Nữ Giám đốc dân tộc Tày ở Hòa Bình làm thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh

Phạm Hoài - Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 11/02/2024 18:50 PM (GMT+7)
Chị Hà Thị Tâm - Giám đốc Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã xây dựng và khẳng định thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh ở thị trường trong và ngoài tỉnh, qua đó, giúp các thành viên và người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Thành lập Hợp tác xã với vỏn vẹn 2 thành viên

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại Đà Bắc – một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Có mặt tại Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (xóm Ênh, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc), chúng tôi bắt gặp chị Tâm cùng một số chị em đang đóng gói sản phẩm thịt lợn bản địa và gà Tân Minh để chuẩn bị giao cho khách hàng.

Thấy khách, chị Tâm cẩn thận cất những sản phẩm vừa đóng gói vào trong hộp, rồi vội vàng mời chúng tôi vào nhà. Vừa rót chén chè nóng mời chúng tôi, chị bảo"dịp cuối năm này nhiều khách đặt hàng nên các thành viên trong HTX phải tất bật đóng gói sản phẩm cho khách hàng".

Ngồi nhâm nhi chén trà, trò chuyện với chị Tâm, chúng tôi được biết, HTX Đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh được thành lập vào tháng 9/2022. Ban đầu thành lập, HTX chỉ có vọn vẻn 2 thành viên. 

Sở dĩ thành viên của HTX lúc đấy ít như vậy bởi vì lúc chuẩn bị mới thành lập, để vận động người dân vào HTX chị Tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không hiểu được HTX là gì, vào HTX để làm gì, có lợi ích như thế nào?

Không từ bỏ, chị Tâm nhiều lần đến tận nhà các hộ dân chăn nuôi tại địa phương để vận động, giải thích cho họ hiểu rõ khái niệm HTX, lợi ích của việc thành lập HTX. "Mưa dầm thấm lâu", sau nhiều lần như vậy, một số người dân đã hiểu rõ và nhận thức được rồi đồng ý tham gia vào HTX.

Nữ Giám đốc dân tộc Tày ở Hòa Bình làm thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh- Ảnh 1.

Chị Tâm bên đàn lợn đen bản địa của mình. Ảnh: Tâm Kem.

Khi đi vào hoạt động, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh đã chọn hướng chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt lợn đen bản địa tại địa phương. Nhằm nâng cao giá trị cũng như thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen bản địa, chị Tâm đã mạnh dạn đăng ký OCOP với thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

"Khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP mỗi năm dịp Tết tôi bán được khoảng 100 con lợn đen bản địa. Tôi đã mạnh dạn đăng ký OCOP vì tôi nghĩ sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, lượng sản phẩm bán ra gấp nhiều lần hơn", chị Tâm bộc bạch.

Nữ Giám đốc dân tộc Tày ở Hòa Bình làm thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh- Ảnh 2.

Sản phẩm thịt lợn đen bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh. Ảnh: Tâm Kem.

Theo chị Tâm, do thương hiệu lợn bản địa Tân Minh của HTX ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng, nhiều hộ dân tại địa phương đã tin tưởng tham gia liên kết chăn nuôi cũng như tham gia vào HTX, đến nay, số lượng thành viên của HTX đã lên đến 15 thành viên, trong đó có 7 đảng viên.

Đưa thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh vươn xa

Nói về việc xây dựng thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh, chị Tâm cho hay, trước khi thành lập HTX, chị Tâm bán quán ăn tại địa phương, đến nay đã được 18 năm.

Khi đó, chị đã đầu tư nuôi lợn đen bản địa để chủ động nguồn thực phẩm cho quán, đồng thời bán cho bà con và khách ăn. Nhiều khách hàng thường xuyên đến quán ăn thấy chất lượng thịt lợn thơm ngon nên nhiều khách đã đặt lợn về ăn và làm quà biếu. Tiếng lành đồn xa, thịt lợn bản địa Tân Minh ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và tìm mua.

Nữ Giám đốc dân tộc Tày ở Hòa Bình làm thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh- Ảnh 3.

Được nuôi bằng cám gạo, ngô…, đồng thời tận dụng nguyên phụ phẩm nông nghiệp nên chất lượng thịt lợn bản địa Tân Minh thơm ngon, khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: Tâm Kem.

Kể từ khi được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX được đem đi quảng bá, giới thiệu ở các sự kiện hội chợ trong và ngoài tỉnh, từ đó, sản phẩm của HTX có cơ hội tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Ngoài các sự kiện được nhà nước hỗ trợ chi phí để quảng bá sản phẩm, chị Tâm cũng tự bỏ tiền túi ra cùng các thành viên để thuê các gian hàng trưng bày sản phẩm tại những sự kiện, hội chợ ở nhiều tỉnh miền Nam và miền Bắc, với mong muốn sản phẩm OCOP của HTX "thịt lợn bản địa Tân Minh" và nhiều nông sản đặc trưng địa phương mình được nhiều khách hàng mọi miền Tổ quốc biết đến. Bên cạnh đó, chị Tâm cùng các thành viên HTX cũng đã lựa chọn các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… để quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản mình.

Cũng theo chị Tâm, thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân địa phương, họ chủ yếu làm nông nghiệp nên cuộc sống mãi không khấm khá lên được. Để giúp những hộ dân khó khăn tại địa phương, cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thị trường, HTX xã đã liên kết với các hộ dân thực hiện mô hình nuôi lợn rẽ. Người dân sẽ được HTX hỗ trợ lợn giống. Sau khi lợn sinh sản, người dân được chọn con mẹ hoặc lợn con để tiếp tục nuôi. Đầu ra được HTX bao tiêu, từ đó giúp các hộ yên tâm chăn nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Ban đầu chỉ có 10 hộ tham gia nhưng đến nay đã có tới 53 hộ tham gia mô hình nuôi lợn rẽ, với số lượng lên đến hàng nghìn con.

"Cùng với chọn giống lợn đen bản địa thuần chủng, các thành viên, hộ liên kết sử dụng hình thức chăn nuôi truyền thống bằng cách nấu cám gạo, ngô…, đồng thời tận dụng nguyên phụ phẩm gia đình, như vậy, sẽ tạo chất lượng thịt thơm ngon", chị Tâm chia sẻ.

Nữ Giám đốc dân tộc Tày ở Hòa Bình làm thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh- Ảnh 4.

Ngoài thịt lợn bản địa Tân Minh, HTX Đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh vừa xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao gà đồi Tân Minh. Ảnh: Tâm Kem.

Đến nay sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn. Sản phẩm đã có mặt ở các thị trường từ Bắc cho tới Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Lâm Đồng, Long An … Doanh thu của HTX năm 2023 trên dưới 300 triệu đồng. Bình quân mỗi thành viên HTX, hộ dân liên kết có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. 

"Ngoài thịt lợn bản địa Tân Minh, HTX Đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh vừa xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao gà đồi Tân Minh. Khó khăn của HTX hiện nay là vốn, tôi mong muốn các cấp ban, ngành có những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn vay, đồng thời hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho các thành viên HTX, từ đó, tạo điều kiện cho HTX phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản địa phương", chị Tâm bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem