Nữ sinh xé áo bạn, nam sinh mang dao đến lớp: Phụ huynh đau đầu vì bạo lực học đường (bài 1)

Tào Nga Thứ hai, ngày 17/04/2023 13:04 PM (GMT+7)
Bạo lực học đường là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề, khiến phụ huynh đau đầu và bế tắc phải nhờ đến chuyên gia tư vấn. Mới đây, thông tin một nữ sinh lớp 10 trường chuyên ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường đã thu hút quan tâm của dư luận.
Bình luận 0

LTS: Theo số liệu được Bộ GDĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Sau các vụ bạo lực học đường, nhiều học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tinh thần và nặng hơn là tính mạng, trong khi đó, kẻ bắt nạt cũng dang dở tương lai...

Loạt bài về bạo lực học đường của chúng tôi sẽ phần nào trả lời cho các câu hỏi vì sao tình trạng này không dừng lại, nguyên nhân và trách nhiệm của gia đình, vai trò của nhà trường, xã hội ở đâu, các em cần làm gì để bảo vệ mình?

Nữ sinh Nghệ An tự tử nghi do bạo lực học đường và những vụ việc rúng động khác

Dư luận vừa bày tỏ sự tiếc thương với sự ra đi của nữ sinh N.T.Y.N -  lớp 10, Trường THPT Chuyên - Trường Đại học Vinh, Nghệ An. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt sáng 17/4, TS. Trần Mạnh Hùng, Phó hiệu Trưởng Trường THPT Chuyên - Trường Đại học Vinh xác nhận gia đình và nhà trường đang lo hậu sự cho em N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15. 

Nguyên nhân chính xác của vụ việc, theo thầy Hùng, đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin cho rằng nữ sinh này bị bạn đánh, ngược đãi, áp đảo tâm lý, xin chuyển lớp nhưng chưa được thì xảy ra sự việc đau lòng. Nữ sinh này khóa trái cửa và treo cổ tự tử vào ngày 16/4.

Một vụ việc khác xảy ra trong ngày 16/4, Trường THCS số 1 Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã họp và có hình thức xử lý đối với những học sinh liên quan đến vụ nữ sinh bắt bạn quỳ gối và tát liên tục. Theo đó, cả 2 nữ sinh T.H.B.N. (lớp 6D) và N.H.A.H. (lớp 7A) đều bị xử lý theo hình thức khiển trách. Ngoài ra, những học sinh xem, chứng kiến mà không can ngăn, quay clip, phát tán clip cũng bị nhắc nhở trước sự chứng kiến của các thầy, cô giáo cùng phụ huynh. Đồng thời, Trường THCS số 1 Bắc Lý cũng sẽ họp hội đồng để rút kinh nghiệm và đưa ra các biện pháp trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường: Người tử vong, kẻ đi tù với tương lai dang dở (bài 1) - Ảnh 3.

Học sinh ở Bạc Liêu đánh nhau trong lớp. Ảnh: CMH

Không chỉ cấp THPT, THCS, ngay cả cấp tiểu học cũng xảy ra hiện tượng đánh nhau và dùng điện thoại để quay clip. Mới đây, theo báo cáo của Phòng GDĐT thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, sự việc xảy ra tại lớp 5/4, Trường Tiểu học Kim Đồng. 2 em học sinh đã đánh bạn và một em khác dùng điện thoại quay lại ngay trong lớp học.

Năm 2022 cũng là năm chứng kiến những vụ bạo lực học đường rúng động như nữ sinh lớp 8 bị đưa vào nhà vệ sinh đánh và lột đồ quay clip; nam sinh lớp 11 ở Long An bị bạn đánh tử vong hay 1 nữ sinh lớp 8 bị đánh toác đầu do không mua nước uống dùm bạn; nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường đánh dã man, nhấn xuống bùn... Chưa hết, đầu năm học 2023, dư luận đã chứng kiến vụ bạo lực học đường như vụ đánh nhau kinh hoàng ở Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường do chuyện tình cảm hay vụ nam sinh lớp 11 nghi đâm bạn lớp 12 tử vong do bị bạn bắt nạt...

Những vụ bạo lực học đường này đã để lại những hậu quả khôn lường. Các em bị tổn thương tinh thần, thể xác thậm chí nhiều trường hợp đã tử vong. Những kẻ bắt nạt cũng phải trả giá, bị gia đình, nhà trường, xã hội và pháp luật lên án, trừng phạt.

Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường: Người tử vong, kẻ đi tù với tương lai dang dở (bài 1) - Ảnh 4.

Nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường đánh dã man, nhấn xuống bùn. Ảnh: CMH

Phụ huynh đau đầu, bế tắc

Mặc dù nghe nhiều về nạn bạo lực học đường nhưng chị Vương Thanh Hoa, một phụ huynh có con học lớp 6 ở Hà Nội không nghĩ rằng con mình lại rơi vào tình huống này. Mới vào năm học, con gái chị vui vẻ chơi đùa cùng các bạn nhưng chỉ sau nửa kỳ con đã thay đổi tính tình. "Con tôi trầm tình hẳn, ít nói chuyện với mọi người trong nhà. Tối về con lầm lũi, hay thở dài, chán nản, đi học không còn là niềm vui. Nhiều lần gặng hỏi tôi mới biết con bị các bạn cô lập không chơi cùng, thậm chí nói xấu sau lưng. Không biết làm thế nào tôi đành phải nhờ cô giáo hỗ trợ gọi các bạn ra để trao đổi", chị Hoa cho hay.

Không chỉ lo lắng con bị cô lập, bạo lực tinh thần mà chị Lê Mai Hà, một phụ huynh ở Thanh Hóa cũng hoảng hốt khi con trai lớp 7 của mình từng bị bạn cầm dao đến lớp đe dọa. "Mỗi ngày con đi học tôi đều nơm nớp lo sợ", chị Hà bày tỏ. 

Con bị bắt nạt hay con đi đánh bạn cũng đều khiến cha mẹ đau đầu, lo lắng. Nhiều phụ huynh tìm đến nhà trường, chuyên gia tâm lý để nhờ can thiệp. “Tôi không biết phải làm sao để bảo vệ con. Không lẽ cứ có chuyện là phải chuyển trường, mà để con học ở đó thì không yên tâm chút nào. Thực sự tôi không biết phải làm sao để giải quyết tình trạng bạo lực học đường này”, chị Hà tâm sự.

Ở chiều ngược lại, một phụ huynh rơi vào bế tắc phải tìm đến giúp đỡ của chuyên gia vì con trai có tính cách bạo lực. Dù gia đình chưa bao giờ dạy con bằng đòn roi, mắng chửi nhưng tính cách của con luôn ngông cuồng, cứng đầu không chịu nghe lời.

"Tôi phân tích cho con đủ kiểu, còn đặt tình huống cho con vào vai người bị đánh, đến sử dụng các hình phạt như chép bài, không cho xem ti vi nhưng con không thay đổi. Khi bị bố mẹ hay giáo viên hỏi han, dạy dỗ thì con tỏ thái độ khó chịu", phụ huynh này nói.

>> Bài 2: Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem