi tham quan rất hấp dẫn khi du khách đến với nơi đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem